16:42 12/11/2022

Hàng nghìn sinh viên thương mại điện tử “thực chiến” trên môi trường kinh doanh số

Nhĩ Anh

Bước ngoặt của hoạt động đào tạo chính quy tại các trường đại học thương mại điện tử và kinh doanh số ở Việt Nam, gắn đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học với thực tiễn kinh doanh số...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc thi Sinh viên Tài năng Kinh doanh số do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức đang diễn ra với sự tham gia hưởng ứng của hàng chục trường đại học và sinh viên trên cả nước.

Lần đầu tiên hơn 200 đội thi với hàng nghìn sinh viên có thể “thực chiến” kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu như Lazada, Sapo, Haravan, PostMart hay LadiPage. Nhiều doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực tiếp thị số và đầu tư khởi nghiệp như VinaLink, Acesstrade, Do Ventures hay BambuUp cũng đồng hành, tư vấn hỗ trợ các đội trong suốt thời gian thi.

Đại diện Vecom cho biết, đến nay, miền Bắc có nhiều trường và đội thi nhất với các con số tương ứng là 22 và 111. Tiếp đó là miền Nam với 15 trường và 86 đội thi. Toàn bộ miền Trung với nhiều trường đại học tại các trung tâm đào tạo lớn ở Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang hay Đà Lạt nhưng chỉ có 2 trường với 6 đội dự thi. Những con số này phản ánh sự mất cân đối rất lớn của thương mại điện tử ở Việt Nam khi hơn 70% tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.

 
Đây là cơ hội để các trường đại học, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới kinh tế số và thương mại điện tử có được bức tranh toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực chính quy cho lĩnh vực này ở Việt Nam.

Bốn nội dung thi tập trung vào thành phần cơ bản của thương mại điện tử, gồm bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ trực tuyến, tiếp thị số, công nghệ và ý tưởng kinh doanh số. Trên 50% đội thi đã chọn nội dung thi bán sản phẩm trực tuyến, khoảng 25% đội thi chọn nội dung tiếp thị số, 20% chọn nội dung ý tưởng kinh doanh số. Khá ít đội chọn nội dung công nghệ.

Điều này phản ảnh xu hướng phần lớn các trường đào tạo ngành thương mại điện tử đã tập trung vào các học phần kinh doanh và giảm nhẹ các học phần về công nghệ thông tin.

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cuộc thi góp phần tích cực vào hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học, gắn đào tạo với thực tiễn kinh doanh của một trong những lĩnh vực đang trở thành mũi nhọn của nền kinh tế.

Lễ trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 23/12/2022 là cơ hội để các trường đại học cùng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới kinh tế số và thương mại điện tử có được bức tranh toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực chính quy cho lĩnh vực này ở Việt Nam.

Từ năm 2015-2019, nhịp độ phát triển thương mại điện tử Việt Nam cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á với quy mô tăng từ 4 tỷ lên gần 12 tỷ USD. Năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này tiếp tục được duy trì từ năm 2022 đến năm 2025 nhờ động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của thương mại điện tử. Báo cáo e-Conomy 2022 của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 cao nhất khu vực Đông Nam Á, đạt quy mô 23 tỷ USD và sẽ chạm ngưỡng 50 tỷ USD trong vòng ba năm tới.

Việc đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các trường đại học là một trong những yếu tố quyết định để thương mại điện tử nước ta đảm bảo được tốc độ tăng trưởng trên. Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia đã đề ra mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử.

Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học 2022 của Vecom cho thấy cả nước đã có trên 110 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Trong đó, số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học đã lên tới 36 trường và gần 40 trường đại học đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử. Hầu hết các trường này đều ở Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, theo đại diện Vecom, sự hợp tác trong đào tạo thương mại điện tử còn mờ nhạt ở mọi hình thức, đặc biệt là hợp tác giữa các trường đại học với nhau và giữa các trường với doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay các câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên và hấp dẫn. Hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến, tuyên truyền về học thương mại điện tử chưa mạnh mẽ. Sinh viên thương mại điện tử chưa có nhiều cơ hội tiếp cận thực tiễn kinh doanh, trong khi lĩnh vực thương mại điện tử thay đổi rất nhanh về công nghệ, giải pháp hay mô hình kinh doanh.