Tăng mức bồi dưỡng cho nhân viên rà phá bom mìn lên 350.000 đồng/ngày/người
Từ ngày 1/12/2024, chế độ bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom mìn sẽ tăng từ 180.000 đồng/người/ngày lên mức 350.000 đồng…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 16/2024/QĐ-TTg ngày 14/10/2024 về chế độ bồi dưỡng đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Theo Quyết định, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có), và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Nâng mức hưởng chế độ bồi dưỡng lên mức 350.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.
Trong ngày thực tế làm việc, nếu thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ dưới 4 giờ, thì được tính bằng một nửa ngày; từ đủ 4 giờ trở lên được tính 1 ngày.
Nguồn kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng đối với đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh quy định ở trên, được tính trong chi phí của dự án theo đơn giá nhân công trên 1 ha diện tích quy định cho khu vực khảo sát rà phá bom, mìn, vật nổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Trước đó, Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg sửa đổi Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ, quy định đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh được hưởng nguyên lương theo ngạch bậc, cấp bậc, quân hàm và phụ cấp lương (nếu có).
Đồng thời, họ được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, và hưởng sinh hoạt phí mức 180.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại khu vực dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ.
Việc nâng chế độ bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh từ 180.000 đồng/người/ngày lên mức 350.000 đồng/người/ngày nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cùng với đó, kịp thời động viên, khích lệ quân nhân, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích còn bị ô nhiễm, cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại màu xanh cho những vùng đất, cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Hiện cả nước có trên 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn, và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.