Những "điểm nghẽn" trong hoạt động đấu thầu tại Thanh Hóa
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường chấn chỉnh hoạt động đấu thầu trên địa bàn, từ đó đạt được nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn những "điểm nghẽn" trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...
Về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện 8.185 gói thầu, tổng giá trị các gói thầu là hơn 18.756 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu hơn 18.177 tỷ đồng, tiết kiệm được 578,6 triệu đồng, bao gồm: 7.507 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước với tổng giá trị hơn 15.794 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 15.673,2 tỷ đồng; 678 gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên với tổng giá trị 2.961,8 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 2.504,6 tỷ đồng.
Trong đó, theo lĩnh vực đấu thầu tỉnh này thực hiện 198 gói phi tư vấn như bảo hiểm, đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng..., 5.601 gói thầu tư vấn, 747 gói thầu mua sắm hàng hóa, 1.620 gói thầu xây lắp và 19 gói thầu hỗn hợp. Theo hình thức lựa chọn nhà thầu Thanh Hóa thực hiện 1.094 gói thầu đấu thầu rộng rãi, 1 gói thầu đấu thầu hạn chế, 6.305 gói thầu chỉ định thầu, 722 gói thầu chào hàng cạnh tranh, 2 gói thầu mua sắm trực tiếp, 33 gói thầu tự thực hiện, 4 gói thầu áp dụng hình thức đặc biệt và 24 gói thầu tham gia thực hiện của cộng đồng.
Theo loại dự án, Thanh Hóa thực hiện 1 gói thầu thuộc dự án nhóm A; 305 gói thầu thuộc dự án nhóm B; 7.201 gói thầu thuộc dự án nhóm C. Tỉnh Thanh Hóa thực hiện 4 gói thầu được được áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đấu thầu qua mạng 3.440/3.441 gói thầu, đạt tỷ lệ 99,97%.
Tuy nhiên, đấu thầu lựa chọn nhà thầu của tỉnh này vẫn tồn tại một số vướng mắc được các cơ quan chức năng chỉ ra, như việc một số chủ đầu tư, bên mời thầu phê duyệt hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu chưa đảm bảo theo quy định dẫn đến phải điều chỉnh hoặc phải tổ chức đấu thầu lại.
Một số gói thầu tại Thanh Hóa áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi nhưng số lượng các nhà thầu tham gia dự thầu ít hoặc không có nhà thầu tham dự, dẫn đến tính cạnh tranh trong đấu thầu chưa cao hoặc phải hủy để tổ chức đấu thầu lại. Việc đăng tải một số thông tin trong đấu thầu của một số gói thầu tại tỉnh này chưa đầy đủ, đặc biệt đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu; một số nhà thầu kê khai chưa trung thực trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phạt vi phạm hành chính 4 nhà thầu với số tiền 300 triệu đồng; cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với 4 tổ chức và một số cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu.
Đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 22 dự án đầu tư có sử dụng đất và 1 dự án thực hiện theo hình thức xã hội hóa được thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư.
Trong đó, tỉnh này đã hủy kết quả sơ tuyển của 6 dự án đầu tư có sử dụng đất, do các dự án không bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Năm 2023, Thanh Hóa lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 16 dự án đầu tư có sử dụng đất và 1 dự án theo hình thức xã hội hóa. Các dự án này đã tổ chức công bố danh mục, kèm theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định, nhưng có 1 nhà đầu tư được đánh giá đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Do đó, các dự án này không thực hiện các hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án tại tỉnh này trong năm còn kéo dài, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp theo quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP; các dự án đã lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP chậm thực hiện các bước tiếp theo, như bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, do còn vướng mắc về thể chế.
Còn nhiều dự án lĩnh vực xã hội hóa, dự án chuyên ngành, như xử lý rác thải, cấp nước sinh hoạt tại Thanh Hóa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, cần lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai do các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể.
Một số bên mời thầu tại Thanh Hóa xác định sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng của dự án chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Dẫn đến quá trình thực hiện một số dự án, sau khi ký hợp đồng với nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao so với thực tế, làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án. Thêm nữa, việc xác định giá trị tiền sử dụng đất nộp ngân sách của dự án tại thời điểm đấu thầu còn nhiều vướng mắc, dẫn đến nhiều nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất, gặp khó khăn trong việc đánh giá chính xác được giá trị tiền sử dụng đất, cũng như hiệu quả đầu tư của dự án.