08:52 05/12/2021

Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế: Lạm phát không là mối lo

Ngân Hà

Nền kinh tế đang phục hồi theo mô hình chữ U thay vì chữ V như nhiều quốc gia khác. Vì vậy, không thể chần chừ trong việc tung ra các gói chính sách phục hồi và phát triển kinh tế nhất là khi lạm phát khó có khả năng bùng phát...

Lạm phát không phải là nỗi lo lớn khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là các chính sách thiết kế cần được thực thi ngay.
Lạm phát không phải là nỗi lo lớn khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là các chính sách thiết kế cần được thực thi ngay.

“Đối với nhiều quốc gia, Covid-19 chỉ là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc. Vì thế, họ phục hồi rất nhanh theo hình chữ V. Trong khi ở Việt Nam, ngoài Covid-19, chúng ta còn đối mặt với rất nhiều vấn đề mang tính cấu trúc nên nền kinh tế phục hồi theo hình chữ U chứ không phải chữ V”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Vì vậy, theo vị chuyên gia, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay cấp bách hơn rất nhiều; trong đó, có việc xem xét, tính toán các gói cứu trợ, phục hồi và tăng tốc nền kinh tế trong thời gian nhanh nhất.

Tuy nhiên, việc tung ra các chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trị giá hàng tỷ USD khiến nhiều người lo ngại về rủi ro lạm phát mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong 1-2 năm tới nhất là khi giá cả thị trường thế giới đang có xu thế tăng.

NỖI LO TỪ ĐÌNH TRỆ

Song theo PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính (Học viện Tài chính), vấn đề đáng ngại bây giờ là mức lạm phát thấp do trì trệ gây ra chứ không phải áp lực từ bên ngoài.

“Phải nói chính xác là lạm phát thấp do đình trệ chứ không phải thấp trong điều kiện kinh tế bình thường. Hơn nữa, con số thấp này là đã tính toán tới tác động của sự tăng giá của các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào, do đó, nếu không thì lạm phát có thể ở mức âm”, ông Cường nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2016 và cũng trái ngược với quy luật mọi năm, nghĩa là thay vì tăng cao do chịu tác động từ các yếu tố như “cầu kéo, chi phí đẩy” thì lạm phát năm nay lại bị kéo lùi bởi chính các yếu tố này.

“Trong 2 tháng gần đây, chỉ số bán lẻ hàng hóa đều có mức tăng rất thấp, nghĩa là tổng cầu giảm mạnh. Trong khi đó, tổng cung cũng giảm do hoạt động kinh tế bị ngưng trệ do tác động của giai đoạn giãn cách kéo dài vừa qua. Ngoài ra, luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế chậm, vòng quay của cung tiền giảm mạnh, trước khoảng 2 lần, giờ chỉ còn khoảng dưới 1 lần”, ông Cường nói.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê cũng cho rằng do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức thấp so với mục tiêu 4%. Tuy vậy, theo ông Lâm, áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn.

“Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước, đặc biệt là giá xăng dầu”, ông Lâm phân tích.

Mặc dù có rủi ro nhập khẩu lạm phát do giá cả nguyên vật liệu thế giới tăng cao, nhưng theo PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, khả năng bùng phát lạm phát không cao, trừ khi có cú sốc nào đó vì cầu trong nước đang rất thấp, không đủ sức để “kéo” lạm phát.

“Do đó, lạm phát không phải là nỗi lo lớn khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là các chính sách thiết kế cần được thực thi ngay”, ông Cường nhấn mạnh.

KHÔNG NÊN CHẦN CHỪ

Tuy nhiên, khi bàn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam đang rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh. Hầu hết là các gói hỗ trợ mang tính gián tiếp giãn, hoãn thuế… với tổng giá trị quy đổi chưa tới 1% GDP.

“Chính sách tài khóa năm 2021 không có mục nào liên quan tới chống Covid-19. Cả giai đoạn 2021-2025 cũng không thấy có, mà chỉ nhắc tới việc dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều này cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước”, ông Nghĩa bày tỏ. Vì thế, vị chuyên gia cho rằng cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để điều hành nền kinh tế nhất là trong tình trạng khẩn cấp.

Cũng băn khoăn như TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết ông chưa nhìn thấy gói chương trình nào trong kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022 cũng như kế hoạch ngân sách 2022.

“Liệu rằng chúng ta sẽ để nền kinh tế phục hồi một cách tự nhiên mà không có bất kỳ hỗ trợ nào? Trên thế giới, không một quốc gia nào làm như thế này. Vấn đề cấp bách bây giờ là phải nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ có thể thực thi luôn”, ông Cung nói.

Ở góc độ quốc tế, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lại cho rằng cho dù có thể có dư địa tài khóa nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam còn dư địa thời gian và năng lực để thực hiện các chương trình này hay không?

Hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới như Mỹ và Trung Quốc… đang đối mặt với 2 thách thức. Đó là lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cầu kéo, tức là số tiền bỏ ra cách đây 2 năm giờ phát huy tác dụng. Vì vậy, nhiều quốc gia đang từng bước thắt chặt chính sách tài khóa, tăng lãi suất để kiểm soát tình hình.

Trong khi đó, các giải pháp của Việt Nam trong 2 năm qua vẫn chủ yếu dựa vào hỗ trợ gián tiếp từ chính sách tiền tệ với sự thận trọng lớn. Điều này cho thấy Việt Nam dường như “chậm nhịp” với thế giới nhất là khi nhìn vào những khó khăn hiện hữu của cả doanh nghiệp và người lao động đang vô cùng nặng nề.

“Chúng ta có đi theo hay đi ngược xu hướng siết tài khóa và tiền tệ của thế giới?”, ông Cường đặt tiếp câu hỏi.

Tuy nhiên, với việc Việt Nam sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Minh Cường cho rằng đã đến đến ngưỡng phải cân nhắc về sự an toàn. Theo đó, đại diện ADB khuyến nghị chính sách tài khóa nên là trụ cột chính, bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.

Theo tính toán của ADB và các tổ chức khác, các chính sách tài khóa của Việt Nam mới chiếm tỷ lệ khoảng 2% GDP, là mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn có dư địa để tăng lên.

“Nhưng quan trọng hơn cả là hiệu quả của chính sách. Nếu không thực hiện nhanh và hiệu quả thì việc xây dựng đủ số lượng cũng không có ý nghĩa nhiều với nền kinh tế và doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.