Cuộc cách mạng “công nghiệp xanh” trong ngành ô tô, xe máy

Lê Vũ
Không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải từ động cơ đốt trong, các doanh nghiệp, tập đoàn trong ngành công nghiệp ô tô tại nhiều quốc gia đang từng bước cải thiện môi trường trong khai thác, sử dụng vật liệu và trong mỗi quy trình sản xuất. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp cam kết chuyển đổi sang “công nghiệp xanh”, đồng hành với Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với con người và môi trường.

Ưu tiên vật liệu nhân tạo và có thể tái chế

Các hãng xe lớn trên thế giới đang không ngừng sáng tạo các vật liệu thay thế da động vật trên nội thất ô tô. Ảnh: Bloomberg.
Các hãng xe lớn trên thế giới đang không ngừng sáng tạo các vật liệu thay thế da động vật trên nội thất ô tô. Ảnh: Bloomberg.

Với một chiếc ô tô, một trong những tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn là ghế ngồi êm ái, bền bỉ và sang trọng. Một chiếc ghế bọc da thật từ động vật như bò, hổ, cá sấu có thể đáp ứng toàn bộ các tiêu chí này. Đó cũng là lý do da thật luôn được ưu tiên sử dụng trong các phiên bản xe cao cấp hay xe siêu sang. Điều này cũng xảy ra tại những ngành nghề khác như nội thất, thời trang.

Việc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng hoạt động tội phạm săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu, khiến nhiều loài động vật biến mất, một số loài bị đe dọa tuyệt chủng. Đối với ngành chăn nuôi phục vụ sản xuất da và len cũng đang thải ra 14,5% lượng khí nhà kính trên toàn cầu (theo Liên Hợp Quốc). Do đó, ngoài việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì mỗi nhà sản xuất cũng phải chủ động tìm kiếm, sáng tạo ra các vật liệu thay thế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và sự sang trọng cho sản phẩm.

Tuy nhiên, thật may mắn khi các nhà lãnh đạo của những tập đoàn xe hơi hàng đầu thế giới đã nhìn nhận thấu đáo và đạt được tiếng nói chung trong vấn đề này. Trong đó, Land Rover là hãng xe tiên phong phát triển vật liệu thay thế da thuộc trong sản xuất ô tô. Cụ thể, các sản phẩm nội thất của nhiều mẫu xe thế hệ mới của hãng xe này đều sử dụng vật liệu tổng hợp như sự kết hợp giữa len và polyester (loại vải tổng hợp có thành phần cấu tạo từ than đá, dầu mỏ và không khí), hoặc vỏ chai tái chế. Mercedes thì sử dụng Artico, một loại vật liệu da tổng hợp dựa trên vinyl, thậm chí sử dụng da lộn sợi nhỏ được tái chế từ quần áo cũ, chai nhựa. Audi và Volkswagen cũng sử dụng da tổng hợp để bọc các chi tiết như ghế, tựa đầu, bệ tì tay. Volvo sản xuất nội thất ô tô từ các vật liệu như Nordico (dạng sợi dệt từ chai nhựa tái chế), gỗ và nút chai tái chế. Thậm chí, một số dòng siêu xe mới của Ferrari cũng nói không với da thật, thay vào đó chỉ sử dụng một loại da tổng hợp thân thiện với môi trường có tên gọi Mycro Prestige. BMW cho biết, những mẫu xe mới được sản xuất gần đây có ít nhất 29% cấu thành từ vật liệu tái chế, trong đó chủ yếu là nhựa, nhôm và sắt...

“Xanh” hóa quy trình sản xuất

Các nhà sản xuất Nhật Bản được thế giới đánh giá cao về tiêu chuẩn chất lượng và thân thiện với môi trường. Ảnh: Niterra Việt Nam
Các nhà sản xuất Nhật Bản được thế giới đánh giá cao về tiêu chuẩn chất lượng và thân thiện với môi trường. Ảnh: Niterra Việt Nam.

Một nghiên cứu của YouGov cho thấy, 52% người dùng Mỹ tin rằng xe điện là giải pháp quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, không bất ngờ khi số đông người dùng Mỹ bình chọn Tesla là hãng sản xuất ô tô thân thiện với môi trường nhất thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Toyota, tiếp theo là Chevrolet, BMW và Honda.

Một nghiên cứu khác của Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace năm 2022 lại khẳng định, General Motors (GM) mới là hãng xe thân thiện với môi trường số một thế giới. Điều này xuất phát từ tiêu chí đánh giá của mỗi cuộc nghiên cứu khác nhau. Ví dụ, tiêu chí đánh giá của Greenpeace là mức độ cải thiện của các hãng xe trong quá trình chuyển đổi sản xuất xe không phát thải, mục tiêu khí hậu của các hãng, quy trình khử cacbon trong chuỗi cung ứng... Trong đó, GM đạt điểm số cao nhất về mức độ cải thiện, cụ thể là doanh số bán xe điện tăng 8% so với năm 2021.

Tuy nhiên, nếu xét về bề dày lịch sử và đánh giá chung của người dùng, các thương hiệu đến từ Nhật Bản, mặc dù không nằm trong top đầu trong các cuộc đánh giá gần đây, nhưng vẫn là những thương hiệu được cả thế giới biết đến về sự bền bỉ, ổn định. Một chiếc ô tô của Toyota có thể chạy đến 2 triệu km vẫn chưa bị hỏng, điều mà chỉ có một số ít nhà sản xuất của Mỹ và Châu Âu làm được. Lý do chính đến từ quy trình sản xuất khắt khe đã ăn sâu, bám rễ trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia phát triển khác của Châu Âu đã từng có thời kỳ chỉ tập trung phát triển công nghiệp nặng, ít quan tâm đến vấn đề về môi trường. Hậu quả, trong những năm 1912-1973, đất nước này đã hứng chịu hàng loạt vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây chấn động thế giới. Năm 1993, Nhật Bản ban hành Luật Môi trường, quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Chính phủ Nhật Bản còn ban hành các đạo luật về thuế, phí nhằm khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiết kiệm năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch và tái chế rác thải. Các chính sách, pháp luật đã dần đi vào cuộc sống của từng doanh nghiệp, hộ gia đình, đặc biệt là lớp trẻ. Lâu dần, các doanh nghiệp Nhật Bản đều thiết lập hệ thống tiêu chuẩn riêng trong quy trình sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường. Điều này cũng được kế thừa, phát huy tại những chi nhánh, công ty trực thuộc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Vai trò tích cực của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ

Liên kết, hợp tác giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm ra các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường. Ảnh: Niterra Việt Nam
Liên kết, hợp tác giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm ra các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường. Ảnh: Niterra Việt Nam.

Một chiếc ô tô được cấu tạo từ hơn 30.000 chi tiết, linh kiện, phụ kiện và rất nhiều trong số đó do các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất, cung ứng. Do đó, để sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường thì mỗi chi tiết cấu thành cũng phải được sản xuất trong dây chuyền “xanh”.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đánh cược với vận mệnh của mình khi lựa chọn chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang mô hình thân thiện với môi trường. Nếu thành công, doanh nghiệp đó sẽ tỏa sáng và vươn lên trở thành đầu ngành trong lĩnh vực sản phẩm của mình; ngược lại sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí phá sản.

Sau hơn 87 năm hình thành và phát triển, từ ngày 01/04/2023, Tập đoàn NGK Spark Plug chính thức chuyển đổi thành Tập đoàn Niterra. Theo đó, Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam) cũng chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Niterra Việt Nam và có một loạt thay đổi về chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về bước đi táo bạo này, ông Trần Thanh Kha, Giám đốc Công ty TNHH Niterra Việt Nam cho biết: “Tầm nhìn, sứ mệnh của chúng tôi là góp phần đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, tạo ra nhiều giá trị mới cho khách hàng, thị trường Việt Nam. Do đó, ngay từ năm nay, công ty sẽ chuyển đổi từng bước sang những sản phẩm thân thiện với môi trường, bao gồm các sản phẩm liên quan đến công nghệ sinh học như gốm cao cấp sử dụng trong lĩnh vực y học, chip điện tử (sử dụng trong cảm biến khí thải ô tô)”.

Cuộc cách mạng “công nghiệp xanh” trong ngành ô tô, xe máy - Ảnh 1

Nổi tiếng với sản phẩm bugi, hiện tại, sản phẩm mang thương hiệu NGK này đang chiếm lĩnh 100% thị phần OEM tại Việt Nam, trên 80% thị phần tại mảng thị trường thay thế. Điều này cho thấy, cho dù là doanh nghiệp dẫn đầu và dư địa tăng trưởng các sản phẩm phục vụ xe động cơ đốt trong (ICE) vẫn còn rất dài, nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam như Niterra đang sớm có ý thức chuyển đổi sang mô hình sản xuất thân thiện với môi trường hơn.

“Dĩ nhiên điều này sẽ có rất nhiều thách thức. Một trong số đó là thói quen của người tiêu dùng chưa thực sự thay đổi tương thích với vấn đề bảo vệ môi trường. Đồng thời, chi phí để thay đổi về mặt công nghệ, trang thiết bị rất lớn so với sản xuất theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, Niterra chấp nhận đầu tư rất lớn về vấn đề này, cộng thêm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới xây dựng hệ sinh thái an toàn, thân thiện với môi trường trong tương lai”, ông Kha cho biết thêm.

Tương tự các doanh nghiệp Nhật Bản khác, Niterra cũng sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất đã được “xanh” hóa. Theo đó, các nhà máy ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ hoạt động thường nhật. Bên cạnh đó là hệ thống cây xanh, hồ nước tạo không khí trong lành. Toàn bộ khí CO2 sản sinh đều được xử lý một cách tối đa. Tất cả không gian, bài trí, robot, tự động hóa đều hướng đến triết lý chung là thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh, sạch.

“Tại nhà máy chính của tập đoàn chúng tôi, toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất đã được xanh hóa. Chúng tôi ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ hoạt động của nhà máy. Chúng tôi có hệ thống cây xanh, hồ nước tạo không khí trong lành. Toàn bộ khí CO2 sản sinh đều được xử lý một cách tối đa. Tất cả không gian, bài trí, robot, tự động hóa đều hướng đến triết lý chung là thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh, sạch. Điều đó cũng đang hiện diện tại Niterra Việt Nam” ông Kha nói.

Hiện tại, trong tổng số hàng nghìn linh kiện, phụ tùng ô tô mà các doanh nghiệp Việt Nam đã tự chủ, sản xuất được trong nước, đa phần đều đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nhà sản xuất Nhật Bản, Mỹ và tiêu chuẩn chung của Châu Âu.

THACO, doanh nghiệp đầu ngành về công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam cũng đã thành công thành lập Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải (THACO INDUSTRIES), xây dựng Trung tâm Cơ khí với quy mô hàng đầu Việt Nam và Trung tâm R&D. Chính phủ cũng kỳ vọng THACO INDUSTRIES trở thành doanh nghiệp đi đầu và tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam khác cùng tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cao bảo vệ môi trường và các giá trị nhân bản, tiến bộ xã hội. Đặc biệt, THACO INDUSTRIES thể hiện tính tiên phong, hướng đến các dòng sản phẩm thân thiện môi trường.

Có thể thấy, các nhà sản xuất ô tô, xe máy cũng như các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang rất tích cực tham gia lộ trình xanh hóa của ngành. Trong khi chờ đợi sự thay đổi mang tính đột phá về công nghệ lõi thì các giải pháp sử dụng vật liệu nhân tạo, vật liệu tái chế trong sản xuất sản phẩm được cho là khá phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có sự chuyển đổi một cách có hệ thống về năng lượng sử dụng trong ngành ô tô, xe máy để mỗi phương tiện giao thông trở nên an toàn, thân thiện với môi trường. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực và dấn thân của mỗi doanh nghiệp, sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và sự đón nhận, ủng hộ của người tiêu dùng.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.