06:00 11/01/2024

Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bưu chính

Thủy Diệu

Thị trường bưu chính, chuyển phát Việt Nam như một “mảnh đất màu mỡ” đang hút hàng trăm người đến khai phá. Tuy nhiên, trên một luật lệ, quy định đã lâu không sửa đổi, “sân chơi” này đang tiềm ẩn các dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh và tạo ra những bất ổn cho thị trường.

Năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94% kế hoạch năm - Ảnh minh họa.
Năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94% kế hoạch năm - Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số. Năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực bưu chính ước đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch năm 2023. Sản lượng bưu chính năm 2023 ước đạt 2,5 tỷ bưu gửi, tăng 32,3% so với năm 2022.

MẢNH ĐẤT MÀU MỠ

Theo ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn 2019-2023, thị trường bưu chính Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 28.300 tỷ đồng năm 2019 lên gần 59.000 tỷ đồng năm 2023, trong đó ước tính doanh thu dịch vụ gói, kiện thương mại điện tử đạt hơn 38.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 64%). Về sản lượng, năm 2019, các doanh nghiệp bưu chính đã chuyển phát 715 triệu bưu gửi (gồm thư và gói, kiện), đến năm 2023, sản lượng toàn thị trường đạt gần 2,5 tỷ bưu gửi, trong đó, sản lượng gói, kiện thương mại điện tử là 1,84 tỷ (khoảng 75%).

So sánh dịch vụ bưu chính truyền thống và dịch vụ bưu chính chuyển phát phục vụ thương mại điện tử, cho thấy một số điểm sau.

Một, doanh thu, sản lượng dịch vụ bưu chính tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2019-2023 (trung bình trên 20%/năm) nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại.

Hai, doanh thu, sản lượng dịch vụ gói, kiện tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dịch vụ bưu chính (khoảng 1,5 lần), đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong dịch vụ bưu chính (khoảng 76%) và đang có xu hướng tiếp tục tăng (năm 2023 ước khoảng trên 90%).

Ba, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, chủ yếu trong sự tăng trưởng của doanh thu dịch vụ bưu chính, doanh thu gói, kiện cho thương mại điện tử chiếm tỷ trọng quan trọng (khoảng 60%) trong doanh thu dịch vụ bưu chính.

 
Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bưu chính - Ảnh 1

Bưu chính chuyển phát ngày càng phát huy hiệu quả của dòng chảy vật chất, hoàn tất chu trình cung cấp hàng hóa từ nhu cầu mua sắm online sang giao vận trong đời sống thực tế, khẳng định vai trò quan trọng là hạ tầng liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị cung ứng trong nước và toàn cầu.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử, trực tiếp là các sàn thương mại điện tử, từ năm 2020 trở lại đây đang có xu hướng các sàn thương mại điện tử xây dựng hệ sinh thái khép kín, bao gồm: doanh nghiệp sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính để vận chuyển hàng hóa trên sàn, nền tảng thanh toán...

Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các doanh nghiệp bưu chính của các sàn thương mại điện tử đã tăng trưởng nhanh chóng, chỉ trong 2 - 3 năm đã thuộc top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất trên thị trường.

Thống kê của Vụ Bưu chính cũng cho thấy: hầu hết các doanh nghiệp bưu chính trong top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất đều là các doanh nghiệp đang tham gia vận chuyển hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử. Do đó, các vấn đề cạnh tranh sẽ chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp bưu chính tham gia chuyển phát gói, kiện thương mại điện tử.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, Phụ trách Hội đồng Thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cho rằng cùng với sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của thương mại điện tử và xu hướng “xanh hóa” trong dòng chảy kinh tế số theo hướng kinh tế tuần hoàn, bưu chính chuyển phát ngày càng phát huy hiệu quả của dòng chảy vật chất, hoàn tất chu trình cung cấp hàng hóa từ nhu cầu mua sắm online sang giao vận trong đời sống thực tế, khẳng định vai trò quan trọng là hạ tầng liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị cung ứng trong nước và toàn cầu, vì thế, ngành này đã có sự bùng nổ phát triển nhanh, mạnh.

Chỉ trong vòng 5 năm (2018-2022), số lượng doanh nghiệp bưu chính đã tăng nhanh từ con số 410 lên hơn 800 doanh nghiệp. “Bưu chính, chuyển phát và giao hàng thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay đang là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia khai thác thị trường và tìm kiếm lợi nhuận”, ông Nguyễn Trường Giang nhận xét.

NGUY CƠ CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

Thị trường bưu chính, chuyển phát “trăm hoa đua nở” cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra những bất ổn cho thị trường. Theo Vụ trưởng Lã Hoàng Trung, sự tăng trưởng rất nhanh của thương mại điện tử, sản lượng bưu gửi phục vụ thương mại điện tử cũng tăng nhanh và đây là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt, do đó dẫn đến nguy cơ có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, biểu hiện qua một số nội dung sau.

Thứ nhất, các doanh nghiệp liên tục thực hiện giảm giá, khuyến mãi, tặng quà, thậm chí có những chương trình miễn phí giao hàng (free ship), tặng voucher quanh năm, đây là các hình thức khác nhau để giảm giá của doanh nghiệp.

Thứ hai, mặc dù chất lượng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp đang được cải tiến liên tục, nhưng do sản lượng bưu gửi tăng rất nhanh qua từng năm (năm 2023, hàng ngày có gần 7 triệu bưu gửi, trong đó khoảng 5 triệu bưu gửi thương mại điện tử được chuyển phát qua dịch vụ bưu chính), dẫn đến vẫn có doanh nghiệp chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ; còn hiện tượng mất bưu gửi, bưu gửi không nguyên vẹn, bưu gửi đến chậm...

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ ba, các sàn thương mại điện tử đang chỉ định một số ít doanh nghiệp bưu chính (thường là 7 - 8 doanh nghiệp) tham gia vận chuyển hàng hóa giao dịch trên sàn của mình, trong khi đó các shop bán hàng và người mua hàng không được lựa chọn doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa do mình bán, mua.

Theo phân tích của Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, trên thực tế các công ty bưu chính nội địa đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng ngành nghề của các sàn thương mại điện tử, công ty chuyển phát xuyên biên giới. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài không ngừng mở rộng nguồn vốn đầu tư, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, tăng chiết khấu, khuyến mại để cạnh tranh giành thị phần. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với giá rẻ, dưới mức giá trung bình của thị trường để thu hút khách hàng.

Mặc dù tính hiệu quả ngắn hạn của việc cạnh tranh về giá mang lại là không thể phủ nhận, song tính theo dài hạn, việc này mang đến những hệ quả tiêu cực cho chính doanh nghiệp “phá giá”, các doanh nghiệp cùng ngành và cả thị trường bưu chính Việt Nam. Điều này trong một giai đoạn nhất định sẽ tác động lớn đến thị phần, khách hàng, doanh thu, tốc độ tăng trưởng của ngay cả những doanh nghiệp bưu chính nội địa lớn, chưa kể đến những doanh nghiệp nhỏ lẻ, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như những bất ổn trong việc phát triển thị trường bưu chính Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam Nguyễn Trường Giang, hiện nay các doanh nghiệp bưu chính tại Việt Nam hoạt động một cách đơn lẻ. Do vậy, khi hội nhập quốc tế sẽ không có đủ các điều kiện để đáp ứng với thị trường quốc tế và cạnh tranh với các doanh nghiệp chuyển phát quốc tế toàn cầu.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Giang phân tích: thực tế cho thấy các doanh nghiệp nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, hoạt động còn manh mún, quy mô mạng lưới độc lập, mạnh ai nấy làm và không có khả năng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhân lực; việc phát triển ổn định, lâu dài thực sự rất khó khăn. Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp chủ đạo trên thị trường cũng gặp rất nhiều thách thức khi cạnh tranh với các doanh nghiệp bưu chính lớn có nguồn vốn đầu tư dồi dào từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, mặc dù các yếu tố về công nghệ thông tin, máy móc, kỹ thuật đã có những bước phát triển, do hạn chế về nguồn vốn, phần lớn các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo kiểu truyền thống và thủ công hoặc chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở mức cơ bản. Trong khi đó, các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, chấp nhận đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại lại không khai thác hết công suất đơn hàng, dẫn đến lãng phí nguồn lực.

CẦN NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI LUẬT BƯU CHÍNH

Báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: sự thay đổi nhanh về hình thức kinh doanh, loại hình dịch vụ bưu chính (doanh nghiệp bưu chính công nghệ, doanh nghiệp bưu chính phục vụ sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính nhượng quyền) và sự giao thoa giữa các lĩnh vực (bưu chính, vận tải hàng hóa) chưa được quy định cụ thể, dẫn đến khó quản lý và khó xử lý vi phạm.

Vì vậy, một trong những giải pháp được cơ quan này đề xuất cho thời gian tới là “sửa đổi Luật Bưu chính 2010 để điều chỉnh các hành vi, xu hướng mới trong kinh doanh dịch vụ bưu chính, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bưu chính, phát triển bền vững thị trường bưu chính”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2024 phát hành ngày 08-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bưu chính - Ảnh 2