Thành lập liên danh thầu, tự ý dừng hợp tác có bị phạt?
Trong các thỏa thuận hợp tác đều quy định về mức phạt do vi phạm hợp đồng nhưng trong một số trường hợp, doanh nghiệp tự ý chấm dứt hợp đồng thì chưa chắc đã bị phạt vì phải làm rõ lỗi của các bên...
TAND TP Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty T. và Công ty C. về việc thành lập liên danh thầu.
ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
TAND TP Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty T. và Công ty C. về việc thành lập liên danh thầu.
Theo hồ sơ, ngày 21/12/2021, hai doanh nghiệp ký biên bản thỏa thuận hợp tác để tham gia đấu thầu cho gói thầu số 3.4: “Thi công xây dựng công trình san nền và thoát nước, khảo sát thiết kế bản vẽ thi công” thuộc dự án “Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1”.
Thỏa thuận cũng quy định về áp dụng xử phạt tương ứng 10% giá trị gói thầu với trường hợp thành viên của liên danh từ chối hoàn thành trách nhiệm riêng.
Theo quy định tại Hồ sơ mời thầu gói thầu số 3.4 của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam – CTCP thì thời hạn đóng thầu là ngày 16/1/2022. Theo tiến trình, các bên phải cùng nhau chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ năng lực đến thời điểm ngày trên. Tuy nhiên ngày 11/1/2022, Công ty C. đơn phương chấm dứt thỏa thuận hợp tác giữa các bên.
Công ty T. khởi kiện ra tòa án, đề nghị buộc đối tác phải chịu tiền phạt vi phạm 10% giá trị hợp đồng.
DOANH NGHIỆP KHÔNG CÓ LỖI
Tòa phúc thẩm cho rằng hợp đồng có nội dung: các thành viên tự nguyện cam kết để hình thành, tập hợp các đơn vị cho việc tham gia dự gói thầu trên, giao cho Công ty T. làm đầu mối để tìm kiếm thêm đối tác liên danh nhằm đảm bảo năng lực dự thầu. Hai bên cam kết không được tự ý tham gia độc lập hoặc liên danh hoặc làm thầu phụ với bên thứ 3 khác để tham gia dự thầu.
Xem xét các bước chuẩn bị hồ sơ dự thầu thấy rằng, Công ty T. đã thông báo mời các đối tác liên danh tham gia nhưng các công ty này từ chối vì nhận thấy khối lượng yêu cầu (thiết bị, tài chính) của hồ sơ mời thầu là quá lớn, thời gian để chuẩn bị hồ sơ dự thầu quá ngắn, tính khả thi của việc trúng thầu không cao. Việc này không liên quan, không phải do lỗi của Công ty C.
Về phía công ty C. cũng nỗ lực tham gia thỏa thuận bằng cách đề nghị tập đoàn cung cấp bảo lãnh dự thầu số tiền 31,5 tỷ đồng, cam kết cung cấp tín dụng giá trị 122,5 tỷ đồng.
Theo Công ty C., do thời gian đóng thầu sắp hết nên ngày 11/1/2022, công ty ngừng hợp tác vì nhận thấy nếu liên danh này thành lập được lúc này thì cũng không còn đủ thời gian làm công tác chuẩn bị tham gia đấu thầu, hồ sơ năng lực biện pháp thi công.
Mặt khác, theo báo cáo tài chính và hồ sơ năng lực của Công ty T. cung cấp thì thấy doanh thu các năm 2020-2021 không có, hoạt động kinh doanh rất thấy (thể hiện chi phí cho quản lý hoạt động kinh doanh 32 triệu đồng). Trang thiết bị xây dựng không có nhiều mà hầu hết là đi thuê của doanh nghiệp xây dựng khác. Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp chỉ là hạng II nên không đạt tiêu chuẩn nhà thầu chính hay phụ của gói thầu số 34.
Như vậy thì 3 điều kiện năng lực tham gia gói thầu của Công ty T. theo quy định của hồ sơ mời thầu là năng lực triển khai các công việc tương tự, năng lực tài chính, máy móc phục vụ thi công đều không có.
Theo quy định tại mục 2, chương III thông tư số 05/2015/TTBKHĐT quy định tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư: “Đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực kinh nghiệm của các thành viên liên doanh song phải đảm bảo từng viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nhgiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm trách trong liên danh. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng được năng lực kinh nghiệm thì nhà thầu đó được đánh giá là không đáp ứng được yêu cầu ”.
Như vậy, Công ty T. buộc phải mời thêm đối tác để liên danh và trên thực tế dù có mời thì Công ty T. không thể là một nhà thầu trong liên danh vì không đủ điều kiện.
Với lý do trên, tòa án nhận thấy, việc Công ty C. dừng hợp tác là đúng thỏa thuận theo tình hình thực tế nên công ty không có lỗi.
Việc dừng hợp tác không vi phạm quy định thỏa thuận. Vì theo khoản 3, điều 1, biên bản thỏa thuận thì khoản phạt chỉ áp dụng khi đã trúng thầu. Thực tế, các bên chưa thành lập liên danh, không tham gia đấu thầu nên chưa trúng thầu.
Tòa án cho rằng, đây là thỏa thuận sơ bộ bên đầu để các bên tiến hành các bước tiếp theo là tìm kiếm đối tác, ký kết liên danh, chuẩn bị hồ sơ dự thầu…, chưa phát sinh quyền và nghĩa vụ của thành viên liên danh. Vì vậy, tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T.