13:04 18/07/2014

5 câu hỏi trong vụ nhà báo Trung Quốc nổi tiếng bị bắt

Diệp Vũ

Nhà báo Rui có thể có mối liên hệ, dù chỉ là gián tiếp, với Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc

Rui, 37 tuổi, đã bị các công tố viên dẫn giải đi ngay trước giờ phát 
sóng của Tin tức Kinh tế hôm thứ Sáu. Vụ bắt giữ nhà báo nổi tiếng này 
là một phần trong một cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn.
Rui, 37 tuổi, đã bị các công tố viên dẫn giải đi ngay trước giờ phát sóng của Tin tức Kinh tế hôm thứ Sáu. Vụ bắt giữ nhà báo nổi tiếng này là một phần trong một cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn.
Khi chương trình Tin tức Kinh tế được phát sóng tuần trước trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV), hàng triệu người xem đã nhận thấy một điều bất thường: chiếc ghế của người dẫn quen thuộc trong chương trình này, nhà báo nổi tiếng Rui Chenggang, bị bỏ trống.

Rui, 37 tuổi, đã bị các công tố viên dẫn giải đi ngay trước giờ phát sóng của Tin tức Kinh tế hôm thứ Sáu. Vụ bắt giữ nhà báo nổi tiếng này là một phần trong một cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn.

Rui được coi là một trong những người dẫn chương trình truyền hình xuất sắc nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất ở Trung Quốc. Danh tiếng của Rui đã nổi như cồn kể từ khi anh dẫn đầu một chiến dịch thành công “hất cẳng” cửa hiệu cà phê Mỹ Starbucks ra khỏi Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Bởi vậy, vụ bắt giữ Rui đã khiến giới truyền thông toàn cầu chú ý.

Hãng tin CNN đã đưa ra 5 điểm đáng chú ý quanh vụ bắt giữ nhà báo Rui.

Rui nổi tiếng tới mức nào?

Là gương mặt chủ chốt của kênh thông tin tài chính-kinh tế thuộc CCTV, Rui giữ vai trò dẫn chương trình quan trọng nhất của kênh này - chương trình Tin tức Kinh tế. Số người xem chương trình này mỗi tối ước tính lên tới hơn 10 triệu người.

Nói tiếng Anh trôi chảy và thông thạo văn hóa phương Tây, Rui thường là người được CCTV chọn cho các cuộc phỏng vấn các vị lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Rui đã phỏng vấn hàng trăm tên tuổi lớn từ Bill Clinton tới Bill Gates. Mối quan hệ của Rui với những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới đã được anh miêu tả trong hai cuốn tiểu sử của mình, và cả hai đều là những cuốn sách bán chạy nhất.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, Rui có hơn 10 triệu người theo dõi (follower), giữ vị trí nhân vật CCTV được quan tâm nhất trên truyền thông xã hội.

Tại sao Rui lại gây tranh cãi?

Mấu chốt của vấn đề nằm ở tính dân tộc chủ nghĩa của Rui. Danh tiếng của Rui nổi lên như cồn kể từ vụ đánh bật Starbucks ra khỏi Tử Cấm Thành vào năm 2011. Rui gọi việc cửa hiệu cà phê Mỹ hiện diện trong một di tích lịch sử Trung Quốc là sự xâm lấn văn hóa. Chiến dịch đó của Rui mang đến cho anh cả sự ủng hộ và cả những lời chỉ trích.

Tính dân tộc chủ nghĩa của Rui còn được thể hiện rõ khi anh thường xuyên bảo vệ các chính sách của Chính phủ Trung Quốc trên trường quốc tế và “dìm hàng” các quan chức Mỹ.

Năm 2010, khi Tổng thống Barack Obama nói muốn dành câu hỏi cuối cùng trong một cuộc họp báo ở Seoul cho báo giới Hàn Quốc, Rui tuyên bố: “Thực ra, tôi là người Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ tôi có thể đại diện cho toàn bộ châu Á”.

Năm 2011, tại một diễn đàn kinh tế, Rui đã hỏi Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc khi đó là Gary Locke rằng: “Các đồng nghiệp của tôi nói là ông bay bằng vé hạng bình dân tới đây. Liệu điều đó có nhắc nhở ông về việc Mỹ vẫn nợ tiền Trung Quốc?”

Vì sao Rui gặp rắc rối?

Tin đồn về rắc rối của Rui rộ lên từ tháng trước khi người bảo trợ lâu năm của anh là ông Guo Zhenxi, Giám đốc kênh tài chính của CCTV, bị bắt giữ vì nghi án nhận tiền hối lộ. Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, vụ bắt giữ Rui có liên hệ mật thiết với vụ bắt giữ ông Guo cũng như cuộc điều tra nhằm vào nghi án ông này lợi dụng các nguồn lực của CCTV để trục lợi cho bản thân.

Một số bài viết cho hay, khi đã là một nhà báo của CCTV, Rui đồng sáng lập một công ty quan hệ công chúng (PR) có tên Pegasus vào năm 2002 và giữ vai trò là một cổ đông quan trọng (dù chỉ nắm cổ phần thiểu số) trong công ty này trong hơn 8 năm. Sau khi Pegasus được công ty PR Edelman của Mỹ mua lại vào năm 2007, CCTV trở thành khách hàng của công ty này trong 2 năm khi Rui vẫn còn là một cổ đông của Pegasus.

Vì sao vụ bắt giữ Rui lại quan trọng?

Vụ bắt giữ Rui được cho là diễn biến mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi nói về quyết tâm không bỏ qua cho bất kỳ ai ở bất kỳ cương vị nào trong chiến dịch này, ông Tập tuyên bố ông sẽ “đả cả hổ lẫn ruồi”.

Gần đây, CCTV đã điểm 35 vụ “đả hổ”, trong đó có tướng về hưu Từ Tài Hậu, người từng giữ vai trò Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Đặt trong tương quan so sánh, có vẻ như nhà báo Rui bị coi là “ruồi” trong chiến dịch của ông Tập Cận Bình.

Tuy vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, Rui có thể có mối liên hệ, dù chỉ là gián tiếp, với Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an kiêm cựu Ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang bị đồn là “con hổ” lớn nhất đang bị điều tra. Ông Guo, sếp của Rui tại CCTV, từ lâu được cho là thuộc vây cánh của Chu Vĩnh Khang.

Dư luận Trung Quốc phản ứng ra sao?

Sau cú sốc ban đầu, hàng nghìn người hâm mộ đã để lại tin nhắn trên trang Weibo của Rui để bày tỏ tiếp tục ủng hộ anh. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra vui mừng trước cú “ngã ngựa” của nhà báo nổi tiếng này.

“Qua đó có thể thấy được tiếng xấu của những người đại diện cho tiếng nói của Bắc Kinh”, một người bình luận có tên Michael Anti viết.

Tờ Nhân dân Nhật báo có vẻ như khiên cưỡng đáp trả bằng một bài bình luận đăng trên báo mạng: “Rui không phải là một phát ngôn viên của chủ nghĩa yêu nước. Căn cứ duy nhất cho tội trạng và sự trừng phạt dành cho anh ta chỉ có thể dựa trên bằng chứng và pháp luật, và chẳng có liên quan gì đến lòng yêu nước.