14:00 16/08/2021

Thị trường viễn thông đang “ngấm đòn” Covid 

Thủy Diệu

Đến trung tuần tháng 4/2021, nhiều doanh nghiệp viễn thông còn “hồ hởi” với hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đúng kế hoạch và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Nhưng từ khoảng cuối tháng 4, khi “làn sóng Covid thứ 4” bắt đầu bùng phát, “dư địa tăng trưởng” của nhà mạng từng bước bị thu hẹp và xóa mờ...

Tính đến hết tháng 6/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66,29 nghìn tỷ đồng (tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước) - ảnh minh họa.
Tính đến hết tháng 6/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66,29 nghìn tỷ đồng (tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước) - ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66,29 nghìn tỷ đồng (tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, dịch vụ viễn thông di động mặt đất đạt khoảng 46,33 nghìn tỷ (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ viễn thông cố định mặt đất đạt 19,27 nghìn tỷ (tăng khoảng 14,85% so với cùng kỳ).

Việt Nam có khoảng 126,35 triệu thuê bao điện thoại, (giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước), trong đó số thuê bao điện thoại di động chiếm 123,03 triệu (tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước), số thuê bao điện thoại cố định khoảng 3,32 triệu (giảm 3,61% so với cùng kỳ năm trước).

Làn sóng Covid thứ 4 chưa phản ánh đầy đủ nhất vào bức tranh kinh doanh viễn thông 6 tháng đầu năm 2021 bởi mức độ ảnh hưởng của đại dịch này vẫn đang hoành hành ở những tháng sau đó và thời điểm hiện nay. Do vậy, trong  báo cáo kết quả kinh doanh và thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm được các nhà mạng (các doanh nghiệp nhà nước) đưa ra vẫn còn chút màu hồng tăng trưởng…

Trong số ba doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VNPT, MobiFone, thì mức tăng trưởng của MobiFone trong nửa đầu năm được xem là ấn tượng nhất. Cụ thể, báo cáo tài chính giữa niên độ của MobiFone cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của nhà mạng này là 15.212 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.038 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020, và hoàn thành 41,5% kế hoạch năm.

CÚ BẺ LÁI CỦA LÀN SÓNG COVID THỨ 4

Doanh nghiệp viễn thông lớn nhất là Viettel cho biết: 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của tập đoàn này đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tất nhiên con số này được Viettel phát ra theo “con đường thông cáo báo chí” mà chưa có sự đối chứng trên bảng báo cáo tài chính được công bố công khai.

 
“Dịch Covid lần thứ 4 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh tháng 5, tháng 6 và hơn 1 tháng của quý 3 bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Phó Tổng giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam.

Đối với Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dường như kém may mắn hơn. Theo báo cáo bán niên 2021 của tập đoàn này, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNPT đạt 18.422 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2.399 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với cùng kỳ, tới 12,6%. Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận khác tăng mạnh nên tổng lợi nhuận trước thuế của VNPT vẫn đạt 2.792 tỷ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ.

Tuy vậy, bức tranh tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các nhà mạng trên được cộng hưởng từ những tháng kinh doanh ổn định và tăng khá trước khi có “làn sóng Covid thứ 4” ập đến. “Dịch Covid lần thứ 4 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh tháng 5, tháng 6 và hơn 1 tháng của quý 3 bị ảnh hưởng rất nhiều”, Phó tổng giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam cho hay. Theo ông, sản lượng bán hàng từ hoạt động viễn thông di động truyền thống (dịch vụ gọi và sms) từ nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6 đến nay giảm từ 10-15% tùy từng thời điểm, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận chung của doanh nghiệp.

Doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của ba "ông lớn" viễn thông Viettel, VNPT và MobiFone.
Doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của ba "ông lớn" viễn thông Viettel, VNPT và MobiFone.

Tổng Giám đốc nhà mạng VinaPhone Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng đà tăng trưởng của nhà mạng đã bị “chặn” lại bởi việc bùng phát của dịch Covid lần 4 từ cuối tháng 4/2021. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Giang, đỉnh dịch Covid lần này không rơi vào 6 tháng đầu năm nên những khó khăn, ảnh hưởng chưa thể phản ánh đầy đủ trong bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2021, mà nặng nhất (tác động bởi Covid) sẽ rơi vào quý 3, thậm chí quý 4 năm nay - nhất là khi tình hình dịch bệnh hiện vẫn đang rất phức tạp.

Theo ông Trường Giang, trong một hai tháng vừa qua, không ít ngày doanh thu của nhà mạng tại những tỉnh thành phố bị dịch Covid nặng như Tp.HCM hay Bình Dương đã bị sụt giảm tới trên 10% so với những tháng trước đó. Theo tìm hiểu, doanh thu từ dịch vụ trả trước (chiếm tỷ trọng khoảng trên 70% dịch vụ viễn thông di động, còn lại là trả sau) của nhiều nhà mạng đều rơi vào tình trạng âm. Có nhà mạng còn âm tới trên 5%. 

Do đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 4 kéo dài ngày, với quy mô rộng và ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều so với các lần trước, việc hầu hết người dân ở các tỉnh thành phố đều chuyển sang trạng thái làm việc trực tuyến khiến nhu cầu kết nối di động giảm cực mạnh. “Ở nhà mọi người dùng Internet cáp quang, wifi, trong khi giá các gói Internet cố định không thay đổi, thậm chí nhà mạng còn tăng thêm băng thông, còn thuê bao di động thì có khi mỗi ngày chỉ sử dụng một hai cuộc gọi, cá biệt không ít thuê bao không phát sinh cuộc gọi”, lãnh đạo một nhà mạng lớn chia sẻ.

TIA SÁNG DỊCH VỤ SỐ, CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đại diện của Viettel thừa nhận diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của Viettel. 95% điểm bán tại Tp.HCM và 80% điểm bán tại Hà Nội phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động. Thuê bao di động suy giảm do người dân giảm bớt số lượng SIM và tiêu dùng viễn thông.

Trong bức tranh không mấy xán lạn trên và mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn được cho sẽ rơi vào kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm, nhưng trong hệ sinh thái và dải sản phẩm của các nhà mạng vẫn xuất hiện những tia sáng, tuy nhỏ và chưa thể là trụ đỡ chính nhưng được xem sẽ hỗ trợ đáng kể cho đà suy giảm từ các dịch vụ cốt lõi của nhà mạng. Đó là các dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ số, chuyển đổi số… 

 
Dù vậy, tỷ trọng các dịch vụ mới như chuyển đổi số, dịch vụ số, dịch vụ công nghệ thông tin… còn quá bé nên vẫn chưa thể bù đắp “khoảng trống” mà các dịch vụ viễn thông truyền thống “để hở” bởi những xu hướng công nghệ mới và tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

MobiFone cho biết, doanh thu từ data và các dịch vụ công nghệ thông tin, giá trị gia tăng và nội dung số là những điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của nhà mạng, điều này cho thấy sự dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng của các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ số trong cơ cấu hệ thống các sản phẩm dịch vụ của MobiFone bên cạnh dịch vụ viễn thông truyền thống.

“MobiFone đang quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang công ty công nghệ, cung cấp hạ tầng số, dịch vụ số và nội dung số”, Phó Tổng giám đốc MobiFone, ông Bùi Sơn Nam nói, đồng thời cho biết trong nửa đầu năm 2021 nhà mạng này đã hoàn thiện và ra mắt sản phẩm ví điện tử MobiFonePay - miếng ghép quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái số MobiFone - và sẵn sàng tham gia chính thức cung cấp dịch vụ Mobile Money và dịch vụ trung gian thanh toán di động.

Theo lãnh đạo VinaPhone, các dịch vụ tăng trưởng mạnh của nhà mạng này gồm dịch vụ công nghệ thông tin (tăng khoảng 30%), dịch vụ data tăng 17-18%. Đặc biệt trong các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số có sản phẩm tăng trưởng tới 200%, trung bình là 30-40%, do đó cũng đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tập đoàn Viettel cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị cũng như ứng dụng triệt để công nghệ để thúc đẩy kinh doanh và chăm sóc khách hàng trên các kênh trực tuyến  nên đã hoàn thành các mục tiêu trong 6 tháng đầu năm trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Cụ thể, Viettel tập trung triển khai hạ tầng, nâng cao chất lượng mạng lưới, áp dụng công nghệ tự động kiểm soát, tự tối ưu chất lượng từng cuộc gọi, tự phân tích nguyên nhân lỗi, đưa ra giải pháp cho 70% cuộc gọi/phiên tồi với độ chính xác 85-90%. Các ứng dụng công nghệ cũng giúp cho 95% khách hàng đã có thể tự chăm sóc, tự phục vụ các yêu cầu của mình mà không cần đến cửa hàng giao dịch.

Theo các doanh nghiệp viễn thông, cùng với những dịch vụ số, chuyển đổi số trên, những dịch vụ phù hợp với thời Covid như truyền hình, Internet cố định, các dịch vụ ở nhà như home camera, dịch vụ âm nhạc… thì vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay, doanh thu từ các dịch vụ viễn thông di động cơ bản (gồm gọi, SMS) vẫn chiếm tới khoảng 65-70% trong tổng cơ cấu doanh thu của các nhà mạng.

Chính vì vậy, tỷ trọng các dịch vụ mới như chuyển đổi số, dịch vụ số, dịch vụ công nghệ thông tin… còn quá bé so với doanh thu khổng lồ hàng chục nghìn tỷ đồng của các dịch vụ viễn thông truyền thống, do đó vẫn chưa thể bù đắp “khoảng trống” mà các dịch vụ viễn thông truyền thống “để hở” bởi những xu hướng công nghệ mới và tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.