15:39 12/12/2021

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 75-2021

Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 75 phát hành ngày 13-12-2021với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Những thay đổi quá nhiều của người tiêu dùng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có những bước chuyển đổi rõ nét để thích ứng. Vẽ lại một tương lai thực tế hơn và rõ nét hơn, tăng cường sự năng động và tính chuyên nghiệp, nhìn thấy các cơ hội mới và chia tay với những gì không còn phù hợp… Đó chính là sự sáng tạo, dựa trên việc tái tổ chức, thiết kế chuỗi giá trị hiệu quả hơn.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 75-2021
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 75-2021

Thay vì loay hoay với câu hỏi “Bao giờ dịch bệnh được khống chế?”, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng cho rằng nên tìm cơ hội trong thách thức, để từ đó chủ động những giải pháp thích nghi, chung sống với dịch Covid-19.

Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy sẽ vinh danh 100 thương hiệu sản phẩm - dịch vụ xuất sắc vượt qua hàng nghìn đề cử trong suốt 10 tháng khảo sát. Đó là những sản phẩm – dịch vụ đã có sự sáng tạo để thích nghi với tình hình mới của doanh nghiệp cũng như những yêu cầu mới từ thị trường và người tiêu dùng. Để có thể “vượt bão”, những thương hiệu sản phẩm và dịch vụ này đã chuyển sang phương thức tiếp cận thị trường bằng công nghệ, giới thiệu, kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số, không dừng lại ở tiêu thụ trong nước, mà còn bắt tay, kết nối với bạn hàng nước ngoài, vươn ra thế giới.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 13/12/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm để ghi lại những bước chuyển thần kỳ đầy sáng tạo của các doanh nghiệp để thích nghi với dịch bệnh.

Các bài viết bao gồm:

- Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2021: Vượt “bão dịch”, sáng tạo để thích nghi. Trong suốt 10 tháng từ tháng 1/2021 đến 11/2021, Chương trình Tin Dùng Việt Nam đã tiến hành bình chọn trên 5.971 sản phẩm – dịch vụ được đề cử. Sản phẩm - dịch vụ bình chọn được chia theo 7 nhóm ngành chính. Nhóm ngành sản phẩm – dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; nhóm dịch vụ ngân hàng - tài chính - bảo hiểm; Nhóm ngành nông sản - thực phẩm – đồ uống; Nhóm ngành làm đẹp - mỹ phẩm – thời trang; Nhóm ngành thiết bị gia dụng nội – ngoại thất; Nhóm ngành  bất động sản - vật liệu xây dựng; Nhóm ngành thương mại điện tử, giáo dục & dịch vụ số. Theo đó, Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2021 vinh danh 100 thương hiệu sản phẩm - dịch vụ xuất sắc vượt qua hàng nghìn đề cử trong suốt 10 tháng khảo sát. (Phương Thảo).

- Người tiêu dùng trong xu hướng bình thường mới. Sự thay đổi xu hướng tiêu dùng dẫn đến những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp, cũng như nhu cầu tái kết nối trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử. Mua sắm trên thương mại điện tử nay trở thành một trong những hình thức tiêu dùng quen thuộc, chủ chốt của người dân sau nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhiều báo cáo dự đoán phương thức này vẫn tiếp tục được ưa chuộng và duy trì ngay cả trong bình thường mới. (Đặng Thuý Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nghiên cứu thị trường NielsenIQ Việt Nam).

- Bán lẻ và tiêu dùng “bứt phá” thời hậu Covid. Có lẽ sẽ còn khá lâu, ngành bán lẻ và dịch vụ mới tái diễn cảnh đông người xếp hàng tại các trung tâm thương mại hay cửa hàng trong những ngày cao điểm mua sắm hay lễ, Tết. Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, nhu cầu tiêu dùng của người dân có sự chuyển hướng, tính đa dạng trong mua sắm giảm, thay vào đó, các nhóm hàng thiết yếu lên ngôi. (Nguyễn Linh).

- Giới trung lưu “thắt hầu bao” với hàng cao cấp. Do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19 bùng phát, tình hình tài chính hộ gia đình Việt Nam đã xấu đi, trong đó hơn 60% đã “thắt hầu bao” và hơn 80% sẽ điều chỉnh chi tiêu. Sức mua kém cũng trở thành cơ hội hồi phục kinh tế bị trì trệ. (Thùy Linh).

- Nông sản Việt vững vàng vượt “bão dịch”. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Covid -19 gây ra, nhưng đây lại là khoảng thời gian khá “bùng nổ” của các sản phẩm nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử. Sức mua của người tiêu dùng đối với nhiều loại nông sản đặc hữu của Việt Nam như vải thiều, hành tím, tỏi đen... đã tăng mạnh. Trên khắp các đường phố lớn, những sạp hàng giải cứu nhếch nhác, tạm bợ đã gần như không còn tồn tại. (Song Hoàng).

Cùng với đó, chuyên mục Chứng khoán với chủ đề: “Thị trường chứng khoán với Gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và Rủi ro bong bóng”, sẽ bao gồm các bài viết:

- Gói hỗ trợ của Chính phủ liệu có tạo đà bứt tốc? Chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của Chính phủ với quy mô dự kiến cao chưa từng có tiền lệ, tính riêng gói chính sách tài khóa khoảng 5 - 7% GDP theo đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ củng cố niềm tin của thị trường và giới đầu tư, kỳ vọng vào đà bứt tốc của nền kinh tế và tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. (Tuyết Nhi).

- Đừng kỳ vọng gói hỗ trợ tỷ USD “kích” thị trường “bùng nổ”. Với gói hỗ trợ kinh tế lần này, bản chất không hẳn bơm thêm tiền mà sẽ tìm cách đưa tiền quay trở lại tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại hầu hết mọi người đều kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ mang lại tâm lý tích cực cho thị trường, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường nhưng nếu do tâm lý thì sẽ không kéo dài, còn chúng ta đừng kỳ vọng sau khi gói hỗ trợ đưa ra thị trường sẽ tăng trưởng như năm 2009. (Kiều Linh).

- Gói kích thích kinh tế và sự “ăn may” của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ nối dài đà tăng điểm trước gói hỗ trợ phục hồi và kích thích nền kinh tế đang được Chính phủ xây dựng. Theo TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, IPAG Business School (Pháp) và AVSE Global, dù vẫn còn nhiều yếu tố quyết định tới hiệu quả của gói hỗ trợ tới thị trường chứng khoán, song Việt Nam có thể “ăn may” khi lạm phát không quá lớn và sự lặp lại của lịch sử sẽ không xảy ra. (Anh Nhi).

- Gói phục hồi kinh tế: Cẩn trọng khi “bữa tiệc tàn”. Sau cú sút giảm  mạnh ở đầu năm 2020 do dịch Covid-19 gây ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trở lại mạnh mẽ. Thậm chí, khi được “tẩm bổ” thêm bằng liều thuốc tâm lý là gói phục hồi kinh tế khổng lồ, những đỉnh cao mới có thể sẽ tiếp tục bị chinh phục. Tuy nhiên, bữa tiệc thịnh soạn rồi cũng sẽ đến lúc phải tàn. (Đào Vũ).

- Chứng khoán Việt “lướt sóng” phục hồi kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng. Tuy vậy thị trường chứng khoán Việt Nam lại cho thấy một bức tranh trong sáng hơn nhiều, khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử 20 năm vào tháng 4 vừa qua. Đà tăng trưởng gần đây của thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ từ việc triển khai gói kích thích kinh tế có thể đạt quy mô 5% GDP. Đây là lần thứ hai Việt Nam có gói kích thích kinh tế lớn và quy mô lần này lớn hơn đáng kể so với thời kỳ 2008-2009. Kinh tế phục hồi và tăng trưởng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên song hành với đó luôn là các yếu tố rủi ro, khi những hệ quả xấu của một chu kỳ nới lỏng tiền tệ, kích thích kinh tế cần thời gian để bộc lộ. (Đào Hưng – Kiều Linh – Ánh Tuyết)

nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Chờ mong công hiệu từ thuốc “đặc trị”. Việc Bộ Chính trị đứng ra tổ chức và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân chủ trì và chỉ đạo hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (diễn ra sáng 9/12/2021) đã cho thấy tầm mức tối quan trọng của công tác cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã ví những quy định được thảo luận tại hội nghị cán bộ lần này như “những “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực…”. (Nguyễn Quốc Uy).

- Cơ hội của nền kinh tế và thời điểm cho chuyển đổi số. Không chỉ Covid-19 mà sự phát triển vượt bậc của công nghệ cũng đang đặt ra những áp lực cho sự chuyển đổi của Việt Nam. Vì vậy, đây có thể là thời điểm để Việt Nam cần tích cực đẩy nhanh chuyển đổi số. (Vy Vy).

- Bản quyền quốc ca và tính phức tạp về pháp lý. Sự kiện quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên kênh YouTube vì lý do bản quyền trong trận bóng đá Việt Nam – Lào ngày 6/12/2021 thuộc khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup 2020 gây phẫn nộ trong dư luận. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức lên tiếng chỉ trích hành động tắt tiếng Quốc ca và tuyên bố “không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam”. Song đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự ứng xử phù hợp. (Luật sư Lê Quang Vinh Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự - Bross & Partners).

- Sau đại dịch: Bất động sản bán lẻ sẽ khởi sắc. Bất động sản bán lẻ hiện là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phân khúc này sẽ khởi sắc trong vòng một năm tới. (Phan Dương).

- “Sớm bắt nhịp với chuẩn mực kế toán toàn cầu”. Trong khi nhiều doanh nghiệp còn đủng đỉnh áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), hàng loạt đơn vị đã chấp nhận đánh đổi phát sinh chi phí để tiếp cận “ngôn ngữ” kế toán với thế giới trước thời hạn 2025, nhằm đón cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế đang dịch chuyển mạnh mẽ và nâng cao khả năng quản trị nội bộ sau này. Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam. P/v ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam.(Phùng Tuyết thực hiện)

- Chấm dứt ngay chuyến bay hồi hương “trục lợi”. Đã đến lúc các chuyến bay cứu trợ, giải cứu Việt kiều phải kết thúc sứ mệnh lịch sử để chính thức mở lại các đường bay thương mại thường lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện cho mọi công dân Việt Nam về nước trong  dịp Tết đoàn viên sắp tới, đồng thời khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn... (Ánh Tuyết).

- Điện không thể thiếu để vực dậy kinh tế sau dịch. Nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo sẽ tăng cao khi nền kinh tế dần hồi phục sau đại dịch Covid, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được đẩy mạnh để bù đắp những thiếu hụt do tác động của đại dịch gây ra. Để không lâm vào tình trạng thiếu hụt điện như các nước trên thế giới gặp phải thời gian gần đây, ngoài các giải pháp về đáp ứng nguồn cung, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tiết kiệm năng lượng. (Mạnh Đức).

- Xuất khẩu công nghệ giáo dục ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch thúc đẩy các nền tảng học trực tuyến, các startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) không chỉ trở thành “điểm sáng” trong hút vốn đầu tư mà còn tính chuyện đi ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường. (Thu Hoàng).

- Điều gì khiến Fed đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ? Mới cách đây 4 tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu khởi động kế hoạch được vạch ra một cách hết sức thận trọng nhằm cắt giảm nới lỏng định lượng (QE). Vậy mà trong cuộc họp vào tuần này, Fed có thể đã tính đến chuyện cắt giảm chương trình mua tài sản này với tốc độ nhanh hơn, tiến tới bắt đầu nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. (An Huy).