Thi bằng lái xe ô tô tại Việt Nam và quốc tế khác nhau thế nào?
Thi bằng lái xe tại Việt Nam vẫn khá... “dễ”
Anh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) thi lấy bằng lái xe B2 lần đầu từ năm 2014 và hiện đang làm việc tại một trung tâm đào tạo lái xe ở Hà Nội. Thời điểm đó, chi phí “trọn gói” từ khi bắt đầu nộp hồ sơ học lái đến lúc thi sát hạch khoảng 17 triệu đồng. Tổng thời gian đào tạo và chờ đợi đến ngày thi khoảng gần 6 tháng.
“Hồi đó thi lấy bằng B1, B2 được mọi người đánh giá chung là khá dễ dàng. Học lý thuyết thì mọi người thường tập trung đông đủ nhất vào buổi học cuối cùng vì lúc đó phía trung tâm sẽ đưa cho mỗi người một tập tài liệu “bí kíp học tủ” để về nhà học thuộc, đảm bảo thi sẽ đỗ.
Thậm chí, cho đến bây giờ, nhiều trung tâm vẫn duy trì cách làm đó và chẳng có học viên nào từ chối cả (cười!). Lúc học thực hành thì chúng tôi chia thành từng tốp 3-4 người đi chung một xe với thầy giáo, ra khu đô thị đang xây dựng, luân phiên tập luyện để tiết kiệm chi phí, mỗi người chỉ mất khoảng 250.000 đồng/buổi học. Ai học chậm thì sẽ tốn nhiều buổi tập hơn, thậm chí phải nhờ thầy giáo kèm cặp riêng”, anh Hòa chia sẻ.
Đối với phần thi thực hành sẽ bao gồm thi sa hình và thi đường trường, không có nhiều khác biệt so với hiện nay. Các học viên thường truyền tai nhau rằng, khó nhất là bài số 3 - dừng xe và khởi hành xe ngang dốc (hay còn gọi là “đề pa lên dốc”). Đã có không ít thí sinh phải bỏ cuộc vì nhiều lần thi “rớt” vì bài thi này.
Theo đánh giá của anh Hòa cũng như nhiều đồng nghiệp khác, thực tế thi thực hành lái xe tại Việt Nam khá... dễ dàng nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong tổng số 11 bài thi chủ yếu chỉ yêu cầu thí sinh đi đúng làn, dừng, đỗ, ghép xe theo chỉ dẫn của hệ thống với các thao tác cơ bản trên vô lăng, cần số, chân côn, chân ga…
Phần thi đường trường thậm chí còn dễ hơn nữa với 4 bài thi (xuất phát, tăng số, giảm số, kết thúc), quãng đường di chuyển chỉ vẻn vẹn 2 km. Không ít người chỉ coi đây là bài thi mang tính chất “thủ tục”.
“Trước đây, một số trung tâm sát hạch quản lý còn khá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng thi hộ sát hạch, hoặc dùng “mẹo” dán băng dính bên trong xe để thí sinh dễ “căn đường” hơn. Tuy nhiên, hiện tại tình trạng này đã cơ bản chấm dứt vì 100% xe đều được gắn camera giám sát. Riêng phần thi đường trường vẫn không có nhiều thay đổi và có thể “xuề xòa” được phần nào vì chỉ có thí sinh và giám thị ngồi bên trong xe”, anh Hòa cho biết thêm.
Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Bộ GTVT đã ra nhiều quyết định đổi mới, trong đó ban hành Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT quy định các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 1/1/2023.
Những chính sách, pháp luật mới nhằm “khỏa lấp” những khoảng trống trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe ô tô tồn tại thời gian qua. Theo đó, các học viên có điều kiện thực hành trên nền tảng trực quan hơn, tích hợp nhiều tình huống thực tế, giúp học viên nâng cao kỹ năng xử lý tình huống.
Tuy nhiên, việc áp dụng học phần mới cũng khiến chi phí thi bằng lái xe ô tô tăng mạnh so với trước đây. Theo một số trung tâm đào tạo lái xe, đối với bằng lái hạng B1, B2, tổng chi phí học và thi hiện tại đã tăng từ mức 20-25 triệu đồng / học viên lên mức 28-30 triệu đồng / học viên.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ GTVT, từ năm 2022, hoạt động đào tạo lái xe ô tô được kiểm soát chặt chẽ hơn cả về thời gian và quãng đường thông qua thiết bị giám sát hành trình. Do đó, học viên thi bằng lái xe lần đầu phải tham gia đầy đủ khóa học mới được đăng ký thi sát hạch cấp bằng lái xe ôtô.
Cơn “ác mộng” thi bằng lái xe ở Châu Âu
Cầm bằng lái ô tô tại Việt Nam trong tay, chị Nhi Nguyễn (Việt kiều Đức) từng cho rằng, chỉ cần học thêm luật giao thông và vài buổi học thực hành là có thể thi đỗ lấy bằng lái xe ở Đức. Tuy nhiên, sau 4 lần thi trượt và “vượt qua ải” ở lần thi thứ 5, chị Nhi Nguyễn cho đến nay vẫn chưa thể quên trải nghiệm “kinh hoàng” này.
“Ở Việt Nam, học lý thuyết khá đơn giản, thực hành trên sa hình, tức là có thể học thuộc dễ dàng, nhưng khi sang Đức thì thực sự là cơn “ác mộng”. Thi lý thuyết gồm 30 câu hỏi, gần giống với Việt Nam, đạt 90/100 điểm là đỗ. Riêng phần thi thực hành kéo dài 40-45 phút trên nhiều loại đường ngoài thực tế. Nghĩa là học viên phải thực hiện đúng thao tác và xử lý tình huống như lái xe hàng ngày. Có rất nhiều lỗi sai mặc dù nhỏ cũng có thể khiến bạn bị trượt như quên xi nhan, không nhường đường cho phương tiện bên phải... Thế nên, việc phải thi lại sát hạch một vài lần là hoàn toàn bình thường ở Đức. Không ít người đã nản chí, phải bỏ cuộc”, chị Nhi Nguyễn chia sẻ.
Tương tự tại Việt Nam, học viên có thể dễ dàng vượt qua bài thi sát hạch lý thuyết bằng cách “học thuộc lòng”. Tuy nhiên, sẽ không có những bài “văn mẫu” như: những câu bắt đầu bằng cụm từ xyz thì chọn “Tất cả các đáp án trên”, hay những câu về chủ đề a thì chọn đáp án số 2… Thay vào đó, học viên buộc phải ghi nhớ tất cả các câu hỏi trong bộ đề thi (gồm 1.000 câu hỏi) mới có hi vọng thi đạt.
Riêng thời lượng học thực hành sẽ do giáo viên quyết định, tùy vào việc học viên tiếp thu nhanh hay chậm. Chi phí mỗi giờ học thực hành khoảng 40 Euro và chỉ khi nào giáo viên chấp thuận, học viên mới được dự thi thực hành. Do đó, thông thường, mỗi học viên thi bằng lái lần đầu phải chi khoảng 2.000 - 3.000 Euro (khoảng 50 - 75 triệu đồng). Có nhiều trường hợp phải trả nhiều hơn do học lái chậm hoặc thi trượt nhiều lần.
Theo quy định, người trên 18 tuổi tại Đức, sau khi thi lấy bằng lần đầu tiên sẽ phải trải qua 2 năm thử thách. Trong khoảng thời gian này, nếu vi phạm luật giao thông mà không gây thiệt hại về người, tài sản thì học viên chỉ phải tham gia các buổi tuyên truyền về luật giao thông đường bộ. Sau 2 năm, người vi phạm sẽ chịu mọi hình thức xử phạt chung theo quy định.
Tại Thụy Điển, mỗi học viên phải chi khoảng 2.500 SEK (Krona Thụy Điển) cho một khóa học lái xe. Tương tự tại Đức, phần thi thực hành cũng khiến không ít học viên phải “sởn da gà” bởi độ phức tạp khi phải lái xe ngoài đường thực tế với rất nhiều tình huống phải xử lý nhanh và chính xác.
Tuy nhiên, những công dân đang sở hữu bằng lái xe Châu Âu (EES) có thể lái xe tại Đức, Thụy Điển hay bất kể quốc gia nào trong khối EU mà không cần thực hiện thi lại sát hạch lái xe.
Tại Anh, công dân từ đủ 17 tuổi trở lên có thể bắt đầu tham gia khóa học lái xe ôtô. Nhưng cho dù là học lái, học viên cũng phải xin cấp giấy phép lái xe tạm thời với chi phí khoảng 34 Bảng Anh.
Khác với một số nước, tại Anh, các học viên thường tìm một người dạy lái xe chuyên nghiệp để có thể thoải mái, yên tâm học lái trong quãng thời gian tối thiểu 45 giờ. Danh sách giáo viên dạy lái xe đủ tiêu chuẩn, có giấy phép hành nghề được niêm yết công khai trên cổng thông tin của chính phủ (DVSA). Chi phí dạy kèm khoảng 20-25 Bảng Anh mỗi giờ. Nếu học viên nhờ người thân, bạn bè hướng dẫn, pháp luật Anh quy định người hướng dẫn phải trên 21 tuổi và đã có bằng lái ít nhất 3 năm.
Ngoài ra, lệ phí thi lý thuyết và thực hành tại Anh khoảng 85 - 100 Bảng Anh. Như vậy, tổng chi phí tối thiểu cho một khóa đào tạo và cấp bằng lái xe ôtô khoảng 1200-1300 Bảng Anh (khoảng 35 - 38 triệu đồng).
Với độ khó được đánh giá hạng “top” trong kỳ thi sát hạch, đi kèm những quy định pháp luật chặt chẽ và chế tài xử phạt rất nặng, sẽ không bất ngờ khi Đức, Thụy Điển và Anh luôn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp nhất tại Châu Âu và trên thế giới.