20:07 07/01/2015

Huỷ một phần án sơ thẩm với Huyền Như

Lam Giang

Sau một tuần nghị án, ngày 7/1/2015 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Tp.HCM đã tuyên án vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm

<strong> </strong>Bị cáo Huyền Như tại Tòa.<strong><br></strong>
<strong> </strong>Bị cáo Huyền Như tại Tòa.<strong><br></strong>
Sau một tuần nghị án, ngày 7/1/2015 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Tp.HCM đã tuyên án vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. Theo đó, giữ nguyên mức án chung thân với bị cáo Huyền Như về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu và đề nghị điều tra bổ sung tội danh tham ô tài sản...

Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định, bị cáo Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu giấy tờ của cơ quan nhà nước. Riêng với hành vi chiếm đoạt tài sản của 5 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc là có dấu hiệu của tội “tham ô tài sản”, do đó Hội đồng xét xử tuyên huỷ án để điều tra lại.

Chính Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, giả chữ ký để lập lệnh chi giả rồi chiếm đoạt tiền của khách hàng. 5 doanh nghiệp này chỉ là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng tòa cấp sơ thẩm lại xác định bị cáo Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền là sai nghiêm trọng về tội danh và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.

Hội đồng xét xử khẳng định, VietinBank là đơn vị chịu trách nhiệm với số tiền Huyền Như đã chiếm đoạt của 5 doanh nghiệp này vì số tiền của 5 doanh nghiệp này đã chuyển hợp pháp vào tài khoản của mình, được Vietinbank hạch toán cụ thể vào sổ sách và nằm trong sự kiểm tra, kiểm soát của Vietinbank. Tuy nhiên, phải hủy án để điều tra xét xử lại phần này để đảm bảo thống nhất giữa 2 cấp xét xử.

Hội đồng xét xử phúc thẩm còn đưa ra kiến nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an phải làm rõ trách nhiệm hình sự của những lãnh đạo Navibank trong việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào tài khoản Vietinbank lấy tiền lãi suất gây hậu quả nghiêm trọng và làm rõ trách nhiệm các tổ chức cá nhân Vietinbank để tránh bỏ lọt tội phạm.

Chủ trương của Navibank để nhân viên mang tiền sang Vietinbank gửi là có thật, tuy nhiên, quy định không cho phép cho nhân viên ngân hàng này mang tiền sang ngân hàng khác gửi do đó những hợp đồng này là trái pháp luật và giả tạo.

Navibank không giao dịch gửi tiền với Vietinbank nên Navibank không thể là nguyên đơn dân sự và Vietinbank không thể là bị đơn. Lỗi để bị cáo Huyền Như chiếm đoạt tiền trong trường hợp này đều do lãnh đạo Navibank và các nhân viên. Không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Navibank buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường.

Còn về phần kháng cáo của ACB, Hội đồng xét xử cho rằng Vietinbank không có lỗi nên không phải bồi thường cho ACB. Các nhân viên ACB không quan tâm đến hợp đồng ủy thác nhận tiền với ACB, không đến ngân hàng làm thủ tục cũng không theo dõi số dư trên tài khoản của mình vì thực chất của việc ủy thác là giả tạo nhằm cho thuê, mượn tài khoản, do đó đây là những hợp đồng trái pháp luật, vì vậy các hợp đồng này vô hiệu.

Ngân hàng ACB không thực hiện các giao dịch với Vietinbank nên ACB không thể là bị đơn, do đó Hội đồng xét xử xét thấy cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần này.

Phần kháng cáo của VIB, Hội đồng xét xử xét thấy không thể chấp nhận kháng cáo vì cho rằng cấp sơ thẩm đã xét xử đúng khi xác định Huyền Như mượn tên của người thân, bạn bè làm giả sổ tiết kiệm để vay hơn 300 tỷ đồng của VIB. Hành vi gian dối của Như và các đồng phạm bị sơ thẩm tuyên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho VIB là đúng.

Hội đồng xét xử phán quyết, Huyền Như có dấu hiệu tội tham ô, hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, truy tố lại đối với Huyền Như về hành vi chiếm đoạt tiền của 5 doanh nghiệp. Nếu trong quá trình điều tra, thấy có dấu hiệu của tội tham ô thì tiếp tục xem xét, xử lý những người có liên quan.

Giữ nguyên mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức đối với Huyền Như.

Bác đơn kháng cáo của ngân hàng VIB, ACB, Navibank, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, buộc Huyền Như phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của những đơn vị này cũng như 3 cá nhân khác gồm bà Giã Thị Mai Hiên, Phạm Anh Huấn, Lê Thị Kim Tuyến.

Về việc bị cáo Huyền Như kháng cáo xin lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng tại Quảng Nam cho mẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Huyền Như mà cần được tiếp tục kê biên để bảo đảm cho việc thi hành án.

Đối với nhóm bị cáo thuộc tội danh cho vay lãi nặng, Hội đồng xét xử tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm do các con số trong bản án sơ thẩm chưa chính xác.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Lành phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 9.000 tỷ đồng, trong khi bản án sơ thẩm tuyên nộp 150 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Thiên Lý phải nộp lại 1.296 tỷ đồng trong khi án sơ thẩm buộc nộp 414 tỷ; bị cáo Đào Thị Tuyết Dung phải nộp 414 tỷ trong khi án sơ thẩm buộc nộp 174,7 tỷ; Huỳnh Mỹ Phương nộp hơn 200 tỷ trong khi bản án sơ thẩm tuyên là 164 tỷ; Phạm Văn Chí phải nộp 23 tỷ trong khi án sơ thẩm 570 triệu...

Với các đồng phạm của bị cáo Huyền Như trong tội lừa đảo là Võ Anh Tuấn, Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên bị Hội đồng xét xử bác kháng cáo. Riêng bị cáo Đào Thị Tuyết Dung, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát tăng từ 10 lên 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hội đồng xét xử còn kiến nghị khởi tố thêm 8 người đã giúp Huyền Như làm các thẻ tiết kiệm giả để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng VIB...