Singapore siết chặt bảo mật trong lĩnh vực dịch vụ tài chính kỹ thuật số
Singapore siết chặt an ninh dịch vụ tài chính số, chuẩn bị ứng phó rủi ro từ điện toán lượng tử…

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đang lên kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu và bảo mật cho các dịch vụ tài chính số, thông qua việc triển khai cơ chế “dự phòng” cho hệ thống thanh toán điện tử NETS tại điểm bán hàng (POS), đồng thời phát triển giải pháp tương tự cho thanh toán bằng mã QR, theo Tech Node Global.
Tại buổi công bố Báo cáo Thường niên MAS 2024/2025 vừa qua, Tổng Giám đốc Cơ quan Tiền tệ Singapore, ông Chia Der Jiun cho biết, năm nay MAS đặc biệt chú trọng đến tính ổn định của dịch vụ thanh toán bán lẻ. Theo ông, MAS đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận với Tập đoàn NETS cùng nhóm ngân hàng trong suốt năm qua, và sẽ sớm ra mắt giải pháp cho mọi hệ thống điểm bán hàng điện tử NETS.
“Cơ chế này cho phép khách hàng tiếp tục thanh toán không tiếp xúc tại điểm bán hàng, trong phạm vi giới hạn giao dịch, ngay cả khi hệ thống ngân hàng tham gia bị gián đoạn”, ông Chia cho biết.
MAS cũng sẽ hợp tác với một số tổ chức tài chính (FIs) để phát triển giải pháp tương tự cho hình thức thanh toán bằng mã QR – phương thức ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thanh toán kỹ thuật số ổn định là sứ mệnh trọng yếu. “Dịch vụ tài chính kỹ thuật số hiện trở thành một phần thiết yếu trong giao dịch hàng ngày của người tiêu dùng, do đó việc đảm bảo tính ổn định vận hành của dịch vụ là nhiệm vụ sống còn đối với tổ chức tài chính”, ông Chia nhấn mạnh.
Ông cảnh báo rằng bất kỳ sự gián đoạn kéo dài nào cũng không chỉ gây bất tiện lớn cho khách hàng mà còn có nguy cơ xói mòn niềm tin của công chúng đối với tổ chức tài chính.
MAS kỳ vọng các tổ chức tài chính phải duy trì mức độ sẵn sàng và ổn định cao đối với dịch vụ chủ chốt mà họ cung cấp, đồng thời phải có khả năng khôi phục dịch vụ một cách an toàn và nhanh chóng khi xảy ra sự cố.
Để làm được điều này, theo ông Chia, tổ chức tài chính cần áp dụng tiêu chuẩn gián đoạn và phục hồi không chỉ cho hệ thống mà còn cho chính các dịch vụ. Việc này đòi hỏi tổ chức phải lên kế hoạch đảm bảo khả năng vận hành liên tục, kết nối giữa nhiều hệ thống để dịch vụ không bị ngắt quãng.
MỐI ĐE DỌA TỪ ĐIỆN TOÁN LƯỢNG TỬ

Bên cạnh rủi ro hiện hữu, MAS nhấn mạnh ngành tài chính cần bắt đầu xây dựng khả năng chống chịu trước mối đe dọa trong tương lai, trong đó đáng chú ý là rủi ro mạng phát sinh từ điện toán lượng tử.
“Dù công nghệ điện toán lượng tử chưa đạt mức độ trưởng thành, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng có thể khiến kỹ thuật mã hóa hiện tại trở nên lỗi thời, đặt dữ liệu khách hàng và giao dịch tài chính vào vòng nguy hiểm”, ông Chia cảnh báo.
Nhằm đối phó sớm với nguy cơ từ khả năng giải mã của điện toán lượng tử, MAS đã thực hiện loạt thử nghiệm đánh giá khả năng áp dụng giải pháp bảo mật “an toàn lượng tử” trong lĩnh vực tài chính.
Vào tháng 11/2024, MAS và Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France) công bố hoàn tất một thử nghiệm quan trọng, sử dụng Mật mã hậu lượng tử (Post-Quantum Cryptography) nhằm bảo vệ kênh liên lạc điện tử quốc tế.
MAS cũng hoàn thành thử nghiệm “hộp cát” (sandbox) với công nghệ Phân phối khóa lượng tử (Quantum Key Distribution – QKD), khi hợp tác với một số ngân hàng và đối tác công nghệ. Mục tiêu là đánh giá việc sử dụng QKD để bảo vệ thông tin tài chính nhạy cảm.
“Chúng tôi sẽ sớm công bố báo cáo kỹ thuật chi tiết về kết quả và bài học rút ra. Báo cáo cũng chỉ ra thách thức nào cần tiếp tục nghiên cứu. Chúng tôi tin rằng, ngành tài chính sẽ tiếp tục phát triển giải pháp để ứng dụng QKD rộng rãi trong tương lai”, ông Chia nói.
MAS tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang hệ thống mã hóa an toàn lượng tử. Trước đó vào tháng 2/2024, MAS ban hành khuyến nghị về biện pháp mà tổ chức tài chính cần cân nhắc trong quá trình này.
Do việc chuyển đổi là phức tạp và kéo dài, MAS sẽ bắt đầu làm việc với một số tổ chức để xây dựng lộ trình chuyển đổi, trong đó có việc đánh giá kho mã hóa hiện tại và xác định tài sản quan trọng cần ưu tiên chuyển đổi sang hệ thống an toàn lượng tử.
THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH BỀN VỮNG VÀ CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG
Song song với việc nâng cao năng lực số, MAS còn huy động đối tác thông qua nền tảng Đối tác Chuyển đổi Tài chính Châu Á (FAST-P) để giảm rủi ro đầu tư và thúc đẩy dòng vốn tư nhân cho các dự án xanh và chuyển đổi năng lượng.
Ông Chia cho biết, văn phòng FAST-P đã ra đời cùng đội ngũ điều hành chuyên trách. Văn phòng chịu trách nghiệm triển khai khoản vốn ưu đãi lên tới 500 triệu USD từ Chính phủ Singapore, đồng hành cùng nguồn vốn từ đối tác khác trong ba mối quan hệ đối tác chính thuộc FAST-P.
Văn phòng FAST-P tuyên bố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công ty quản lý tài sản, ngân hàng, nhà đầu tư thương mại và ưu đãi để thúc đẩy giải pháp tài chính kết hợp sáng tạo phục vụ hạ tầng bền vững trong khu vực.
Song song đó, MAS đang hợp tác với đối tác trong ngành thông qua Liên minh Tín chỉ Chuyển đổi (TRACTION) để phát triển hệ thống tín chỉ chuyển đổi có độ tin cậy cao, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình loại bỏ điện than và thay thế bằng năng lượng sạch.
Dựa trên báo cáo tạm thời đã công bố – trong đó xác định yếu tố then chốt nhằm đảm bảo tính minh bạch và uy tín – TRACTION dự kiến công bố báo cáo cuối cùng tại Hội nghị COP30, bao gồm yếu tố hỗ trợ mở rộng quy mô và củng cố niềm tin vào thị trường tín chỉ chuyển đổi, ông Chia cho biết.