01:45 05/10/2011

Con đường Techcombank

Kim Ngân

Từ ý tưởng của một nhóm trí thức tại Liên Xô cũ và Đông Âu đến cái tên Techcombank, TCB hay đơn giản là “Tech”

Bước ngoặt lớn nhất trong quá trình phát triển của Techcombank diễn ra năm 2001 với cái giờ đây đã trở thành bắt buộc với mỗi ngân hàng - áp dụng hệ thống Core Banking hay “ngân hàng lõi”...
Bước ngoặt lớn nhất trong quá trình phát triển của Techcombank diễn ra năm 2001 với cái giờ đây đã trở thành bắt buộc với mỗi ngân hàng - áp dụng hệ thống Core Banking hay “ngân hàng lõi”...
18 năm có mặt trên thị trường, đã trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, nhưng hẳn không nhiều người nắm rõ đường bước Techcombank đã đi trong quá khứ.

Năm 1992, một nhóm các trí thức học tập và làm việc tại Liên Xô cũ và Đông Âu đã thai nghén việc thành lập Ngân hàng Kỹ thương - giờ được nhắc tới nhiều hơn với tên Techcombank, TCB hay đơn giản là “Tech”.

Hoàng Quang Vinh, người khởi xướng việc thành lập Techcombank, là một người “rất nhạy cảm với thời cuộc và có đầu óc điện tử” - theo lời Giáo sư Cao Cự Bội, chuyên gia tư vấn cho ngân hàng này từ những năm đầu thành lập. Với kinh nghiệm kinh doanh ở châu Âu trong thời bao cấp và chuyển đổi, ông Vinh hiểu được nhu cầu lớn về dịch vụ ngân hàng của các doanh nghiệp Việt Nam mới nước chân vào kinh tế thị trường. Ông cho rằng đó là thời điểm chín muồi để mở ngân hàng khi những chính sách về đổi mới kinh tế được Đại hội 6 của Đảng thông qua.

Nhanh chóng, Techcombank chính thức thành lập ngày 27/9/1993. Vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, 16 cán bộ nhân viên và một trụ sở kiêm phòng giao dịch rộng 45 m2 tại 24 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ở cái thuở ban sơ ấy, mọi ngân hàng đều hoạt động theo chức năng cơ bản nhất, sơ khai nhất là “cầu nối giữa người có tiền và người có nhu cầu vốn”, theo lời ông Cao Cự Bội.

Cũng rất nhanh chóng, ngay trong năm 1994, Techcombank đã đạt 189 tỷ đồng doanh số, 4,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng và tăng 250% vốn điều lệ lên 51 tỷ đồng. Năm 1995 chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng của ngân hàng này khi lợi nhuận ròng tăng trưởng 344% so với năm trước, nguồn vốn hoạt động tăng 350% và doanh số thanh toán qua Techcombank tăng 209%.

Thế nhưng, “cậu bé” mới tròn ba tuổi đã phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1931. Đây là thời điểm đổ vỡ của hàng loạt quỹ tín dụng và các tổ chức tài chính; không ít ngân hàng cũng diêu đứng, phải trông chờ sự cứu giúp của nhà nước.

Ở thời điểm khó khăn đó, người ta thấy bóng dáng của một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của Techcombank hôm nay: ông Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông Thành đã làm Chủ tịch của Techcombank hơn 10 năm, từ 1995 đến 2005. Trong thời kỳ này, Techcombank đã có những bước chuyển mình quan trọng cho sự phát triển hôm nay.

Dưới sự lãnh đạo của ông Thành và sự phấn đấu của 170 cán bộ nhân viên, Techcombank đã vượt qua và trở thành một trong những tổ chức tài chính của Việt Nam sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nặng nề đó.

Và ngay trong thời kỳ nền kinh tế thiểu phát, trì trệ của năm 1999 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực, Techcombank cũng đã có nguồn vốn tới 1.300 tỷ đồng với 1.200 tỷ đồng từ vốn huy động và có lãi gộp 2,1 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này cũng hoàn thành những nhiệm vụ được coi cực kỳ khó khăn vào thời điểm đó là tăng vốn điều lệ từ 70 lên 80 tỷ đồng và giảm 20% tỷ lệ nợ quá hạn.

Bước ngoặt lớn nhất trong quá trình phát triển của Techcombank diễn ra năm 2001 với cái giờ đây đã trở thành bắt buộc với mỗi ngân hàng - áp dụng hệ thống core banking hay “ngân hàng lõi”. Khi đó, Techcombank đã đầu tư gần 20 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ ngân hàng mới tăng từ 80 tỷ đồng lên 102,345 tỷ đồng, cho hệ thống core banking của Temenos (Thụy Sĩ).

Vào thời điểm đó, chỉ những ngân hàng lớn nhất Việt Nam và được tài trợ để tham gia dự án hiện đại hoá hệ thống ngân hàng do World Bank tài trợ mới dám “làm core banking”. Tuy nhiên, phần mềm core banking mà họ triển khai là Silverlake của Malaysia, có giá rẻ hơn nhiều so với của Temenos. Nhu cầu khi triển khai hệ thống này lúc đó mới giới hạn ở mức phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo của ngân hàng nên ít ai muốn mạo hiểm đầu tư lớn cho một hệ thống chưa thực sự chứng minh được hiệu quả trong thực tiễn hoạt động ngân hàng ở Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người trong ngành nhẹ thì cho rằng lãnh đạo Techcombank “quá mạo hiểm”, còn nặng lời thì bảo là “điên rồ”.

Tuy nhiên, sự phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp đó. Chân lý này một lần nữa chính xác với việc đầu tư vào hệ thống core banking của Techcombank. Chỉ sau hơn hai năm triển khai hệ thống, Techcombank đã khẳng định được đẳng cấp về công nghệ trên thị trường khi thẻ ATM của ngân hàng này là thẻ ATM Việt Nam đầu tiên kết nối ngay lập tức với tài khoản tiền gửi của khách hàng trong khi khách hàng dùng dịch vụ ATM của ngân hàng khác phải mở cả tài khoản tiền gửi và tài tài khoản ATM.

Tiếp đó, một loạt các dịch vụ của Techcombank trở thành “những dịch vụ, sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam” nhờ có hệ thống core banking hiện đại này, như Internet Banking toàn diện, thanh toán bằng tin nhắn trên điện thoại di động, tài khoản tiết kiệm đa năng…

Đến năm 2007, Techcombank trở thành ngân hàng cổ phần có mạng lưới chi nhánh lớn thứ hai tại Việt Nam và nằm trong top 3 ngân hàng thương mại cổ phần về quy mô kinh doanh. Năm 2011, “Tech” trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đứng đầu và có mạng lưới chi nhánh chỉ đứng sau Vietcombank và Agribank, hai trong “tứ đại gia ngân hàng” có vốn lớn của nhà nước.

Tiếp tục chiến lược đầu tư sâu vào công nghệ để tạo ra những sản phẩm thế mạnh, Techcombank khai trương phần mềm chuyển mạch và quản lý thẻ của Compass Plus, nâng cấp hệ thống phần mềm Globus của Temenos. Năm 2009, họ ra mắt sản phẩm “tiết kiệm online” giàu tính công nghệ và lập tức thu hút được hơn 2.000 khách hàng chỉ sau 3 tháng.

Trước đó hai năm, Techcombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cho tới nay được một tạp chí quan trọng trong ngành tài chính là Financial Insights công nhận thành tựu về ứng dụng công nghệ trong giải pháp phát triển thị trường.

Sự phát triển nhanh và có chiều sâu đó của Techcombank có ở ngay trong ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 - 2010. Năm 2009, họ trở thành ngân hàng hàng đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần về hiệu quả kinh doanh với chỉ số ROA và ROE cao nhất. Sang năm 2010, họ mở thêm 94 chi nhánh và phòng giao dịch, trở thành ngân hàng tốc độ phát triển mạng lưới nhanh nhất thị trường, trong khi vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường về chỉ số ROA, ROE và tiến lên vị trí thứ 2 trong khối về tổng tài sản.

Cũng trong năm 2010, Techcombank được trao giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất 2010 tại Việt Nam” của Euromoney. Năm 2011, nối tiếp là 8 giải thưởng quốc tế uy tín, trong đó có sự kiện là ngân hàng Việt Nam đầu tiên đạt trọn 3 giải thưởng quan trọng của Finance Asia.

Nhìn lại, 18 năm con đường Techcombank, một giá trị cốt lõi để tạo nên thành công là sự mạnh dạn đi trước với tầm nhìn quyết đoán. Thế nên, một lãnh đạo ngân hàng bạn từng nói rằng: “Cái giỏi của Tech là dù đi trước hay đi sau, họ vẫn luôn đi nhanh hơn nhiều ngân hàng khác. Những thứ họ làm không phải chúng ta không làm được, chỉ có điều khi chúng ta còn đang triển khai thì họ đã bắt đầu thu quả ngọt”.