18:25 28/11/2023

Hơn 6,5 triệu lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nhật Dương

Qua hơn 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Đến nay đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 13 triệu người; hơn 6,5 người hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Người lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh minh họa.
Người lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh minh họa.

Ngày 28/11, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết qua gần 10 năm thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm, đến nay đã có trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP KẾT DƯ LỚN

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Qua tổng kết, đến nay chính sách này đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 13,25 triệu người; hỗ trợ học nghề cho trên 252.000 người; hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm tại 32 đơn vị với 3.200 người lao động. Riêng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt hơn 6,5 triệu người.

Kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến 31/12/2022 là 59.375 tỷ đồng. Theo bà Quyên, mặc dù số tiền lớn nhưng nếu đưa ra một vài chính sách có hiệu lực, hiệu quả, như hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp do thay đổi dây chuyền sản xuất; thay đổi lĩnh vực kinh doanh từ nguồn này sẽ giúp tránh được thất nghiệp tạm thời.

“Nếu chia nhỏ cho các chính sách hỗ trợ thì quỹ không lớn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất thận trọng trong việc tham mưu, sử dụng, hoạch định quỹ này như thế nào cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất”, bà Quyên thông tin.

Hiện trong Luật Việc làm cũng đưa ra các tiêu chí khắt khe để tiếp cận nguồn vốn này của nhà nước, bởi theo bà Quyên “chi tiêu một đồng của nhà nước cũng rất khó”.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ để tham gia ngắn hạn, hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp có tham gia, có đóng – có hưởng. Người tham gia cũng được thụ hưởng các chính sách của nhà nước, và khuyến khích người lao động sớm quay lại thị trường lao động, chứ không khuyến khích hưởng trợ cấp thất nghiệp.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Mặc dù vậy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Quyên cũng cho biết, qua thực tiễn triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đặc biệt còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp; đối tượng chưa bao phủ hết nhóm lao động có quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; cơ chế quản lý tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bất cập.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, thông tin về Luật Việc làm và định hướng sửa Luật Việc làm tại hội thảo ngày 28/11.
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, thông tin về Luật Việc làm và định hướng sửa Luật Việc làm tại hội thảo ngày 28/11.

Mặt khác, qua phản ánh từ các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và báo cáo tổng kết đánh giá chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì có ý kiến cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang còn thụ động.

Điều này thể hiện ở các khía cạnh như, kết quả dự báo chưa sát, đào tạo chưa theo kịp nhu cầu của thị trường lao động; chính sách hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo cho người lao động chưa hiệu quả, các doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận...

Vì vậy, trong Luật Việc làm sửa đổi tới đây, nội dung này sẽ tiếp tục được hoàn thiện tốt hơn.

“Bảo hiểm thất nghiệp sẽ phát huy vai trò chủ động của thị trường lao động, nghĩa là phải nắm bắt thông tin, tăng cường công tác phân tích dự báo. Đặc biệt, chính sách phải đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tiếp cận được.

Đồng thời, phải dự báo được trong giai đoạn tới Nhà nước sẽ chú trọng vào các ngành công nghiệp nào, nhằm đưa ra dự báo được nhu cầu nhân lực tại chỗ, hoặc đào tạo chuyển đổi nhằm theo kịp nhu cầu của thị trường”, bà Quyên nhấn mạnh.

Việc này cũng nhằm tránh những tình huống xảy ra như thời điểm dịch Covid-19. Lúc đó, thị trường lao động bị đứt gãy, một số ngành nghề không thể tuyển dụng được lao động.

"Thực tiễn đó cho thấy chúng ta chưa chủ động trong thị trường lao động, cũng như trong đào tạo nhân lực để đón các ngành, lĩnh vực dự kiến có nhu cầu cao về việc làm", Phó Cục trưởng Cục Việc làm nói.

Hiện một số tập đoàn FDI lớn, như Apple, hay các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang dịch chuyển dần sang Việt Nam, bởi họ đã thấy được môi trường kinh doanh, luật pháp của nước ta ổn định.

“Nhiều chính sách của chúng ta đang rất hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt với các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam, ngoài các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, thì nguồn nhân lực cũng vô cùng quan trọng. Bởi có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, giá cả phải chăng là một yếu tố thu hút các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam”, bà Quyên cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Việc làm, làm việc này cũng cần có chính sách phân theo vùng (miền Bắc, miền Trung...), tức phải hoạch định chính sách đào tạo theo từng địa bàn để đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ; có tính đến yếu tố dịch chuyển lao động giữa các vùng, để tránh gây ra những ảnh hưởng không tích cực khi có biến động; hơn hết cần đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

 

Luật Việc làm 2013 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 16/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Luật dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Khi sửa Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất sẽ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để nhiều người lao động có thể tiếp cận chính sách.