Lộ trình phù hợp để kiểm soát khí thải xe máy ở Việt Nam
Xe máy vẫn là phương tiện phổ biến đến năm 2030
Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (TDSI), trong giai đoạn 2005-2022, tăng trưởng xe máy tại Việt Nam đạt khoảng 9,1%/năm. Đến nay, cả nước đã có gần 70 triệu xe máy được đăng ký, trong đó, số xe lưu hành đạt hơn 45 triệu xe. TDSI dự báo, giai đoạn 2025-2030, xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến.
Tại Hà Nội, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu, chiếm đến 87% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tỷ lệ tới 72.58%.
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, xe máy chạy bằng động cơ đốt trong sẽ bắt đầu sản sinh CO2 nhiều hơn và vận hành gây tốn nhiên liệu hơn sau 5 năm sử dụng. Lượng phát thải sẽ càng rõ ràng hơn đối với những xe máy đã có tuổi đời trên 10 năm.
Theo các chuyên gia, trong quá trình hoạt động, các phương tiện quá cũ sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp từ 2-4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ. Những thành phần độc hại trong khí thải xe máy có thể kể đến là CO2, các hợp chất hydrocarbons đa vòng. Chất gây ô nhiễm từ khí thải phương tiện xâm nhập vào cơ thể con người, gây ra các vấn đề về mắt, hệ thống hô hấp, tim mạch...
Kết quả chương trình đo kiểm khí thải thí điểm tại Hà Nội với hơn 5,5.200 mô tô, xe gắn máy cũ (có tuổi đời trên 5 năm) cho thấy, tỷ lệ xe không đạt chuẩn khí thải theo TCVN 6438:2018 mức 1 là 54,2% và không đạt mức 2 là 60,65%.
Tuy nhiên, sau khi bảo dưỡng, tỷ lệ xe không đạt chuẩn khí thải mức 1 giảm mạnh xuống còn 9,54%, lượng tiêu thụ nhiên liệu giảm đến 7%. Con số này tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng/năm (tính theo giá xăng tháng 10/2023), trong khi mất khoảng 110.000 đồng/xe để bảo dưỡng và thay thế lọc gió. Như vậy, nếu được bảo dưỡng định kỳ, cộng thêm chi phí kiểm định khí thải khoảng 35.000 đồng/lần/năm (theo dự tính của Bộ GTVT), người dân vẫn tiết kiệm được khoảng 55.000 đồng/xe mỗi năm.
Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) đã có cuộc khảo sát sự ủng hộ của người dân về chính sách kiểm soát khí thải xe máy tại Hà Nội (3.867 người), Đà Nẵng (3.862 người) và TP. Hồ Chí Minh (7.216 người). Kết quả cho thấy, 91% người tham gia khảo sát tại Hà Nội ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải xe máy; tỷ lệ ủng hộ tại Đà Nẵng là 84% và tại TP. Hồ Chí Minh là 79%.
Ngày 05/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về Tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Trong đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy tại một số quận sau năm 2030. Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương sớm xây dựng Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Tại Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông, Khoản 3, Điều 36 của Dự thảo Luật quy định: “Xe mô tô, xe gắn máy phải kiểm định về khí thải; việc kiểm định khí thải được thực hiện tại các trạm kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông”.
Có thể áp dụng từ năm 2025
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, hiện có hai vấn đề người dân băn khoăn nhất, một là chi phí kiểm tra khí thải nhiều hay ít, hai là liệu rằng thủ tục kiểm tra có gây phiền toái, mất thời gian hay không.
Các phân tích trước đó của giới chuyên gia cho thấy, mức phí từ 35.000-50.000 đồng/lần/năm là đủ để bù chi phí xây dựng hệ thống đăng kiểm. Mức phí này cũng khá nhỏ so với túi tiền của người dân. Mặc dù vậy, còn nhiều vấn đề liên quan chưa được nêu rõ trong Dự luật khiến nhiều người băn khoăn.
Thứ nhất, sau khi Dự thảo Luật được thông qua, Bộ Giao thông vận tải cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy; các quy định phục vụ hoạt động của trạm, hệ thống chứng nhận, yêu cầu kỹ thuật...
Cũng theo TS Hoàng Dương Tùng, không nhất thiết phải thành lập các trạm đăng kiểm riêng biệt như đối với trạm đăng kiểm ô tô. Thay vào đó, có thể tích hợp dịch vụ kiểm tra khí thải tại các trung tâm sửa chữa xe máy đủ điều kiện, được Nhà nước công nhận. Để làm được điều này, cần có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và cơ chế kiểm soát để đảm bảo hoạt động kiểm tra khí thải được thực hiện công khai, minh bạch. So với đăng kiểm ô tô, việc kiểm định khí thải trên xe máy sẽ dễ dàng hơn rất nhiều do công nghệ phát triển, các thiết bị, phụ tùng cũng rất rẻ, hoàn toàn có thể làm được.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, các trạm kiểm tra khí thải xe máy hoàn toàn có thể được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa, hoặc có thể tích hợp vào các trạm kiểm định ô tô, cơ sở bảo hành của hãng, hoặc trung tâm bảo dưỡng xe máy tư nhân đủ điều kiện.
Thứ hai, quan trọng hơn, đó là đạt được sự đồng thuận, hợp tác của người dân. Để làm được điều này thì thủ tục kiểm tra khí thải định kỳ phải thực sự nhanh chóng, tiện lợi, không làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của người dùng xe máy và phải đảm bảo công bằng.
Thực tế, theo ý kiến của một số chuyên gia giao thông, không nên bắt buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành phải thực hiện kiểm định khí thải. Thay vào đó, thời gian đầu, chỉ áp dụng với xe cũ nát, có niên hạn sử dụng lâu, bởi đây mới thực sự là những phương tiện phát thải lớn nhất.
Một số ý kiến khác cho rằng, có thể chia thành 3 đối tượng xe mô tô, xe máy theo lộ trình kiểm soát khí thải. Một là, miễn kiểm định khí thải đối với xe sử dụng dưới 5 năm. Hai là thực hiện kiểm định bắt buộc đối với xe từ 5-15 năm; có cơ chế giải quyết đối với trường hợp sau khi bảo dưỡng vẫn không đạt tiêu chuẩn khí thải. Ba là, nghiêm túc thực hiện thu hồi, xử lý xe sử dụng quá 15 năm và không đạt tiêu chuẩn khí thải, xe cũ, nát. Riêng đối với nhóm đối tượng số ba, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đổi xe cũ lấy xe mới
Về lộ trình thời gian thực hiện, các chuyên gia nhận định, từ năm 2025, sau khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thiện, bao gồm thông tin chi tiết về chủ phương tiện xe máy đã được định danh thì việc áp dụng quy định về kiểm soát khí thải mới thực sự hiệu quả.