Do các nguyên nhân bất khả kháng, PLX xin điều chỉnh lợi nhuận giảm từ 3.060 tỷ xuống chỉ còn 300 tỷ đồng
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX-HOSE) vừa có thông báo mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, dự kiến vào ngày 6/12 tới tại tầng 3A toà tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội...
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX-HOSE) vừa có thông báo mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, dự kiến vào ngày 6/12 tới tại tầng 3A toà tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là nội dung Petrolimex dự kiến trình lên cổ đông qua là việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022.
Cụ thể: Đối với Tập đoàn, Petrolimex xin điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 186.000 tỷ đồng lên 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh từ 3.060 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 90%.
Đối với chỉ tiêu công ty mẹ, doanh thu cũng được tăng từ 133.000 tỷ đồng lên 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm từ 1.860 tỷ đồng xuuống chỉ còn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu sản lượng xuất bán, nộp ngân sách, đầu tư phát triển và cổ tức không đổi.
Theo Petrolimex, trong 9 tháng đầu năm 2022 và đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn đã xảy ra hiện tượng một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/CHXD ngoài xã hội hạn chế bán hàng hoặc dừng bán hàng, nhu cầu dồn về Petrolimex khiến cho sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng (sản lượng bán nội địa 10 tháng đầu năm 2022 vượt 14% so với tiến độ kế hoạch và tăng 22% so với cùng kỳ), đặc biệt là kênh bán lẻ trực tiếp cũng như nhu cầu mua hàng từ các thương nhân nhận quyền bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex không ngừng tăng cao.
Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực rất lớn trong công tác tạo nguồn của Tập đoàn, lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh vào những chu kỳ xu hướng giá tăng dẫn đến Tập đoàn phải nhập mua đuổi để kịp thời bù đắp và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trước bối cảnh áp lực về nguồn cung và giá dầu thế giới trong các tháng cuối năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức cao và biến động rất bất thường khó dự báo, cùng với việc sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành thì hiệu quả kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn cũng đồng thời bị suy giảm đáng kể so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua do chịu ảnh hưởng bởi 4 yếu tố gồm: Chi phí tạo nguồn thực tế tăng cao hơn chi phí tạo nguồn kết cấu trong giá giá cơ sở; chi phí tạo nguồn nhập khẩu tăng để bù lượng cấp thiếu từ NMLD Nghi Sơn; Lợi nhuận giảm do lùi thời gian điều chỉnh giá bán trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tăng và ảnh hưởng do điều chỉnh tỷ giá.
Cũng theo Petrolimex, do một số yếu tố tác động là trường hợp bất khả kháng nằm ngoài khả năng dự báo khi xây dựng kế hoạch của Tập đoàn, vì vậy việc điều chỉnh kế hoạch năm 2022 là cần thiết và phù hợp với quy định tại Thông tư 200.
Petrolimex cũng lưu ý chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề nghị điều chỉnh được căn cứ theo các thông tin thị trường xăng dầu thế giới tại thời điểm báo cáo, trường hợp nếu giá xăng dầu thế giới đảo chiều theo xu hướng giảm, đặc biệt trong tháng 12/2022 dẫn đến Tập đoàn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào thời điểm kết thúc ngày 31/12/2022 (nếu có) chưa được ước lượng để tính toán trong phương án này.
Trước đó, PLX công bố kết quả kinh doanh quý 3 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 98 tỷ đồng - tăng khiêm tốn so với mức cơ sở thấp 76 tỷ đồng trong quý 3/2021 khi hoạt động tiêu thụ xăng dầu giảm do các biện pháp giãn cách xã hội tại Việt Nam. Ngoài ra, KQKD quý 3 cũng bao gồm việc hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho 900 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng nguyên nhân chính là đến từ chi phí phân phối thực tế (lưu kho, vận chuyển) và premium (hệ số điều chỉnh trong hợp đồng cung cấp xăng/dầu diesel) đã tăng từ cuối năm 2021, trong khi premium và chi phí định mức trong giá bán lẻ xăng dầu (để bù đắp chi phí cho các nhà phân phối xăng dầu) không được tăng lên tương ứng.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (9T 2022), doanh thu của PLX đạt 225 nghìn tỷ đồng (+88,5% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 312 tỷ đồng (-86,0% YoY). Tăng trưởng doanh thu trong 9T 2022 là do giá xăng dầu tăng và sản lượng tăng mạnh 8% YoY, trong khi lợi nhuận thấp là do: Một là, premium và chi phí định mức thấp, hai là, giá đầu vào cao và biến động ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của PLX, và cuối cùng PLX nhập khẩu xăng dầu (với giá cao) để đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, VCSC cũng lưu ý rằng trước đó PLX đã công bố lỗ 780 tỷ đồng trong 9T 2022 và LNST sau lợi ích CĐTS 9T 2022 chỉ hoàn thành 17,1% dự báo cả năm và thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Tại thời điểm cuối tháng 9, BCTC ghi nhận hàng tồn kho của PLX đạt 14.692 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm; trong đó PLX trích lập khoản dự phòng tới 432 tỷ đồng, con số này là 224 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Được biết, kể từ ngày 10/07/2022, chi phí vận chuyển đưa xăng RON92, RON 95, dầu diesel và dầu hỏa về Việt Nam đã lần lượt tăng 83%, 78%, 28% và 61%. Căn cứ vào tình hình hiện tại, Bộ Tài chính cũng lên kế hoạch tăng tương ứng đối với chi phí vận chuyển định mức trong giá cơ sở. Cụ thể:
Những thay đổi này dự kiến có hiệu lực vào kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo ngày 11/11. Dựa trên ước tính của Bộ Tài chính, những điều chỉnh này dự kiến sẽ tác động làm tăng giá cơ sở lên dưới mức 50 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và dầu diesel (tương ứng dưới 0,2% mỗi mặt hàng), khoảng 150 đồng/lít (khoảng 0,7%) đối với xăng RON95 và tăng hơn 720 đồng/lít (hơn 3%) đối với dầu hỏa.
Theo quan điểm của VCSC, những thay đổi này sẽ có tác động tích cực nhẹ đến các công ty phân phối xăng dầu, bao gồm OIL và PLX. Trên cơ sở đó, VCSC đưa ra khuyến nghị "mua" đối với PLX với giá mục tiêu 50.200 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời cổ phiếu dự kiến 74,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,1%).