10:39 02/03/2007

Nhân lực chứng khoán: Lên thì như vậy, xuống thì sao đây?

Nhiều sinh viên háo hức vào ngành thời thượng này, nhưng chỉ 2, 3 tháng bỏ cuộc không phải là hiếm

Nhân lực ngành chứng khoán đang là của hiếm.
Nhân lực ngành chứng khoán đang là của hiếm.
Hiện nay sinh viên tài chính, ngân hàng, chứng khoán… muốn hành nghề chứng khoán thì phải học các lớp đào tạo gần 1 năm trời để đủ 3 chứng chỉ, trong khi chứng khoán sốt từng ngày nên các công ty cứ tuyển rồi… tính sau.

Ra trường là được “rước”

Ông Bùi Việt, Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á thừa nhận: “Nếu kiểm tra gắt gao thì công ty nào cũng có nhân viên chưa đủ chứng chỉ hành nghề”.

Hai tháng đầu năm 2007, nhiều nhà đầu tư chẳng còn ngạc nhiên khi thấy những nhân viên giao dịch, nhập lệnh và cả tư vấn mới vài hôm trước còn làm tiếp tân, hướng dẫn.

Ngay từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu hoạt động, nhân lực cho ngành này đã được nhiều trường như Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Ngoại thương và nhiều trường đại học dân lập tính đến nhưng ngay cả đội ngũ giảng viên cũng thiếu trầm trọng nên khó có thể đẩy nhanh cả đầu vào lẫn đầu ra.

TS. Trần Hoàng Ngân (Trưởng khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM) nhận định: “Ngay tại Tp.HCM, trung tâm chứng khoán lớn nhất nước nhưng số giảng viên đủ trình độ chuyên ngành đứng lớp chỉ khoảng 20-30 người”.

Tại Tp.HCM, hiện mới có Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế có chuyên ngành chứng khoán, còn hầu hết các trường mới chỉ có bộ môn. Hàng năm số sinh viên chuyên ngành chứng khoán tốt nghiệp chỉ trên dưới 200 và “ra người nào các công ty rước ngay người ấy”.

Do vậy đa số nhân viên của các công ty chứng khoán là sinh viên các ngành ngân hàng, tài chính… qua khóa đào tạo ngắn hạn, cấp tốc rồi “làm lâu tay quen”.

Hai năm gần đây, thí sinh tìm hiểu và muốn theo học ngành chứng khoán ngày càng đông, tại Học viện Ngân hàng đây là ngành nóng nhất, còn các trường khác đang xúc tiến để có ngành học này ngay mùa tuyển sinh 2007.

Các lớp đào tạo chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mở ra liên tiếp vừa qua cũng chỉ đáp ứng phần “bồi dưỡng kiến thức”. Riêng những lớp đào tạo kiến thức, đầu tư chứng khoán đang mọc như nấm sau mưa tại Hà Nội, Tp.HCM với giá thấp nhất là 1,4 triệu/ khóa 2 tháng thì “chỉ phổ cập kiến thức chứng khoán tối thiểu”.

Ông Võ Hữu Tuấn, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt chi nhánh Tp.HCM nhận xét “nhiều nơi chỉ chạy theo số lượng để thu tiền”. Nhiều công ty chứng khoán cũng muốn liên kết với các trường đại học để đào tạo lại nhân viên theo đúng nhu cầu nhưng do thiếu giảng viên chưa trường nào mở liên kết kiểu này.

Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Hoàn lại có cách nhìn khác “nhân lực chứng khoán đã thiếu lại còn yếu”. Do ngành học này quá mới và thiếu giảng viên trình độ cao nên sinh viên được đào tạo ra còn nhiều khiếm khuyết.

Dù Đại học Kinh tế, Đại học Mở bán công, Học viện Ngân hàng... thường xuyên mở các phiên giao dịch ảo để sinh viên đóng cả vai nhà đầu tư lẫn broker, điều hành giao dịch... nhưng thực tế và lý thuyết vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Khi vào việc, sinh viên mới ra trường không chỉ cần kiến thức tốt mà còn đòi hỏi nhạy bén, phán đoán tốt và chịu được áp lực cao. Háo hức vào ngành thời thượng này nhưng chỉ 2, 3 tháng bỏ cuộc không phải là hiếm. Ngay tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, năm qua số nhân viên mới xin nghỉ cũng trên con số 10.

Lên thì như vậy, xuống thì sao đây?

Nguyễn Mạnh C. (Nhân viên Công ty SSI) tốt nghiệp ngành kiểm toán Đại học Kinh tế Tp.HCM trước làm cho một văn phòng đại diện nước ngoài và mới về SSI từ tháng 12/2005 và đến nay anh vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề vì “hơn năm nay chẳng có thời gian nào để đi học, lúc nào cũng chìm trong công việc”.

Tại SSI, 80% broker dưới 28 tuổi, nhiều trưởng phó phòng của các công ty chứng khoán chỉ xấp xỉ 30. Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng tư vấn chi nhánh Công ty Chứng khoán Bảo Việt tại Tp.HCM vừa bước qua tuổi 30 cho biết: “Chỉ có các bạn trẻ mới chịu nổi áp lực cao, căng thẳng, làm việc kéo dài quanh năm suốt tháng, hơn nữa không thể ngồi mãi một chỗ nhiều năm được”.

Thị trường chứng khoán lên xuống và luôn chứa đựng nhiều bất ổn cũng là nguyên nhân khiến không ít bạn trẻ đắn đo khi quyết định dấn thân vào. Huỳnh Thu Mai, 27 tuổi, trước 2005 làm tại SSI, giờ đây về làm cho một văn phòng đại diện dù được mời mọc quay lại làm việc nhưng cô từ chối vì “giờ sôi động thì nhân viên được cưng chiều thế thôi, quay lại ế ẩm như 2003-2004 thì lương còn không đủ sống”.

Mai nói cô có đồng nghiệp ở Trung Quốc, Hồng Kông cũng là broker làm không hết việc thời hưng thịnh nhưng rồi phải đi bán máy hút bụi, lau dọn cao ốc khi thị trường chứng khoán khủng hoảng.

Những người lo xa như Mai, Việt Anh không phải là ít và thí sinh, sinh viên khi thi vào hay theo ngành chứng khoán cũng không phải bằng bất cứ giá nào. Tình cảnh ấy càng khiến nhân lực ngành này càng thiếu hơn.

TS. Trần Hoàng Ngân nói rằng “nếu đòi đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ thì ít nhất 3 năm nữa gần 60 công ty chứng khoán hiện nay mới có đủ nhân lực”. Nhưng “thời gian không đứng đợi” và nhân lực trẻ trong ngành này đã thiếu càng thiếu trầm trọng...