15:29 26/11/2021

"Ma trận" thủ tục hành chính trong xây dựng 

Huyền Ngân

50% số doanh nghiệp nói chung gặp khó khăn về các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 40,9% gặp khó về quyết định chủ trương đầu tư; 48% vướng mắc về các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; 41,4% gặp khó trong thực hiện thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; 42,9% gặp khó khăn về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Kết quả khảo sát, nghiên cứu trên của VCCI cho thấy, thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng vẫn còn là “ma trận”, làm tăng chi phí thời gian, tiền bạc, giảm cơ hội kinh doanh, đầu tư …của các doanh nghiệp.

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan do Bộ Xây dựng và VCCI tổ chức ngày 26/11, nhiều doanh nghiệp cũng phản ảnh: "Ở một số lĩnh vực, thủ tục hành chính còn phức tạp, chậm đổi mới; việc giải quyết thủ tục hành chính còn phiền hà; tính liên thông trong giải quyết chưa cao…”.

HƠN NỬA SỐ DOANH NGHIỆP NGÀNH XÂY DỰNG GẶP KHÓ VỀ THỦ TỤC

Đại diện VCCI cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn ở tất cả các thủ tục được khảo sát đều cao hơn các nhóm doanh nghiệp thuộc những ngành nghề khác. Chẳng hạn, có tới 60% doanh nghiệp ngành xây dựng gặp vướng mắc với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, cao hơn 8% so với nhóm các doanh nghiệp ngành thương mại/dịch vụ.

 
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trường Bộ Xây dựng
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trường Bộ Xây dựng
Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.

Trên thực tế, các vấn đề vướng mắc chủ yếu diễn ra trong giai đoạn đền bù đất đai và giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng. Tình trạng doanh nghiệp và người sử dụng đất không thể tiến tới hình thức chuyển dịch đất đai tự nguyện qua thoả thuận là rủi ro lớn cho các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư.

“Quy trình đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng phải trải qua 177 bước. Nếu chính quyền các địa phương không có phương án giải phóng mặt bằng và đền bù thoả đáng, dự án có thể bị đình trệ kéo dài bởi các tranh chấp và khiếu kiện. Bởi vậy, cần nhanh chóng chỉnh sửa Luật Đất đai. Trong đó đặc biệt làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc giải phóng mặt bằng cũng như làm rõ cho người dân hiểu được quyền hạn, trách nhiệm của người thuê đất của Nhà nước để tránh khiếu kiện phức tạp. Đồng thời đơn giản hoá thủ tục, các bước thực hiện công tác này”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu bày tỏ.

Bên cạnh thủ tục về đất đai thì tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng gặp vướng mắc với các thủ tục liên quan đến các nhóm thủ tục quy hoạch xây dựng/quy hoạch đô thị, thẩm duyệt về phóng cháy chữa cháy cũng cao; lần lượt vào khoảng 58% - 53% - 51%. Lý do là bởi các doanh nghiệp này gần như thường xuyên tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi thủ tục hành chính liên ngành khi họ trực tiếp thực hiện các dự án xây dựng công trình mới.

Điều đáng nói nữa là, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dường như gặp nhiều khó khăn hơn các doanh nghiệp do nam giới làm chủ đầu tư. Mức độ chênh lệch cao nhất là ở các nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, quyết định chủ trương đầu tư, các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và cấp thoát nước. Trong đó, khoảng 51% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp khó với các thủ tục đất đai giải phóng mặt bằng hiện đang hoạt động ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc Đông Nam Bộ; 98% thuộc khu vực kinh tế tư nhân và 68% có quy mô doanh nghiệp dưới 50 lao động….

“GÓI HỖ TRỢ” KHÔNG TỐN TIỀN MÀ HIỆU QUẢ BỀN VỮNG

Theo các chuyên gia, thủ tục hành chính rườm rà còn cản trở thu hút đầu tư nước ngoài. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết khi các nhà đầu tư vào Việt Nam, chỉ số cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Nhưng chúng ta vướng bởi thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài.

Hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, với việc triển khai các chủ tục để được cấp phép dự án (không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch…), doanh nghiệp tại Việt Nam phải mất 166 ngày và thực hiện 10 nhóm thủ tục, trong đó 5 thủ tục liên quan đến ngành xây dựng. Thời gian này có thể gấp 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực. Ví như tại Singapore, họ triển khai 9 nhóm thủ tục nhưng chỉ mất có 35 ngày…

"Ma trận" thủ tục hành chính trong xây dựng  - Ảnh 1

Những hạn chế nêu trên cho thấy tầm quan trọng của việc cần tiếp tục thực hiện những cải cách sâu rộng và toàn diện hơn nữa đối với các thủ tục hành chính đầu tư – xây dựng - đất đai- xây dựng – môi trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

“Các gói hỗ trợ tài khoá có thể có tác động, mang lại hiệu quả trước mắt cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nhưng “gói hỗ trợ” cải cách hành chính gần như không mất tiền mà lại mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững”, bà Thảo nhận định

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, bền vững, hiệu quả và trong “tầm tay” của các cơ quan Nhà nước. Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt, cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư – xây dựng – đất đai – môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch. Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư cả công và tư nhanh chóng đi vào hoạt động, giúp tạo đà để nền kinh tế chúng ta bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới".

 
Nghiên cứu của VCCI sử dụng dữ liệu từ 10.197 doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020. Trong đó có 8.663 doanh nghiệp tư nhân; 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong số này có 1.823 doanh nghiệp có công trình xây dựng trong vòng 2 năm gần nhất.