09:59 08/12/2021

Ray Dalio: Một thảm hoạ kinh tế khác đang đến với Mỹ

An Huy

Nhà đầu cơ nổi tiếng Ray Dalio, người sáng lập công ty quản lý quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, từng dự đoán chính xác về khủng hoảng tài chính 2008. Giờ đây, ông cho rằng một thảm hoạ kinh tế khác đang đến với nước Mỹ...

Ray Dalio - Ảnh: CNBC.
Ray Dalio - Ảnh: CNBC.

Theo hãng tin CNBC, vị tỷ phú 72 tuổi vừa lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện của một thảm hoạ kinh tế mới, và ông khuyên các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc này.

“Tôi cho rằng có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột giữa chúng ta với Trung Quốc”, ông Dalio nói. “Chủ yếu là do hiểu lầm”.

Ông Dalio nhấn mạnh rằng các dự báo của ông không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực, trước đây ông cũng từng dự báo sai. Nhưng ông nói rằng các thảm hoạ trong tương lai là điều tất yếu, theo những gì đã diễn ra trong lịch sử suốt 500 năm qua.

Nói cách khác, nếu một cuộc xung đột Mỹ-Trung xảy ra mà không nhấn chìm kinh tế Mỹ, thì sẽ có một thứ khác. Dưới đây là lý giải của ông Dalio về việc tại sao một thảm hoạ kinh tế sắp đến, và hai lời khuyên của ông về chuẩn bị tài chính để vượt qua thảm hoạ đó:

LỜI KHUYÊN 1: ĐÁNH GIÁ RỦI RO

Trong cuốn sách mới nhất của mình “Principles for Dealing with the Changing World Order” (tạm dịch: “Các nguyên tắc để ứng phó với trật tự thế giới thay đổi”), ông Dalio viết rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm khiến Trung Quốc và văn hoá Trung Quốc trở nên “Mỹ hơn” có thể phản tác dụng, châm ngòi cho một cuộc xung đột.

Xung đột này có thể làm căng thẳng thêm chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia – cuộc chiến đã bắt đầu thời chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi năm 2018 và đã khiến nhiều công ty Mỹ phải giảm lương, chứng kiến tỷ suất lợi nhuận giảm sút, và phải tăng giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

Một nghiên cứu của Moody’s Analytics phát hiện ra rằng thương chiến đã khiến người Mỹ mất ít nhất 300.000 công việc chỉ trong năm đầu tiên. Năm ngoái, một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York cho thấy thương chiến đã khiến các công ty Mỹ mất tổng cộng 1,7 nghìn tỷ USD vốn hoá thị trường.

Trong một bài viết trên LinkedIn vào tuần trước, ông Dalio bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tránh khỏi bờ vực xung đột. “Những gì tôi nghĩ và những gì Bridgewater làm có tầm quan trọng rất nhỏ bé nếu so với nguy cơ ngày càng gia tăng về một cuộc xung đột Mỹ-Trung. Tôi hy vọng sẽ có sự chú tâm kỹ lưỡng tới vấn đề đó, sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai bên sẽ tăng lên, và nguy cơ xung đột sẽ giảm xuống”.

Trao đổi với CNBC, ông Dalio nói rằng cho dù điều gì xảy ra, ông vẫn có một nguyên tắc đơn giản trong việc tiếp cận với các sự kiện tương lai: “Nếu bạn lo lắng, thì thực chất bạn chẳng cần phải lo. Và nếu bạn không lo, thì đó chính là khi bạn phải lo”.

Ông giải thích rằng việc lo lắng sẽ khiến bạn phải đánh giá kỹ lưỡng hơn về những rủi ro của cá nhân bạn, và từ đó bạn sẽ có hành động để giải quyết vấn đề. Ví dụ, một rủi ro có thể là “địa điểm” – tức là nơi bạn sống và làm việc. Cuốn sách của Dalio bao gồm chỉ số “Health Index” (tạm dịch: “Chỉ số sức khoẻ”) đánh giá hơn 10 quốc gia dựa trên 18 yếu tố như gánh nặng nợ nần, sức mạnh quân sự và sản lượng kinh tế. Chỉ số này có thể được độc giả của cuốn sách xem như một căn cứ để đánh giá rủi ro và định hình chiến lược cho việc nên sống ở đâu và đầu tư vào đâu. Theo Forbes, ông Dalio thậm chí có ý định mở một website với dữ liệu thời gian thực cho chỉ số này.

Việc chuyển nơi sinh sống và làm việc dĩ nhiên là chuyện không dễ, nhưng ông Dalio nói đây là một việc nên cân nhắc trong những trường hợp đáng lo ngại về tài chính. “Linh hoạt là chìa khoá”, ông nói.

LỜI KHUYÊN 2: ĐA DẠNG HOÁ

Ông Dalio nói thêm rằng tương tự, bạn nên đo rủi ro tài chính của bạn dựa trên yếu tố lạm phát, thay vì trên số tiền mà bạn có. Chẳng hạn, nếu bạn có tiền mặt trong một tài khoản tiết kiệm, thì giá trị tích luỹ của khoản tiền đó có thể khác với khi bạn đầu tư, vì tiền mặt bị “đánh thuế” bởi lạm phát.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bạn chỉ nên đầu tư chứ không nên gửi tiết kiệm hay ngược lại. Theo ông Dalio, trong những thời điểm có biến động, khoản dự trữ để dùng trong trường hợp khẩn cấp của bạn cần được cấp tiền từ một danh mục đầu tư an toàn và đa dạng.

Lời khuyên thứ hai của ông Dalio là hãy tiết kiệm và đa dạng hoá danh mục đầu tư.

Bước đi đầu tiên của ông Dalio để đạt tới một danh mục mạnh là đánh giá chiến lược đầu tư hiện tại của bạn, nếu bạn đã có một chiến lược, để xác định xem bạn có thể đủ sống trong thời gian bao lâu nếu thất nghiệp. “Việc xác định được kịch bản xấu nhất và lên kế hoạch chuẩn bị luôn mang lại lợi ích”, ông nói.

Bước tiếp theo là đảm bảo rằng tất cả số tiền đó của bạn không cùng nằm ở một chỗ. “Tiền mặt không phải là một kênh đầu tư an toàn”, ông Dalio nói, nhất là khi lạm phát leo thang, như lạm phát ở Mỹ hiện đang cao nhất hơn 3 thập kỷ. Thay vào đó, ông khuyến nghị một danh mục đầu tư đa dạng nhất có thể, bao gồm từ trái phiếu cho tới vàng, thậm chí là những tài sản số như tiền ảo.

Hồi tháng 5, ông Dalio tiết lộ rằng cá nhân ông có sở hữu “một lượng nhỏ” Bitcoin, dù trước đó ông đã nhiều lần chỉ trích tiền ảo. Lý do mà ông Dalio đưa ra trong cuộc trao đổi với CNBC: Đây là một sự phòng hộ, với mục đích duy nhất là đa dạng hoá danh mục.

“Tôi cho rằng những người thích Bitcoin, hoặc những người thích vàng không nên đổ hết tiền vào đó hoặc chẳng mua một tí nào”, ông nói.