14:26 30/10/2023

An Giang: Ngân hàng kết nối doanh nghiệp tìm giải pháp tăng trưởng tín dụng

Trần Trọng Triết

Đã qua hơn 1/3 chặng đường của năm 2023, tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang mới tăng trưởng 3,78%. Để tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp/hợp tác xã và hộ kinh doanh, từ đầu năm 2023 ngành ngân hàng An Giang đã 4 lần tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp...

Đại diện doanh nghiệp tại An Giang chia sẻ khó khăn khi tiếp cận tín dụng.
Đại diện doanh nghiệp tại An Giang chia sẻ khó khăn khi tiếp cận tín dụng.

Tại hội nghị kết nối Giám đốc vùng An Giang của Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời, ông Võ Văn Vang cho biết, hiện nay, nhu cầu vay vốn ngân hàng cho việc xây dựng các cánh đồng liên kết rất lớn.

NÔNG DÂN VÀ HỢP TÁC XÃ KHÓ TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI TÍN DỤNG 

"Đơn cử đối với ngành lúa gạo, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha để ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân, hợp tác xã; và khoảng 15 triệu đồng/ha để thanh toán khi mua lúa hàng hóa. Nếu tính chung cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi vụ lúa nông dân và các hợp tác xã cần vay khoảng 30 - 40 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp cần khoảng 60 - 80 nghìn tỷ để bao vật tư đầu vào và thanh toán khi vào vụ mua lúa”, ông Vang ước tính.

Còn Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, Nguyễn Văn Tắc nêu khó khăn: “Đơn vị hiện đang vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 200 triệu đồng, có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, đơn vị đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đề nghị ngân hàng cho đơn vị được vay vốn theo cơ chế vay vốn tín dụng ưu đãi. 

 

Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến cuối tháng 9 năm 2023, đạt 105.938 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cuối năm 2022, với 1.444 hồ sơ khách hàng pháp nhân và 298.426 hồ sơ khách hàng thể nhân đang có quan hệ vay vốn ngân hàng. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp là 26.300 tỷ đồng, chiếm 24,83% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, so với cuối năm 2022, tăng 6,88%.

Ông Trần Minh Chánh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang.

Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Phú huyện Thoại Sơn Nguyễn Phi Sơn Hổ cho biết đang gặp khó khăn vay vốn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và mong muốn của đơn vị đối với chính sách hỗ trợ tín dụng của nhà nước dành cho hợp tác xã. Hiện đơn vị đang vay vốn tại Agribank An Giang số tiền 2,5 tỷ đồng theo hình thức thế chấp tài sản thành viên HTX để phục vụ hoạt động, đang muốn tăng hạn mức vốn vay thêm 2 tỷ đồng thời hạn 2 năm, lãi suất ưu đãi.

Để kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp tiếp tục được gắn kết, Giám đốc TPBank chi nhánh An Giang, bà Trần Thị Lối, cho biết hiện tại ngân hàng TPBank chi nhánh An Giang đã sát cánh cùng Tập đoàn Lộc Trời đầu tư vốn trong chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn, đã cấp hạn mức tín dụng cho Tập đoàn Lộc Trời 6 nghìn tỷ đồng bằng hình thức đảm bảo bằng dòng tiền xuất khẩu gạo và hợp đồng vùng nguyên liệu với nông dân.

Bên cạnh TPBank còn có HDBank và MB cũng tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời. Do đó, việc thiếu vốn cho doanh nghiệp thu mua gạo xuất khẩu là đảm bảo không thiếu vốn.

Đối với các hợp tác xã trên địa bàn, Phó giám đốc Agribank chi nhánh An Giang Trần Thanh Hải cho biết Agribank An Giang là ngân hàng tiên phong đáp ứng nhu cầu vốn vay cho các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh trong việc sản xuất kinh doanh.  Về dư nợ cho vay chương trình tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 55 của Chính phủ) đạt 66.367 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cuối năm 2022, chiếm 62,65% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 15.862 tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2022; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 13.695 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2022.

Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ của Agribank An Giang là 183 tỷ đồng, với doanh số cho vay từ đầu chương trình là 790 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 15,71 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 95 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 2.554 tỷ đồng. Tín dụng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ với tổng dư nợ là 32 tỷ đồng, với tổng số hộ vay là 236 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 94 tỷ đồng. Cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là 43.594 tỷ đồng, tăng 3,17% so với năm 2022, với 183.863 lượt khách hàng.

DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA MONG MUỐN CÓ TỔ HỖ TRỢ TÍN DỤNG

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, trăn trở hiện hiệp hội có trên 300 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí siêu nhỏ còn hạn chế với việc tiếp cận vốn vay ngân hàng do vốn tự có mỏng, chưa biết làm phương án sản xuất kinh doanh, sổ sách kế toán còn sơ sài. Tại hội nghị kết nối, bà Chi đề nghị cần thành lập tổ tư vấn tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc lập phương án sản xuất kinh doanh khả thi và sổ sách kế toán.

 

Theo Cục Thống kê An Giang, hiện toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 doanh nghiệp và 6.000 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 285.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cho biết, hiện các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua lúa gạo, thủy sản và trái cây lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn lúa gạo, thủy sản và trái cây tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.

Doanh nghiệp chia sẻ đến nay vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng, chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức, thật sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đề nghị xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm: Hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn.

Để tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp lĩnh vực nông sản, Phó giám đốc VPBank chi nhánh An Giang cho biết, hiện VPBank chi nhánh An Giang đang có rất nhiều chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần tài sản thế chấp miễn sao đảm bảo quản lý dòng tiền vào ra an toàn. Hạn mức cho vay lên đến 10 tỷ đồng.

Giải pháp trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang tiếp tục chỉ các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục tích cực gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp tại các địa phương để nắm bắt và giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động ngân hàng, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Trường hợp có khó khăn vướng mắc trong quá trình vay vốn nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng, doanh nghiệp phản ánh về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang qua số điện thoại đường dây nóng.