Nỗ lực khai thác “mỏ vàng” thuế thương mại điện tử
Nửa đầu năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% cùng kỳ. Sau nhiều năm bỏ ngỏ khoản thu đầy tiềm năng này, ngành thuế đang tìm cách khai thác “mỏ vàng” từ khu vực thương mại điện tử...
Chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội) kinh doanh đặc sản thịt gác bếp vùng Tây Bắc trên sàn thương mại điện tử Shopee đến nay được 8 năm, nghe tin có cửa hàng thời trang trẻ em phải nộp thuế, bị truy thu tới 1,7 tỷ đồng cùng nhiều gian hàng phải nộp hàng chục tỷ đồng, chị Hiền chủ động kê khai sớm và in số liệu kinh doanh trên sàn để báo cáo với cơ quan thuế.
TRUY THU VÀ XỬ PHẠT GẦN 300 TỶ ĐỒNG
Số thuế cá nhân kinh doanh phải nộp là 1,5% trên tổng doanh thu tích lũy nhiều năm qua, gồm 1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Dù tăng giá bán lên 10% trong một tháng gần đây song do giá thịt lợn tăng mạnh và phải nộp thêm phí để duy trì doanh thu trên sàn thương mại điện tử, chưa kể tiền thuế, chị Hiền than thở sau khi trừ đi các khoản phí coi như hoà vốn, kinh doanh thấy nản nhưng vẫn cố gắng bám trụ.
Pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, không thuộc đối tượng được miễn thuế thì phải nộp thuế theo quy định.
Theo cơ quan thuế, tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nhưng không chấp hành quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế sẽ bị áp dụng nhiều biện pháp chế tài.
Thứ nhất, đăng ký thuế, nộp hồ sơ khai thuế trễ hạn bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Thứ hai, chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định phải nộp tiền chậm nộp, mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp theo quy định tại Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
Thứ ba, trường hợp trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Hiện cơ quan thuế đang rà soát, truy thu thuế cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập từ thương mại điện tử; thanh kiểm tra với các doanh nghiệp hay rà soát thông tin tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng… Do đó, không chỉ chị Hiền mà nhiều người nộp thuế sốt sắng tự giác đăng ký thuế, nộp thuế và chủ động khắc phục hậu quả trước để tránh bị phạt, truy thu nặng hơn.
Chú trọng công tác thanh tra kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online, sau 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân) với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng.
KHÔNG BỎ SÓT LỌT NGUỒN THU
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam từ ngày 21/3/2022. Hiện có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế.
Trong 6 tháng đầu năm, các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng. Lũy kế từ thời điểm triển khai cổng thông tin điện tử đến nay, số thu ngân sách nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 15.613 tỷ đồng.
Ngoài việc tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử, Tổng cục Thuế cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong nội ngành thông qua nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế nhằm thu thập, làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử; đồng thời, phân quyền khai thác dữ liệu về các địa phương phục vụ công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cơ quan thuế cũng nâng cấp và triển khai công cụ rà quét thông tin các sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki) từ tháng 1/2024; nâng cấp ứng dụng kho cơ sở dữ liệu ngành thuế từ tháng 04/2024 bổ sung các báo cáo tổng hợp dữ liệu từ nguồn công cụ quét thông tin các sàn thương mại điện tử; nâng cấp ứng dụng kho cơ sở dữ liệu ngành thuế từ tháng 05/2024 bổ sung các báo cáo khai thác dữ liệu từ nguồn thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, tiếp tục hợp tác quốc tế với cơ quan thuế các nước và các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử…
Với việc triển khai các giải pháp nêu trên, nửa đầu năm 2024, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử lên tới 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023.
LÀM ĐẦY VÀ SẠCH DỮ LIỆU
Trao đổi với phóng viên VnEconomy, ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc, Trưởng bộ phận tư vấn thuế của KPMG tại Việt Nam & Campuchia, đánh giá cơ quan thuế Việt Nam đang làm tốt công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, bởi hiện có những khoản thu nhập từ kinh tế số bị bỏ lọt mà không quốc gia nào đánh thuế.
Hiện cơ quan thuế đang rà soát thông tin được cổng thông tin thương mại điện tử cung cấp nhưng đến nay mới có 18/361 sàn thực hiện việc cung cấp lại thông tin, đảm bảo đúng, đủ theo quy định.
“Còn nhà cung cấp nước ngoài hiện cung cấp dịch vụ ở Việt Nam nhưng họ không đăng ký kinh doanh, không có trụ sở ở Việt Nam nên phải thẳng thắn rằng quản lý thuế đang phụ thuộc vào sự tự giác của doanh nghiệp và hoạt động thanh tra, kiểm tra sau này”, lãnh đạo KPMG nhìn nhận.
"Thuế thương mại điện tử là nguồn thu trước giờ bị bỏ ngỏ, nay đã tận thu được hay chưa? Tôi nghĩ là chưa, bởi hiệu quả thu thuế còn phụ thuộc vào doanh nghiệp hoặc cá nhân có tự giác đăng ký, kê khai hay không, khi kê khai có báo cáo đúng khoản thu nhập nhận về hay không. Điều này đòi hỏi cả một quá trình và nhiều nỗ lực hơn nữa".
Trước đây, khi chưa có nền tảng số, cơ quan thuế thường quản lý thuế thông qua cơ sở thường trú, còn nay doanh nghiệp có thể đặt trụ sở ở bất cứ đâu và kinh doanh trực tuyến qua các nền tảng xuyên biên giới.
Để quản lý thuế hiệu quả với hoạt động thương mại điện tử, theo ông Dương, cần lưu ý các loại thuế đánh vào thu nhập của doanh nghiệp, cá nhân và thuế gián thu, thông thường là thuế giá trị gia tăng đánh vào hoạt động tiêu dùng, mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
Một số nước châu Âu đang triển khai thuế dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Tax), đây là một khoản thuế bắt buộc phải nộp cho chính phủ nước sở tại khi tiến hành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ hay kỹ thuật số như Netflix, Spotify…
Chia sẻ hướng đi tiềm năng trong tương lai khi số hóa quản lý thuế, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng sau khi phát triển các công cụ công nghệ mới, sự gia tăng đáng kể nguồn dữ liệu số và liên kết chặt chẽ hơn giữa cơ quan thuế và các cơ quan khác, công tác quản lý thuế sẽ chuyển sang giai đoạn 3.0, trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn.
Khi đó, chỉ cần thông qua chiếc điện thoại thông minh, khi người nộp thuế tiêu dùng bất cứ hàng hóa, dịch vụ gì thì điện thoại tự động liên kết và nộp thẳng số thuế đó cho cơ quan thuế...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2024 phát hành ngày 29/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam