Thuốc nội địa có thể tham dự thầu cùng thuốc của Châu Âu
Quy định mới về việc đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập cho phép thuốc sản xuất tại Việt Nam có thể tham dự thầu cùng thuốc của các nước Châu Âu, Mỹ
Đây là một trong những điểm mới trong Thông tư 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập vừa được Bộ Y tế thông tin.
Thông tư số 15/2019/TT-BYT (Thông tư số 15) thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 (Thông tư số 11) quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được Bộ Y tế ban hành ngày 11/7/2019.
Theo Bộ Y tế, Thông tư số 15 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu điểm đã đạt được của Thông tư số 11 và điều chỉnh, bổ sung những quy định mới phù hợp với Luật Dược năm 2016, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.
Đồng thời, bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đấu thầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phát triển ngành Dược.
Thông tư này có nhiều điểm mới, trước hết là việc phân chia các nhóm thuốc tại các gói thầu theo tiêu chí kỹ thuật được xây dựng chặt chẽ, minh bạch và yêu cầu cao hơn nhằm mục tiêu lựa chọn được các thuốc chất lượng, giá cả phù hợp.
Đồng thời, góp phần thực hiện Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" cho thuốc sản xuất tại Việt Nam có thể tham dự tất cả các nhóm nếu đáp ứng tiêu chí kỹ thuật. Trong đó, thuốc sản xuất tại Việt Nam có thể tham dự thầu cùng thuốc của các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật….
Việc phân chia nhóm thuốc để khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ các thuốc nước ngoài để sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh, vắc xin, sinh phẩm.
Thứ hai là bổ sung các quy định để khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu thông qua tiêu chí kỹ thuật GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu).
Trường hợp, vị thuốc cổ truyền, dược liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn GACP thì các cơ sở y tế vẫn có thể lựa chọn được các vị thuốc cổ truyền, dược liệu theo các nhóm khác để đảm bảo nhu cầu điều trị.
Thứ ba, công tác lựa chọn nhà thầu tại các cơ sở y tế, các đơn vị mua sắm thuốc tập trung công khai, minh bạch hơn như: quy định việc ghi dạng bào chế thuốc khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu để khuyến khích dạng bào chế hiện đại, thuốc công nghệ cao khắc phục lạm dụng dạng bào chế không phổ biến.
Cùng với đó, đảm bảo thống nhất cách ghi dạng bào chế; quy định việc phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu sẽ giúp các cơ sở y tế chủ động mua thuốc cấp cứu, chống độc, thuốc gây nghiện…
Thông tư cũng quy định rõ về thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Qua đó, đã rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu của đơn vị.
Bên cạnh đó, thông tư này cũng bổ sung quy định nhằm tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu như: quy định rõ yêu cầu về doanh thu, số năm báo cáo tài chính và hợp đồng tương tự theo hướng ưu tiên nhà thầu mới thành lập đủ năng lực, kinh nghiệm tham dự thầu.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Thông tư số 15 cơ bản giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu tại cơ sở y tế. Đồng thời, giúp cho việc tổ chức lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị mua sắm tập trung, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đơn giản hóa, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, các quy định chặt chẽ về phân chia nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật sẽ giúp lựa chọn thuốc có chất lượng cao phục vụ nhân dân, cũng như khuyến khích công nghiệp dược Việt Nam ngày càng phát triển.