Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng
Hiện nay, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được mua bán như đối với các công trình xây dựng có sẵn hoặc các công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, có một số nội dung về mẫu hợp đồng mua bán loại hình sản phẩm này hoặc các điều kiện, thủ tục để được bán các sản phẩm bất động sản này hình thành trong tương lai thì chưa được quy định một cách cụ thể...
Thực tế trên được ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu ra tại buổi đối thoại chuyên đề “Nhận diện xu hướng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam– VnEconomy– Vietnam Economic Times tổ chức ngày 15/11.
THỊ TRƯỜNG NHIỀU TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN
Đưa ra cái nhìn tổng quan và vị thế của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Hà Quang Hưng cho rằng, một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là du lịch.
Đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08- NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo lực đẩy phát triển kinh tế xã hội, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại với mục tiêu thu hút 17- 20 triệu lượt khách quốc tế và 82- 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp khoảng 10% GDP, với tổng thu khoảng 35 tỷ USD và tạo ra khoảng 4 triệu việc làm.
Từ khi dịch Covid diễn ra năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng, tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, ngay sau khi bước vào thời kỳ bình thường mới, các chủ đầu tư, các địa phương đã quay lại triển khai các dự án để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.
Tiếp đó, tháng 6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Du lịch. Tháng 10/2017, Chính phủ đã có Nghị quyết 103/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và đưa ra các giải pháp nhằm cụ thể hóa các mục tiêu.
Theo thống kê của ngành Du lịch, đến cuối năm 2016, Việt Nam mới có khoảng 420 nghìn buồng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch. Năm 2017, Việt Nam mới đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế và 73 triệu lượt khách nội địa, với doanh thu khoảng 23 tỷ USD, đóng góp 7% GDP.
Trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, Việt Nam đã thu hút khoảng 17 triệu lượt khách quốc tế và hơn 80 triệu lượt khách nội địa.
Nếu theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, thì hoạt động du lịch tính đến năm 2017 đã đạt và có một số chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Trong quý 3/2021, cả nước có 26 dự án mới với hơn 1.300 biệt thự du lịch được cấp phép tập trung chủ yếu tại Bình Thuận và Lâm Đồng. Có 54 dự án với 14.500 căn hộ du lịch và gần 4.000 biệt thự du lịch đang được triển khai chủ yếu tập trung tại Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên…
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu số lượng cơ sở lưu trú đến năm 2025 đạt khoảng 754.000 buồng và đến năm 2030 khoảng 900.000 buồng, khách sạn lưu trú du lịch. Để đạt mục tiêu này trong chiến lược phát triển du lịch thì trong giai đoạn tiếp theo còn phải đầu tư thêm rất nhiều loại buồng phòng.
Ông Hưng nhận xét, trong giai đoạn những năm 2017 và 2018, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam phát triển khá tốt ở một số khu vực có bờ biển đẹp như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh…
Ở thời điểm năm 2017 đã có khoảng 23.000 căn hộ du lịch được chào bán với số giao dịch thành công khoảng 12.500 căn hộ. Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Xây dựng vừa công bố, trong quý 3/2021, cả nước có 26 dự án mới với hơn 1.300 biệt thự du lịch được cấp phép tập trung chủ yếu tại Bình Thuận và Lâm Đồng. Có 54 dự án với 14.500 căn hộ du lịch và gần 4.000 biệt thự du lịch đang được triển khai chủ yếu tập trung tại Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên…
Có thể thấy, từ khi dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng, tổn thất nặng nề. Song, ngay sau khi bước vào thời kỳ bình thường mới, các chủ đầu tư, các địa phương đã quay lại triển khai các dự án để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.
Dẫn kết quả nghiên cứu “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam- Vai trò và khuyến nghị chính sách” của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Hưng cho biết, nếu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tăng 1%, sẽ góp phần tăng trưởng 0,325% cho ngành du lịch. Con số này phần nào cho thấy vai trò quan trọng của bất động sản du lịch trong thị trường bất động sản cũng như với ngành du lịch và nền kinh tế Việt Nam.
TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO CÁC LOẠI HÌNH BẤT ĐỘNG SẢN NGHĨ DƯỠNG PHÁT TRIỂN
Có thể thấy, bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình, đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách trong nước cũng như quốc tế.
Nhận định về sự phát triển của các loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, các loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có một số đặc điểm chính.
Trước hết, mỗi loại hình bất động sản du lịch (như biển, miền núi hay đồng bằng) sẽ có những ưu thế riêng và phù hợp với các nhóm khách hàng khác nhau. Nhu cầu của khách hàng là rất phong phú. Do đó, nhiệm vụ của các nhà đầu tư và thị trường là đáp ứng đầy đủ nhu cầu này của khách. Các nhà đầu tư sẽ nắm bắt được các nhu cầu của các tệp khách hàng khác nhau để đầu tư được các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, ông Hưng nói.
Các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới cũng sẽ mang tính quy mô lớn và đa mục tiêu, nhiều tiện ích trong một dự án. Trong giai đoạn trước, các dự án sản phẩm truyền thống phần lớn chỉ có 2 chức năng chủ yếu là ăn uống và ngủ nghỉ. Nhưng thời gian tới, các dự án sẽ phải có thêm chức năng nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao..., đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Ngoài ra, các dự án khai thác, tận dụng được tối đa và bảo tồn các điều kiện cảnh quan tự nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa... xung quanh phạm vi dự án, kết hợp các tiện ích trong nội khu dự án chắc chắn sẽ thành công.
Thời gian tới sẽ phải tiếp tục hoàn thiện, có các quy định cụ thể hơn về những vấn đề liên quan đến mẫu hợp đồng mua bán các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, các điều kiện để được bán các bất động sản này hình thành trong tương lai… tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho loại hình này phát triển.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nâng cao chất lượng, phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với các loại hình căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng để các chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định.
Đến nay, các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các loại hình dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã tương đối đầy đủ.
Liên quan đến vấn đề pháp lý đối với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, ông Hưng cho biết, các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng đã được quy định cụ thể, quản lý, sử dụng theo Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định 168/2017/NĐ-CP về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch.
Theo pháp luật đầu tư, loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư theo trình tự thủ tục của một dự án có sử dụng đất như thông thường. Còn theo pháp luật xây dựng, việc quản lý hoạt động xây dựng với những dự án này được thực hiện như với các công trình xây dựng dân dụng có mục đích thương mại và dịch vụ.
Theo ông Hưng, có 2 vấn đề liên quan tới pháp luật mặc dù đã có nhưng còn đang vướng hiện nay là đất đai của dự án và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Hiện nay, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được mua bán như đối với các công trình xây dựng có sẵn hoặc các công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, có một số nội dung về mẫu hợp đồng mua bán loại hình sản phẩm này hoặc các điều kiện, thủ tục để được bán các sản phẩm bất động sản này hình thành trong tương lai… chưa được quy định một cách cụ thể.
Chính vì vậy, lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho rằng thời gian tới sẽ phải tiếp tục hoàn thiện và có các quy định cụ thể hơn về những vấn đề liên quan đến mẫu hợp đồng mua bán các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, các điều kiện để được bán các bất động sản này hình thành trong tương lai… tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các loại hình này phát triển.
Hiện nay, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, Bộ cũng đang trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa Luật kinh doanh bất động sản vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội giai đoạn 2022-2023, trong đó có nội dung liên quan đến việc kinh doanh các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.