07:00 04/08/2021

Quy chế đào tạo tiến sĩ: Bất cập quy định không bắt buộc công bố quốc tế

Thanh Xuân

Sau khi Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành, giới khoa học đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ…

Ảnh minh hoa.
Ảnh minh hoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ với nhiều điểm mới thay thế quy chế được ban hành tại Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT. 

CÔNG BỐ QUỐC TẾ LÀ YÊU CẦU KHÔNG THỂ THIẾU

Trong Thông tư 18, quy chế mới bổ sung việc công nhận bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước. Ngoài ra, quy chế cũng giảm thiểu những nội dung hướng dẫn chi tiết, thay vào đó, yêu cầu cơ sở đào tạo cụ thể hóa quy trình và thủ tục liên quan.

Đồng thời, người học sẽ được tạo điều kiện bảo lưu kết quả học tập trong thời gian nhất định. Quy chế mới điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn trong cùng một thời gian.

Đối với chuẩn đầu vào ngoại ngữ, theo quy định mới người dự tuyển có thể sử dụng các chứng chỉ quốc gia tương đương trình độ bậc 4 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Các mốc thời gian đào tạo tiến sĩ cũng thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo thực tiễn.

Trong các điểm mới của Thông tư 18, vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế không chỉ với nghiên cứu sinh mà cả với người hướng dẫn.

Có ý kiến cho rằng, điều này là thụt lùi, hạ chuẩn chất lượng đào tạo so với Thông tư 08 và không khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế. Từ đó có thể làm giảm sút chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Việc đăng tải các bài viết trên tạp chí khoa học quốc tế là yêu cầu bắt buộc. Chỉ khi các bài viết được các tạp chí quốc tế có uy tín chấp nhận thì mới được coi là bài báo khoa học. Đây là cách để đo đếm chất lượng của các bài  nghiên cứu khi làm luận án tiến sĩ. Chính quy định này đã góp phần siết chặt tình trạng đào tạo ra những tiến sĩ rởm".

Tiến sĩ Khuyến cho rằng, công bố quốc tế và giao lưu học thuật toàn cầu là yêu cầu không thể thiếu, giới khoa học Việt Nam không thể quay lưng với thế giới. "Thông tư 18, quy định không bắt buộc công bố quốc tế là một điều bất cập, là một bước thụt lùi. Thế giới sẽ nhìn nhận nền giáo dục Việt Nam như thế nào?”.

Còn GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến: “Tạp chí nước ngoài không phải loại nào cũng có giá trị. Đừng nghĩ rằng tất cả các tạp chí thế giới đều hơn các tạp chí Việt Nam, chỉ có một số tạp chí thôi. Hội đồng chấm thi các luận văn tiến sĩ ở Việt Nam chắc chắn phải đủ trình độ để đánh giá”.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÓI GÌ?

Trước việc nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều về quy chế đào tạo tiến sĩ mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng về vấn đề này.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT là một quy chế khung, bao gồm các quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình. Đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.

Ngoài ra, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại.

Trên thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí trong nước ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.

Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào. Song quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường giám sát hơn nữa, cùng với sự giám sát của giới khoa học, của toàn xã hội đối với quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong các cơ sở đào tạo.

Quy chế đã quy định rõ việc sinh hoạt chuyên môn của nghiên cứu sinh là quyền lợi và trách nhiệm, thực hiện như đối với giảng viên trợ giảng hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo.

Như vậy, việc đào tạo không thể tràn lan mà phải tập trung vào việc học thật, học có chất lượng. Nghiên cứu sinh phải cân nhắc kỹ khi quyết định theo học và cần phải được cơ quan cử đi học tập, nghiên cứu một cách chính thức theo hình thức chính quy.

Trong vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và giám sát việc thực hiện. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực và có giải pháp cả trong hoạch định chính sách và thực thi để hướng tới chất lượng thực chất.