16:18 18/01/2024

Việc chọn thương hiệu SJC để sản xuất vàng miếng có tạo ra độc quyền doanh nghiệp?

Tùng Thư

Sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, Công ty SJC không còn được trực tiếp sản xuất vàng miếng mà chỉ được kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ….

Kể từ ngày 25/5/2012 (ngày Nghị định 24 có hiệu lực), Nhà nước độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua Ngân hàng Nhà nước.
Kể từ ngày 25/5/2012 (ngày Nghị định 24 có hiệu lực), Nhà nước độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua Ngân hàng Nhà nước.

Trước năm 2012, cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng được thực hiện theo Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ. Tuy nhiên kể từ năm 2008 đến năm 2012, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, lạm phát gia tăng và tăng nhu cầu nắm giữ vàng trong nền kinh tế. Với việc giá vàng thế giới biến động tăng mạnh, cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng giai đoạn này đã bộc lộ những bất cập và hạn chế.

Cụ thể, các quy định khá thông thoáng, không phân tách rõ 03 thị trường (vàng miếng, vàng nguyên liệu và vàng trang sức, mỹ nghệ, không có các quy định quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng miếng được coi là hàng hóa thông thường và các quy định về chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng không thống nhất, còn phân tán, không rõ ràng, do vậy đã tạo nhiều kẽ hở trong quản lý.

Trong giai đoạn này, mỗi khi giá vàng biến động, thị trường xuất hiện “cơn sốt vàng” do tâm lý người dân bị xáo trộn, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thường gây sức ép lên tỷ giá chính thức USD/VND, ảnh hưởng bất lợi tới thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại hối Nhà nước, càng làm gia tăng tình trạng “vàng hóa”, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

6 GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG VÀNG

Trước những bất cập của thị trường vàng giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) với 2 mục tiêu chính nhằm: (i) Tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; (ii) hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Nghị định 24 đã đưa ra 6 giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chỉ có Ngân hàng Nhà nước được phép sản xuất vàng miếng, kể từ ngày 25/5/2012, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng.

Thứ ba, tổ chức và cá nhân chỉ được mua bán vàng miếng tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

 

Trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng ra đời, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng diễn ra tự do tại gần 12.000 doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý và gia tăng nguy cơ ”vàng hóa” nền kinh tế.

(Ngân hàng Nhà nước)

Thứ tư, tổ chức xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Thứ năm, nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Thứ sáu, hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện phải được cấp Giấy chứng nhận. 

Song song đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hiệu quả thị trường vàng theo khuôn khổ pháp lý mới mà nòng cốt là Nghị định 24, bao gồm: (1) văn bản quy định về chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng; (2) văn bản quy định về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường của Ngân hàng Nhà nước (3) văn bản quy định về hoạt động sản xuất vàng miếng và (4) văn bản quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, trong đó có hoạt động kinh doanh vàng.

VÌ SAO CHỌN SJC SẢN XUẤT VÀNG MIẾNG?

Kể từ ngày 25/5/2012 (ngày Nghị định 24 có hiệu lực), Nhà nước độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng; không tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng. Đây là biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường và ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu.

Căn cứ Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) gia công vàng miếng SJC cho Ngân hàng Nhà nước. 

 

Việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng của Ngân hàng Nhà nước không tạo ra độc quyền doanh nghiệp vì Công ty SJC không còn được trực tiếp sản xuất vàng miếng mà chỉ kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ như các doanh nghiệp được phép khác.

Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước lý giải, trước khi Nghị định 24 được ban hành, trên thị trường có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành. Tuy nhiên vàng miếng SJC chiếm trên 90% lượng vàng miếng trong lưu thông. Đồng thời, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đều thuê Công ty SJC gia công lại thành vàng miếng SJC. Như vậy, thương hiệu SJC là thương hiệu có uy tín, được thị trường chấp nhận và chiếm tỷ trọng giao dịch lớn nhất.

“Để có thương hiệu vàng miếng riêng, Nhà nước phải bỏ nhiều vốn đầu tư để xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất vàng miếng thương hiệu của mình. Việc Ngân hàng Nhà nước có thương hiệu vàng miếng có thể gây tốn kém lớn (tài chính, thời gian) cho người dân khi chuyển đổi từ các thương hiệu vàng miếng khác sang thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng khác SJC cũng dẫn đến chi phú chuyển đổi rất lớn của người dân”, Ngân hàng Nhà nước lý giải và cho biết thực tế trong suốt thời gian triển khai, năng lực gia công vàng miếng của SJC đến nay vẫn đáp ứng được nhu cầu vàng miếng của thị trường.

Việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện trên cơ sở có sự đồng ý của UBND Tp Hồ Chí Minh (cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty SJC) và Công ty SJC. Các bên đã thống nhất Ngân hàng Nhà nước được sử dụng miễn phí thương hiệu vàng miếng SJC và theo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Công ty SJC phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm vàng miếng SJC và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng của Ngân hàng Nhà nước không tạo ra độc quyền doanh nghiệp vì Công ty SJC không còn được trực tiếp sản xuất vàng miếng. Từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC chỉ còn chức năng chính là kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ như các doanh nghiệp được phép khác. Việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng miếng dựa trên cơ sở thực tiễn, pháp lý và vì lợi ích của xã hội, của người dân.