Khi nào người dân được sử dụng VNeID để thay thế giấy tờ xe?
Đã tích hợp vào VNeID nhưng chưa chính thức được áp dụng
Tại Điều 18 Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định, cảnh sát giao thông có quyền đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ có liên quan để kiểm soát.
4 loại giấy tờ được kiểm soát bao gồm: Giấy phép lái xe (GPLX); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe); Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định.
Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử.
Như vậy, về nguyên tắc, từ ngày 15/9/2023, người dân đã tích hợp được giấy tờ xe nào vào tài khoản định danh điện tử VNeID có thể tham gia giao thông mà không cần mang theo giấy tờ đó bên mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường hợp chưa thể tích hợp được thông tin GPLX, đăng ký xe vào VNeID. Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an thực hiện đồng bộ được khoảng 35 triệu bản ghi GPLX. Trong đó, liên Cục đã xác thực thành công hơn 31,3 triệu bản ghi GPLX với dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm hệ thống định danh tự động tra cứu để hiển thị lên ứng dụng VNeID cho công dân.
Hiện vẫn còn khoảng 20 triệu bản ghi GPLX, chủ yếu là GPLX mô tô chưa thể đồng bộ. Lý do là những GPLX này đều bằng vật liệu giấy bìa, được cấp từ trước năm 1995 đến tháng 7/2013, trên giấy phép chỉ ghi năm sinh, không đầy đủ ngày, tháng sinh của công dân. Do đó, để thực hiện tích hợp GPLX vào VNeID thì điều đầu tiên cần làm là chuyển đổi GPLX từ bản giấy sang thẻ nhựa (PET). Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, người dân có thể thực hiện thủ tục đổi GPLX tại nhà bằng cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hoàn toàn trên môi trường mạng, không cần phải đến đơn vị có thẩm quyền như trước đây.
Một số trường hợp người dân đã tích hợp thành công GPLX vào VNeID, nhưng khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT vẫn yêu cầu xuất trình GPLX để kiểm soát do... chưa có văn bản hướng dẫn thực thi.
Trả lời về vấn đề này, tại Tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, cho biết cơ quan chức năng cần thời gian để chuẩn bị các trang thiết bị đọc dữ liệu và tập huấn nghiệp vụ, đồng thời cũng cần thời gian để người dân tiếp tục tích hợp GPLX và các loại giấy tờ khác vào VNeID. “Khi nào mọi người sẵn sàng thay đổi thói quen và hạ tầng hoàn thiện sẽ chính thức áp dụng”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nói.
Cũng theo Điều 18 Thông tư số 32/2023/TT-BCA, ngay cả khi đã áp dụng kiểm tra giấy tờ xe trên VNeID, người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ gốc trong các trường hợp: tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả; vi phạm giao thông thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ.
Cần có thời gian để đưa quy định pháp luật vào cuộc sống
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, việc ban hành một chính sách, pháp luật nhưng chưa thể triển khai “trôi chảy” trên thực tiễn là chuyện không hiếm. Sau khi Luật ban hành sẽ có các Nghị định quy định chi tiết về việc thực thi Luật. Tuy nhiên, để có căn cứ thực hiện, cơ quan Nhà nước cần có các văn bản cụ thể để hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt, với những quy định đang có sự chồng chéo về mặt văn bản giữa các Bộ, ngành thì càng cần phải có hướng dẫn cụ thể.
“Mặc dù có quy định cho phép người dân sử dụng thông tin về giấy tờ xe trên VNeID từ ngày 15/9, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để lực lượng CSGT thực hiện trên thực tế. Bên cạnh đó, VNeID chỉ có giá trị thay thế giấy tờ xe bản gốc khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khó khăn nhất khi số hóa dữ liệu trên giấy tờ xe của công dân là vấn đề đồng bộ, cập nhật thông tin phải đầy đủ, chính xác tuyệt đối. Trong bối cảnh xã hội đang ở giai đoạn chuyển tiếp về thông tin, dữ liệu dân cư từ văn bản giấy lên môi trường số, việc rà soát, đồng bộ dữ liệu cũ và mới sẽ tốn nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Việc này đòi hỏi sự tham gia đồng bộ, tích cực của các Bộ, ngành có liên quan và sự hợp tác, chấp hành của người dân.
Bên cạnh đó, để thực hiện kiểm soát giấy tờ xe trên VNeID, lực lượng CSGT cần được trang bị các thiết bị kỹ thuật có khả năng quét mã QR, chip điện tử; được tập huấn kỹ thuật và quy trình kiểm tra giấy tờ trên ứng dụng.
Theo Điều 49 Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đối với các loại giấy tờ phải cần có khi tham gia giao thông, trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo. Dự kiến, sau khi được Quốc hội thông qua, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Sau khi Luật mới chính thức được ban hành, các Bộ, ngành và địa phương sẽ xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi cụ thể, xây dựng các phương án, chuẩn bị về nhân lực, máy móc, thiết bị để thực hiện nội dung quy định trên thực tiễn. Đồng thời, triển khai các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân.