08:10 25/06/2022

Sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao: Đón sóng đầu tư mới

Lý Hà - Văn Anh

Dường như nắm bắt được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nhắm tới, thành phố Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới, đặc biệt từ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  TP. Đà Nẵng, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lực lượng lao động trong độ tuổi của Đà Nẵng chỉ có gần 296.000 người/tổng số dân hơn 672.000  người. 

Sau 22 năm, nguồn nhân lực của Đà Nẵng đã tăng lên 606,6 ngàn người/tổng số dân hơn 1,17 triệu người. Tốc độ tăng bình quân mỗi năm 3,31%, tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng dân số của thành phố (bình quân khoảng 2,54%/năm). Nhờ đó đã tạo cho Đà Nẵng có nguồn nhân lực khá dồi dào.

THU HÚT, TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI KHU VỰC CÔNG

Thực tế hàng chục năm qua, TP.  Đà Nẵng đã dành nguồn lực rất lớn để thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đánh giá, chính sách thu hút nhân tài có tính vượt trội của Đà Nẵng đã và đang phát huy hiệu quả.

Đà Nẵng có đội ngũ cán bộ, người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Đây là chính những đội ngũ đã đóng góp làm thay đổi diện mạo hành chính của Đà Nẵng, tạo tiền đề cho sự phát triển.

Chia sẻ vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, cho biết tại Đà Nẵng, công tác phát triển nguồn lực khu vực công nói chung và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng được Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt coi trọng và quan tâm chỉ đạo.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1998-2014, sau 16 năm thực hiện thu hút nhân tài, Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên, trong đó có 25 tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 1,97%), thạc sĩ 283 người (22,3%), đại học 961 người (75,73%) và 102 người tốt nghiệp ở nước ngoài.

Việc thu hút các đối tượng này đã bổ sung một lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, Đà Nẵng đã cử 613 người đi học theo chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó có 338 học viên bậc đại học, 120 học viên bậc sau đại học, 155 học viên theo kế hoạch tuyển chọn, đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú.

Song song với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố cũng chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân, chuyên gia, các nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao có trình độ chuyên nghiệp, kỹ năng điều hành sản xuất kinh doanh và có đủ điều kiện hợp tác, thu hút nguồn lực đầu tư vào thành phố, có năng lực đối ngoại, sẵn sàng hợp tác cạnh tranh với các doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế và khu vực.

Mục tiêu của thành phố là có từ 25% cán bộ lãnh đạo, quản lý trở lên đủ khả năng chuyên môn làm việc trong môi trường quốc tế; phấn đấu đến năm 2025, lực lượng lao động chất lượng cao của thành phố đạt tỷ lệ 41,76%/tổng số nguồn nhân lực và tỷ lệ này đạt 50,11% vào năm 2045.

Sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao: Đón sóng đầu tư mới - Ảnh 1

Có thể nói, nguồn nhân lực từ chính sách thu hút và đào tạo đóng góp tỷ lệ khá lớn về số lượng nhân lực có trình độ đào tạo bài bản, chính quy từ các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài; góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận nhanh kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến, năng động, có tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN LAO ĐỘNG

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần có sự quan tâm đầu tư thích hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Chú trọng xây dựng, triển khai sắp xếp mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực, cả hai hệ thống đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp. Phối hợp với Đại học Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ, thủ tục đầu tư, xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Xúc tiến việc thành lập trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Đà Nẵng và đề xuất thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng: "Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần có sự quan tâm đầu tư thích hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao".
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng: "Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần có sự quan tâm đầu tư thích hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao".

Đặc biệt, Đà Nẵng luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các khâu trong quy trình đào tạo, nhất là liên kết sử dụng cơ sở vật chất tiên tiến của doanh nghiệp tham gia đào tạo và đặt hàng đào tạo.

Khuyến khích các cơ sở đào tạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết đào tạo, đặc biệt là liên kết đào tạo với các trường có chất lượng nước ngoài, các tập đoàn vừa đào tạo, vừa thực hành ở nước ngoài.

Cùng với đó, Đà Nẵng tập trung thống kê, dự báo thông tin thị trường lao động, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng đề án đào tạo cung ứng nhân lực ưu tiên trong các lĩnh vực mũi nhọn, tại địa chỉ có nhu cầu, như khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án đầu tư trọng điểm…

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố.  Trong tiến trình tiếp cận nền công nghiệp 4.0, Đà Nẵng cũng đã xác định nguồn nhân lực công nghệ thông tin là then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đặc biệt, công tác chuyển đổi số đang được thành phố đẩy mạnh, coi đây là động lực chính để giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá trong phát triển, xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái hiện đại.

Nguồn nhân lực này cũng sẽ làm “đòn xeo” thúc đẩy cho 3 trụ cột phát triển thành phố gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời cũng đáp ứng nguồn lao động cho nhu cầu chung của tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, nhận định việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin là nhiệm vụ và giải pháp đột phá có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng.

Hiện nay, Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.

Trong số các trường đại học, cao đẳng, có 17 trường đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, 13 trường đào tạo các chuyên ngành (điện tử - viễn thông,  cơ điện tử, tự động hóa, tin học thống kê, tin học xây dựng,...).

Chỉ tính riêng năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố khoảng 5.700 sinh viên, trong đó trình độ đại học, cao đẳng khoảng 4.500 sinh viên.

Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, không chỉ là điểm sáng về công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, có môi trường đầu tư thông thoáng mà còn dồi dào nguồn nhân lực. 

Đặc biệt có nguồn nhân lực chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn, với nhiều vườn ươm, không gian sáng tạo và không gian làm việc chung, cùng các câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp không chỉ ở Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.