16:03 25/08/2022

Bên trong hệ thống quản lý rủi ro của một ngân hàng Việt Nam an toàn, lành mạnh

Chiêu Nghi

“Lành mạnh”, “An toàn”, “Chất lượng”,… là những từ được các định chế tài chính thường dùng khi đề cập đến khẩu vị rủi ro và năng lực Quản trị Rủi ro của ACB. Thậm chí đây còn được xem là năng lực tạo sự khác biệt của ACB trên thị trường. Nhưng xét về khía cạnh khác, câu hỏi được đặt ra là quản lý rủi ro chặt chẽ luôn đi kèm với khả năng sinh lời không cao?...

Trên thị trường hiện nay, ACB nằm trong tốp dẫn đầu về Quản trị Rủi ro và có mô hình quản lý rủi ro hiệu quả. Trong các đánh giá độc lập của nhiều tổ chức được đưa ra, ACB nổi bật về chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản lý rủi ro thận trọng.

CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ RỦI RO THẬN TRỌNG TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT

Báo cáo phân tích ngành ngân hàng cuối quý 2 theo mô hình CAMEL - một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của ngân hàng - vừa được công ty chứng khoán Yuanta công bố tháng 8/2022 cho thấy ACB giữ vị trí Top 1 bảng xếp hạng 27 ngân hàng tại Việt Nam với tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp - 0,76%/năm - thuộc dạng thấp nhất trong các ngân hàng thương mại cổ phần và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao, gần 200%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho phép ACB linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng và từ đó thúc đẩy lợi nhuận năm 2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản của ngân hàng.

Theo đánh giá xếp hạng tín dụng của ACB (trong năm 2022) do Moody’s công bố, điểm nổi bật của ACB là chất lượng tài sản vững chắc. Theo đó, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành và xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn của ACB là BA3, có được do chất lượng tài sản và khả năng sinh lời tốt.

Trước đó, vào tháng 3.2022, ACB cũng được Fitch Ratings đánh giá ACB có chất lượng tài sản ổn định, với tỷ lệ nợ xấu thấp hơn tỷ lệ trung bình của các ngân hàng được đánh giá bởi Fitch.

Một số công ty chứng khoán cũng nhấn mạnh vào chất lượng tài sản của ACB, chẳng hạn như VNDirect đánh giá triển vọng khả quan cả về ngắn hạn và dài hạn đối với ACB dựa trên kết quả kinh doanh lạc quan và chất lượng tài sản vững chắc.

Điều tạo ra điểm nhấn trong hoạt động quản trị của ACB là dù luôn duy trì khẩu vị rủi ro chặt chẽ mà đôi khi được đánh giá khá bảo thủ nhưng ACB lại duy trì được Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 25% năm và duy trì trong nhiều năm. Báo cáo Tài Chính 6 tháng đầu năm 2022 của ACB cũng có các chỉ số nói lên sự hiệu quả cao như Thu nhập trước thuế (EBIT) đã tăng 42%, hoàn thành 60% kế hoạch chỉ tiêu năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) khoảng 25,8%.

CHÍNH SÁCH, QUY TRÌNH QUẢN LÝ RỦI RO VÀ SỰ CÂN BẰNG THỰC TIỄN

ACB là một trong những ngân hàng hoàn thành sớm ba trụ cột của Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, và Thông tư 13/2018/TT-NHNN để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chủ động nội lực sẵn sàng ứng phó ngay cả trong những trường hợp căng thẳng nhất của thị trường, giúp nhà đầu tư và khách hàng hoàn toàn yên tâm khi giao dịch với Ngân hàng.

ACB áp dụng ICAAP (Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn) - trụ cột thứ 2 của Basel - vào hoạt động của ngân hàng thông qua việc thiết lập các chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động gắn liền với rủi ro, định hướng danh mục kinh doanh của Ngân hàng theo hướng tối ưu trên toàn hệ thống. Quy trình ICAAP của ACB được KPMG tư vấn và rà soát dựa trên các quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khuyến nghị của Ủy ban Basel, cũng như đúc kết từ kinh nghiệm của các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Trải qua 3 lần đánh giá toàn diện với các mô hình kiểm tra sức chịu đựng, kết quả cho thấy ACB hoàn toàn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về đánh giá mức độ đủ vốn, có mức an toàn vốn cao, đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tiếp theo, tuân thủ khẩu vị rủi ro của ACB và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bên trong hệ thống quản lý rủi ro của một ngân hàng Việt Nam an toàn, lành mạnh - Ảnh 1

Bên cạnh đó, ACB cũng thiết lập mô hình ba tuyến phòng thủ vững chắc. Thành công của ACB trong ba tuyến phòng thủ này nổi bật ở điểm mỗi nhân viên ACB đều được truyền đạt và có trách nhiệm tuân thủ năm giá trị cốt lõi, trong đó có hai giá trị liên quan đến Quản trị Rủi ro là “Chính trực” và “Cẩn trọng”. Có thể nói, Người ACB thực hiện tinh thần “sẵn sàng đương đầu với rủi ro” bằng sự chủ động trong việc đo lường, giám sát và hạn chế rủi ro với bất kỳ kế hoạch kinh doanh nào.

Để có năng lực quản lý rủi ro tốt nhất thì ACB cùng cần có những con người quản trị và thực thi tốt nhất thị trường về năng lực này. Ông Võ Văn Hoàng - Tân Giám đốc Quản lý rủi ro (CRO) của ACB - cho biết: “Chúng tôi luôn cân bằng giữa mục tiêu về an toàn hoạt động với mục tiêu tăng trưởng kinh doanh. Những quy định, chính sách quản lý rủi ro của ACB mang tính thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng. Chúng tôi luôn tìm cách cân bằng giữa giá trị đạt được so với rủi ro tổng thể. Và khi cần thiết, ngân hàng sẽ điều chỉnh quản lý rủi ro phù hợp với chiến lược tổ chức và thực hành quản trị”.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ RỦI RO PHÙ HỢP VỚI SỰ ĐỔI MỚI

Với nền tảng khá tốt về Quản trị Rủi ro được xây dựng trong nhiều năm qua, ban điều hành ACB đã đặt mục tiêu đưa ACB trở thành ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường.

Bên trong hệ thống quản lý rủi ro của một ngân hàng Việt Nam an toàn, lành mạnh - Ảnh 2

Nhằm tăng hiệu quả của việc cân bằng giữa phát triển quy mô lợi nhuận và tính an toàn trong kinh doanh, ACB sẽ làm tốt hơn nữa việc hoàn thiện cơ cấu quản trị nội bộ với các vị trí quan trọng trong kiểm soát và ra quyết định; đẩy mạnh hoạt động của các ủy ban và hội đồng giám sát rủi ro; tăng tính chuẩn mực trong Quản trị Rủi ro tương đồng với chuẩn mực ngành, khu vực và quốc tế; tăng cường các công cụ, chính sách, quản lý rủi ro nhằm bảo đảm rằng các rủi ro hoạt động của ngân hàng rõ ràng, minh bạch để kịp thời nhận diện và xử lý.

Hiện nay ACB đang thực hiện chuyển đổi số trên toàn hệ thống hướng đến việc nâng cao trải nghiệm khách hàng. Chính vì vậy, trên góc độ tương lai về Quản trị Rủi ro, ACB đang xem xét và xây dựng các mô hình quản lý rủi ro phù hợp cho việc quản lý và giám sát hiệu quả rủi ro về tài sản số trong công cuộc chuyển đổi số, quản lý những rủi ro phát sinh từ sản phẩm công nghệ số của Ngân hàng.