Đại biểu Quốc hội: Rà soát tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để tránh phiền hà cho doanh nghiệp
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới, cụ thể là 3 năm 3 quy chuẩn. Chỉ riêng biệt đọc và hiểu các thay đổi trong những quy định như trên cũng đã rất vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện…
Chiều 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
CẦN RÀ SOÁT, SỬA ĐỔI LẠI CÁC TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đã góp phần không nhỏ vào việc định hình hệ thống quy định kỹ thuật nền tảng về an toàn cháy cho nhà và công trình, giảm rủi ro và thương vong cho con người.
Theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực, trong đó có trên 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên về phòng cháy, chữa cháy và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.
“Có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới, cụ thể là 3 năm 3 quy chuẩn. Chỉ riêng biệt đọc và hiểu các thay đổi trong những quy định như trên cũng đã rất vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi khi thực hiện”, bà Tú Anh nói thêm.
Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện, tránh phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Để góp phần hoàn thiện dự án luật, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết “rất ấn tượng” về việc dự thảo luật lần này đã cắt giảm thủ tục hành chính từ 42 còn 13 thủ tục hành chính. Việc này hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho cơ sở tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
Để đạt được kết quả này, đại biểu nhận thấy dự thảo luật đã có nhiều chính sách mới như đẩy mạnh xã hội hóa một số nội dung trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy như tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy, chữa cháy, kiểm định kỹ thuật, thi công lắp đặt, bảo dưỡng… Phân rõ thẩm quyền thực hiện công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cho các cơ quan chuyên môn, về xây dựng cơ quan đăng kiểm.
Tuy nhiên, nhắc đến những bấp cập về công tác quản lý, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng một số quy chuẩn, tiêu chuẩn bắt buộc theo quy định hiện hành quá cao, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Trước tình hình trên thì dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định để giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, giao bộ, ngành tham mưu Chính phủ có giải pháp cụ thể, giải pháp bổ sung, giải pháp thay thế cho các quy định hiện hành để tháo gỡ từng nhóm công trình theo hướng tiết kiệm nhất cho chủ cơ sở nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
“Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn rằng sau khi chính sách này được Quốc hội thông qua cần kịp thời ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện nhanh chóng.
Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của chính sách trên vì thêm mỗi phút trôi qua mà các bộ, ngành chưa ban hành quy định để gỡ vướng trong thực tiễn thì lại là mỗi phút các cơ sở đang gặp vướng mắc đối mặt với các nguy cơ thiệt hại to lớn về tính mạng và tài sản do cháy gây ra”, đại biểu này nêu thêm.
LO NGẠI VỀ THẨM ĐỊNH “KÉP”
Liên quan đến thủ tục thẩm tra phương án thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết Chính phủ có quy định 21 nhóm dự án phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy trong 10 năm qua để các cơ quan phòng cháy, chữa cháy cấp hơn 136.000 giấy xác nhận.
Như vậy thủ tục tương đối phức tạp và đối tượng các dự án, các công trình, các phương tiện phải thẩm định thiết kế này cũng rất lớn.
Đại biểu cho rằng, trong báo cáo tổng kết, đánh giá không nêu rõ về vấn đề chất lượng của các giấy xác nhận này, khi triển khai trên thực tế các dự án, các công trình, các phương tiện này nếu có xảy ra những vấn đề không đáp ứng yêu cầu là do chuyện thẩm định hay do việc chấp hành.
“Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại bổ sung thêm thủ tục thẩm tra thiết kế về phòng cháy, chữa cháy và tôi hiểu sau này chúng ta áp dụng thì nó sẽ là thẩm định kép và thẩm tra này chúng ta quy định cho các doanh nghiệp, các tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy thực hiện.
Như thế thì trong hồ sơ trình thẩm định để được cấp giấy xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các chủ đầu tư dự án, công trình sẽ phải có thêm một giấy xác nhận kết luận thẩm tra của các doanh nghiệp mà lẽ ra trước đây chỉ là thuê tư vấn theo hợp đồng.
Hiện nay lại thêm thủ tục đó, tôi cũng đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết và đặc biệt là chi phí tuân thủ ở các quy định này của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có cần thiết phải thêm thủ tục như vậy không?”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nói thêm.