16:06 05/12/2022

Sau 11 tháng, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chỉ đạt 11% dự toán

Ánh Tuyết

Sau 11 tháng, trong khi các khoản thu, sắc thuế về đích sớm thì thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chỉ đạt 11%, không đảm bảo tiến độ dự toán...

11 tháng vừa qua, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỷ đồng, thu về 1.100 tỷ đồng.
11 tháng vừa qua, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỷ đồng, thu về 1.100 tỷ đồng.

Thông tin về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, thứ nhất, về tình hình cổ phần hóa, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt. Theo đó Bộ Tài chính ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang, đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021, thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Trước đó, theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tiến độ cổ phần hoá không đạt theo yêu cầu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn của Chính phủ, đạt 30% kế hoạch.

Thứ hai, về tình hình thoái vốn, trong tháng 11 ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 66,4 tỷ đồng thu về 309,7 tỷ đồng, gấp tới 4,66 lần giá trị sổ sách.

 

Như vậy, lũy kế 11 tháng năm 2022 ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 592,9 tỷ đồng, thu về 3.671,4 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần giá trị sổ sách.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Tiền Giang với giá trị 1,1 tỷ đồng thu về 6,1 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn thành công tại 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Điện máy với giá trị là 61,4 tỷ đồng thu về 276 tỷ đồng và thoái tại Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 15 với giá trị 3,8 tỷ đồng thu về 27,5 tỷ đồng.

Thông tin chi tiết các thương vụ thoái vốn 11 tháng vừa qua, theo Bộ Tài chính, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỷ đồng, thu về 1.100 tỷ đồng.

Cùng với đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại 2 doanh nghiệp với giá trị là 73 tỷ đồng, thu về 89 tỷ đồng.

Cùng với đó, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thoái vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á với giá trị là 0,06 tỷ đồng, thu về 0,35 tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với giá trị 60,3 tỷ đồng thu về 1.072 tỷ đồng và thoái vốn tại Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì với giá trị là 0,004 tỷ đồng thu về 0,026 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một trong hai khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán khi mà sau 11 tháng mới thu đạt 11%, hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Bộ Tài chính cho hay, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ và tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.

Đồng thời, bộ tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

 

Theo kế hoạch vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phê duyệt, giai đoạn 2022 - 2025 sẽ thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thoái vốn tại 141 doanh nghiệp và giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.

Theo đó sẽ thực hiện thoái vốn tại 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, bán toàn bộ 90,45% tại Công ty cổ phần Tư vấu đầu tư và Phát triển rau hoa quả; bán toàn bộ 49,04% vốn tại Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng; bán toàn bộ 38,58% vốn tại Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã VGC); bán toàn bộ 20,91% vốn tại Công ty cổ phần Dịch vụ Truyền hình viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom); bán toàn bộ 70,05% vốn tại CTCP Truyền hình cáp Hà Nội; bán toàn bộ 65,21% vốn tại CTCP Điện tử Giảng Võ...