Nhà nước cũng chỉ là cổ đông, cần trao sự linh hoạt cho cấp quản lý doanh nghiệp
Định chế và cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang có quá nhiều tầng nấc, phức tạp, sai lệch, không phù hợp với quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế nên dẫn đến kém hiệu quả
"Phải xem nhà nước là một nhà đầu tư, một cổ đông đầu tư vốn tại doanh nghiệp để đảm bảo tính công bằng giữa các nhà đầu tư…", TS. Phan Đằng Chương, Công ty TNHH E&Y nhấn mạnh tại Hội thảo "Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nghiệp tại doanh nghiệp (Luật 69): Kết quả sau 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung" do Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức.
THAY ĐỔI LUẬT 69 KHI CÁC LUẬT MỚI ĐÃ THAY ĐỔI
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết: mục tiêu sửa đổi Luật 69 là nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Thời gian qua các Luật mới như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… đã định vị lại vị trí pháp lý về vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp do đó cần phải thay đổi Luật 69 cho phù hợp.
Thực tế thời gian qua cho thấy có những vấn đề không được giải quyết sớm dẫn đến hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp không cao. Do đó, cần phải bắt mạch, đâu là vấn đề chính, nội dung thiết yếu cần sửa đổi, cần có những đột phá để thay đổi doanh nghiệp nhà nước với tầm nhìn kéo dài…
"Phải tách bạch nhiệm vụ của doanh nghiệp có vốn nhà nước với những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ công thiết yếu và doanh nghiệp quốc phòng. Nhà nước xác định là nhà đầu tư vốn, không can thiệp vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp…", ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh…
MỘT SỐ KHÁI NIỆM KHÔNG CÒN PHÙ HỢP
Liên quan đến Luật 69, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: có một số khái niệm về vốn không còn phù hợp, lẫn lộn và sai lệch về các loại vốn, tài sản, sở hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định; "Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là việc nhà nước sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc vốn từ các quỹ do nhà nước quản lý để đầu tư vào doanh nghiệp" và "Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp….".
Đó là những quy định lỗi thời, không cần thiết. Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì đổi lại là thành cổ đông, thành viên và tài sản có được là số cổ phần, phần góp vốn tương ứng. Nhà nước giống như bất cứ nhà đầu tư khác, đều có thể sử dụng mọi loại vốn có thể để đầu tư. Khi đã đầu tư, lấy sở hữu cổ phần và phần góp vốn thì sau đó tất cả là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mua sắm tài sản và trong bảng cân đối kế toán tương ứng với tài sản là nợ, tức là vốn của doanh nghiệp…
"Định chế và cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang có quá nhiều tầng nấc, phức tạp, sai lệch, không phù hợp với quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế nên dẫn đến kém hiệu quả, kém hiệu lực".
Hiện chúng ta có các khái niệm và định chế như cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện trực tiếp chủ sở hữu, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của nhà nước của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước… Có lẽ các khái niệm này chỉ có và sử dụng ở Việt Nam, không có trong các quy định về quản trị doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Góp ý thêm về các nội dung cần sửa đổi của Luật 69, TS. Lê Đăng Doanh bổ sung: doanh nghiệp nhà nước phải có quyền tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm đầy đủ về vốn của doanh nghiệp. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp. Nhà nước thu thuế theo luật pháp, không cần can thiệp hành chính vào quản lý doanh nghiệp.
Ông Fabian Seiderer, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, cần thay đổi bắt đầu tư những nguyên tắc liên quan đến uỷ nhiệm điều hành ba bên. Khi nhà nước đóng nhiều vai trò khác nhau thì mức độ phức tạp sẽ cao, mất cân xứng về mặt thông tin. Dưới góc độ doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, chúng tôi khảo sát thấy có quá nhiều kênh phải báo cáo khác nhau. Cụ thể là có tới năm quy định khác nhau liên quan đến báo cáo của doanh nghiệp nhà nước và việc này đã làm tăng chi phí quản lý…
"Sửa đổi Luật 69 phải trao sự linh hoạt cho cấp quản lý doanh nghiệp cũng như tăng trách nhiệm của họ. Đây là 2 mặt của một vấn đề. Phải trao quyền cho Hội đồng quản trị những họ cũng phải chịu trách nhiệm giải trình", đại diện Ngân hàng Thế giới nêu quan điểm.
Hiện nay trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam vẫn còn hạn chế… Các báo cáo tài chính chưa kịp thời, thông tin trong đó chưa được chi tiết cần làm rõ… Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng, biến doanh nghiệp nhà nước thành chất xúc tác cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển chứ không phải là cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân, đè nén doanh nghiệp tư nhân.