18:57 28/04/2022

Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Vũ Khuê

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế nên khó thu hút được các nguồn lực xã hội. Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao...

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần được nhân rộng.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần được nhân rộng.

Hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản, tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

 HÀ NỘI MỚI CÓ 1 DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Tuy nhiên, tại toạ đàm “Cơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ cao” do Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội tổ chức ngày 26/4, bà Nguyễn Thị Thoa, nguyên Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp), cho biết việc mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Hiện mới chỉ có một doanh nghiệp được công nhận được doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; chỉ có 2 mô hình sản xuất rau tại Thanh Trì và Đan Phượng; 2 mô hình sản xuất hoa tại Đan Phượng và Chương Mỹ; 1 mô hình sản xuất lúa (Thanh Trì); 1 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản và 17 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản… ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội mới chỉ có hơn 50 ha sản xuất rau, hoa và 20 ha nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng các công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao vào sản xuất. Còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hoặc ứng dụng một phần hệ thống nhà lưới có điều khiển vi khí hậu, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi.

“Còn thiếu những mô hình mang tính tiên tiến hàng đầu, chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nên chưa tạo ra được sự đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất”, bà Thoa nhấn mạnh.

Mặt khác, chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Thành phố. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế.

Đặc biệt, nông nghiệp Thủ đô còn ít tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số trong điều hành sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, cũng như khả năng truy xuất minh bạch… Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng còn rất hạn chế…

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Không chỉ vậy, theo bà Thoa, việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn chưa nhiều. Như chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong khi các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố đã ban hành tại Quyết định 3215/QĐ-UBND rất khó thực hiện. Nhất là tiêu chí về diện tích quá lớn, không phù hợp với địa phương. Trong khi đó, các mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao hiện nay về cơ bản quy mô còn nhỏ… nên các đối tượng được thụ hưởng chính sách rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ do không đảm bảo được các yêu cầu đặt ra.

Mặt khác, danh mục các sản phẩm được hỗ trợ chỉ giới hạn một số loại cây trồng, vật nuôi nhất định. Trong khi thực tế nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm ngoài danh mục có tiềm năng phát triển tốt nhưng chưa được hỗ trợ.

Ngành nông nghiệp còn thiếu chính sách và định mức kinh tế kỹ thuật trong ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, trí tuệ nhân tạo AI, đưa công nghệ IoT vào thực hành sản xuất, kết nối thị trường.

Hơn nữa, phương thức hỗ trợ sau đầu tư khó triển khai do cơ chế cách làm mới nên còn lúng túng khi triển khai thực hiện. Thành phố chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp đã được ban hành… Đồng thời, cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa…

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế nên khó thu hút được các nguồn lực xã hội. Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.

Một vấn đề lo ngại khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định nên hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.