12:30 21/07/2017

Máy giặt “Made in Vietnam” bị kiện tại Mỹ, Samsung và LG nói gì?

Thủy Diệu

Samsung và LG bị kiện về việc bán phá giá máy giặt "Made in Vietnam" tại thị trường Mỹ

Thị phần máy giặt của Samsung tại Mỹ đã tăng từ 16,2% từ quý 1 năm 2016 lên 19,7% trong cùng kỳ 2017. Trong khi đó, vị trí số 1 trước đó của Whirlpool từ 19,7% đã giảm xuống còn 17,3%. LG cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đứng ở vị trí thứ 3 với 16,8%.
Thị phần máy giặt của Samsung tại Mỹ đã tăng từ 16,2% từ quý 1 năm 2016 lên 19,7% trong cùng kỳ 2017. Trong khi đó, vị trí số 1 trước đó của Whirlpool từ 19,7% đã giảm xuống còn 17,3%. LG cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đứng ở vị trí thứ 3 với 16,8%.
Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) mới đây đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với máy giặt nhập khẩu, trong đó, sản phẩm máy giặt của Samsung, LG sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ là “đích nhắm” chính trong đợt điều tra thương mại này.

Nguyên đơn khởi kiện là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ) - công ty đồ gia dụng tổng hợp có lịch sử hơn 100 năm - đã đệ đơn kiện đòi áp dụng biện pháp tự vệ Safe Guard (cơ chế hỗ trợ trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ bị thiệt hại khi các doanh nghiệp nhậu khẩu bán giá sản phẩm với giá quá thấp) lên ITC, rằng Samsung Điện tử và LG Điện tử đã bán phá giá với sản phẩm máy giặt trên thị trường Mỹ. 

Kiện vì… “Samsung, LG chuyển sản xuất sang Việt Nam”?

Whirlpool cho rằng: “các doanh nghiệp gia dụng Mỹ đang phải chịu thiệt hại vì Samsung và LG đã bán sản phẩm máy giặt với giá thấp một cách bất hợp lý tại thị trường Mỹ”.

Tập đoàn của Mỹ cáo buộc, các sản phẩm máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc, khiến ngành sản xuất máy giặt nước này thiệt hại nghiêm trọng, như doanh số, lợi nhuận giảm, thất nghiệp tăng... 

Whirlpool lập luận: “Samsung và LG đã “xuất khẩu theo đường vòng” bằng cách dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan để giảm đơn giá và tránh thuế suất cao mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc. Và, “Samsung và LG đã cố tình đưa ra giá máy giặt thấp để bán trên thị trường Mỹ và lách luật chống bán phá giá của Mỹ một cách tinh vi”.

Hiện mức thuế nhập khẩu máy giặt của Mỹ đang áp dụng là 1%, các bộ phận đi kèm là 2%. Vì thế, nếu bị áp thuế tự vệ, các sản phẩm máy giặt của Samsung, LG sản xuất tại Việt Nam xuất sang Mỹ có thể bị áp mức thuế rất cao, tương tự như đã áp với Trung Quốc, Hàn Quốc là 32,1 - 52,5% và có thể sẽ tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của Samsung và LG tại Việt Nam vào Mỹ.

Dự kiến ITC sẽ ra kết luận cuối cùng về thiệt hại vào tháng 10/2017, sau đó sẽ nộp báo cáo lên tổng thống Hoa Kỳ để ra quyết định về việc có áp dụng biện pháp tự vệ hay không vào tháng 12/2017.

Samsung, LG Việt Nam nói gì?

Theo số liệu nghiên cứu về thị phần máy giặt tại thì trường Mỹ, nguyên nhân dẫn tới việc Whirlpool khởi kiện Samsung, LG tại Việt Nam có thể là do thị phần máy giặt của hãng này giảm mạnh trong vòng một năm qua, trong khi của Samsung thì ngày càng tăng mạnh.

Cụ thể, thị phần máy giặt của Samsung tại Mỹ đã tăng từ 16.2% từ quý 1 năm 2016 lên 19.7% trong cùng kỳ năm nay. Trong khi đó, vị trí số 1 trước đó của Whirlpool từ 19,7% đã giảm xuống còn 17,3%. LG cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đứng ở vị trí thứ 3 với 16,8%.

Đại diện Samsung cho rằng, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của hãng bởi thiết kế và những cải tiến của máy giặt. Vì thế, chắc chắn người dùng sẽ bị thiệt hại nhiều nhất vì nguyên đơn đã giới hạn quyền lựa chọn của khách hàng, nâng giá thành sản phẩm và không tạo ra đột phá về cải tiến. 

“Chúng tôi không thể chấp nhận căn cứ cho rằng Whirlpool bị thiệt hại vì việc nhập khẩu sản phẩm máy giặt của Samsung”, tập đoàn điện tử của Hàn Quốc, cho biết.

Đối với LG, trong văn bản trả lời VnEconomy, LG Việt Nam không đưa ra bình luận mà chỉ thông tin từ thông cáo của LG tại Mỹ, cho rằng, “Whirlpool lại một lần nữa quyết định tìm kiếm sự bảo vệ của chính phủ hơn là cạnh tranh trên thị trường. Đơn yêu cầu hạn chế nhập khẩu máy giặt là nỗ lực thứ ba của Whirlpool để sử dụng các hạn chế của chính phủ nhằm hạn chế nhập khẩu đối với máy giặt của LG”.

LG cho rằng, vì thiếu khả năng cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu như LG tại thị trường Mỹ nên Whirlpool đã quyết định tìm kiếm những hạn chế của chính phủ để hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng. 

“LG không chấp nhận việc cho rằng hàng nhập khẩu đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Whirlpool và sẽ bảo vệ mạnh mẽ trường hợp này vì lợi ích tốt nhất của hàng chục người tiêu dùng Mỹ yêu thích máy giặt của LG”, tập đoàn LG, cho biết.

Xuất khẩu Việt Nam có thể bị ảnh hưởng?

Năm 2014, Samsung đã đầu tư 2 tỷ USD để hình thành thành khu tổ hợp sản xuất đồ gia dụng tổng hợp gồm tivi, điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… với diện tích 94 ha thuộc Khu Công nghệ cao Sài Gòn (Sai Gon Hi-tech Park).

Tháng 2/2016, khu tổ hợp này đã chính thức đi vào sản xuất. Trong đó, dây chuyền sản xuất máy giặt được xuất khẩu sang thị trường Mỹ - đối tượng bị khỏi kiện áp dụng biện pháp tự vệ lần này - hiện có khoảng 1.400 người lao động Việt Nam đang làm việc. 

Dự kiến năm 2017, tổ hợp sản xuất này của Samsung sẽ xuất khẩu sang Mỹ được 1 triệu sản phẩm. 

Trong khi, LG, tháng 3/2015, tập đoàn này cũng khai trương tổ hợp công nghệ tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, có quy mô lớn nhất trong các nhà máy của tập đoàn này tại khu vực Đông Nam Á. Tổ hợp này sẽ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như tivi, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi… phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Theo kế hoạch dự tính, năm 2017, tổ hợp nhà máy của LG tại Hải Phòng sẽ 1,8 triệu chiếc máy giặt và năm 2020 là 2,2 triệu chiếc.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp sản phẩm máy giặt mang thương hiệu “Made in Việt Nam” bị áp mức thuế đặc biệt với thuế suất cao hoặc áp dụng đúng hạn ngạch số lượng xuất khẩu theo yêu cầu đòi áp dụng cơ chế Safe guard của Whirlpool, thì việc xuất khẩu máy giặt của Samsung và LG sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo vị này, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 là hơn 38,4 tỷ USD, trong khi, LG và đặc biệt là Samsung cũng đang chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất của Việt Nam rất lớn, vì thế, việc hai tập đoàn này bị hạn chế nhập khẩu sẽ không những tác động đến hàng nghìn lao động mà còn tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.