18:00 17/08/2023

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Như Nguyệt

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/ĐH
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/ĐH

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, đến ngày 15/8, Đoàn giám sát đã triển khai theo đúng kế hoạch giám sát; tổ chức làm việc trực tiếp với với 7/11 bộ, ngành, 15/15 địa phương. Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ và 4 bộ, ngành còn lại trong tháng 8 này.

CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GÓP PHẦN TÍCH CỰC PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 

Mặc dù khối lượng văn bản về quản lý, hướng dẫn thực hiện cả 3 chương trình mà Trung ương phải ban hành là rất lớn (trên 70 văn bản), nhưng đến nay Chính phủ và các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành, làm căn cứ để địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện.

Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn đến nay đã được Chính phủ giao về các địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách. Trên cơ sở đó các địa phương trình HĐND phân bổ theo quy định.

Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã có tác động, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Mặc dù trong nhiệm kỳ này nội dung, yêu cầu đối với việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia rất cao, tiến gần đến tiêu chuẩn, quy trình, cách thức hỗ trợ của quốc tế, trong khi đó nguồn lực thực tế chưa đáp ứng được theo nhu cầu; lần đầu tiên thực hiện cơ chế 1 ban chỉ đạo sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, nhưng kết quả giảm nghèo đa chiều theo báo cáo của Chính phủ và các địa phương năm 2022 đạt trung bình gần 2%, hoàn thành và vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra; hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại, bất cập. Cụ thể, hiện nay Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh đã được kiện toàn thành lập ban chỉ đạo cấp huyện và phân công cán bộ xã phụ trách các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhưng việc thành lập bộ giúp việc chưa có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương; có tỉnh thành lập tổ công tác, có tỉnh là văn phòng giúp việc, điều phối… dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Cán bộ theo dõi từ huyện đến xã thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu giúp việc trong chỉ đạo điều hành thiếu tính liên tục, kịp thời. Năng lực một số cán bộ còn nhiều hạn chế so với yêu cầu nhất là ở các tỉnh, huyện, xã nghèo miền núi, biên giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình.

Mặc dù về số lượng các văn bản quản lý đến nay cơ bản đã hoàn thành, nhưng qua giám sát nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương. Nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng địa phương vẫn không triển khai thực hiện được. Chính phủ, các bộ ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn và giao vốn kế hoạch trung hạn vốn đầu tư và hàng năm còn chậm; trong khi đó nhiều nội dung khi giao vốn không phù hợp, không có đối tượng để thực hiện…

ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từ thực trạng nêu trên, Đoàn giám sát nêu lên một số giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thiết thực, hiệu quả".

Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, các địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành ban hành các văn bản cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở. Trong phát triển sản xuất, cần chú trọng các chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và với địa phương trong công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ công tác trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chương trình.

Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho việc triển khai các nội dung về an sinh xã hội; các dự án đầu tư, hỗ trợ trực tiếp về phát triển nhân lực, hỗ trợ sản xuất.

Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều có điểm chung là hướng đến người nghèo, vùng nông thôn, dân tộc thiểu số khó khăn. Vì vậy giải pháp về sinh kế, nâng cao thu nhập cần phải được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Song song với quá trình đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thì phải giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập; thu hút lao động có trình độ về làm việc ở vùng này.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở các cấp, các ngành. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết sau phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ  tiếp tục làm việc với các bộ liên quan và làm việc với các chủ chương trình là Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Đồng thời sẽ có phiên làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung đánh giá của chuyên đề giám sát này và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức tại phiên họp thứ 26 trong tháng 9 tới để chuẩn bị báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.