Thị trường xe điện Việt và bài toán chuyển đổi xanh
Thách thức của Việt Nam
Năm 2021, Việt Nam tham dự Hội nghị công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 tại Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt cho Việt Nam có một cam kết hết sức mạnh mẽ cùng với 147 quốc gia trên thế giới tham gia vào nỗ lực phát thải ròng về 0 vào năm 2030. Ảnh: Reuters.
Sau cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, Chính phủ cũng đã triển khai rất nhiều các hoạt động và biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt. Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 876 về chương trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực GTVT, trong đó đã quy định toàn bộ lộ trình phát thải ròng bằng 0 của ngành GTVT bao gồm tất cả 5 phương thức vận tải đến năm 2050.
Tính đến thời điểm hiện tại, 57/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động về thực hiện quyết định 876 của Chính phủ. 2 trong số 5 bộ ngành cũng đã ban hành kế hoạch hành động này. Còn lại, một số các bộ ngành và tỉnh, thành phố cũng đang khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động.
Thực tế, chuyển đổi xanh là một nhiệm vụ tất yếu không phải của riêng Việt Nam mà là của tất cả các quốc gia trên thế giới, của toàn nhân loại. Trên thế giới, công cuộc chuyển đổi xanh đã được triển khai khoảng hơn 10 năm nay ở các mức độ khác nhau, còn ở Việt Nam đang ở những bước đầu tiên trong quá trình triển khai. Vì vậy, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, từ thể chế, chính sách cho đến nhận thức của toàn xã hội với nhiệm vụ chuyển đổi xanh. Vì vậy, thách thức lớn nhất chính là việc Việt Nam cần phải hoàn thiện toàn bộ khung thể chế pháp lý và các cơ chế chính sách để khuôn khổ chuyển đổi xanh được thực hiện.
Riêng trong lĩnh vực phát thải, trong toàn ngành giao thông vận tải tại thời điểm xây dựng quyết định 876 của Chính phủ thì lĩnh vực giao thông đường bộ là lĩnh vực chịu trách nhiệm về phát thải khí nhà kính lớn nhất trong 5 phương thức vận tải. Theo công bố kiểm kê phát thải năm 2020 (mới nhất) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ chịu trách nhiệm đến 85% lượng phát thải, tức là khoảng tương đương với 32 triệu tấn CO2 quy đổi trong tổng số gần 38 triệu tấn CO2 phát thải của nghành GTVT. Vì vậy, chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ là rất quan trọng.
Bên cạnh việc phát thải lượng lớn nhất, GTVT đường bộ cũng là lĩnh vực khả thi nhất về mặt chuyển đổi bởi vì các công nghệ đã sẵn sàng. Việc chuyển đổi trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ là một phần rất quan trọng trong việc thực thi nỗ lực giảm phát thải ròng về 0.
Cho đến nay, các chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi năng lượng và quy trình chuyển đổi về xe điện của Chính phủ có thể nói về mặt chủ trương rất mạnh mẽ và rõ ràng. Lộ trình Việt Nam đã có. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cho đến nay thì mới dùng 1 số các chính sách hỗ trợ về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với lĩnh vực xe điện.
Sự chung tay của người dân cũng đóng vai trò tiên quyết và quyết định trong công cuộc chuyển đổi xanh này của Chính phủ. Vì vậy về phía chính phủ cần sớm có một công bố về lộ trình dừng sản xuất và dừng lưu hành phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó cũng cần sớm cung cấp thông tin cho người dân về hiệu quả, lợi ích thực sự của các phương tiện thuần điện. Để từ đó thì người dân có những quyết định sáng suốt nhất trong việc lựa chọn phương tiện nào để sử dụng trong tương lai.
Đối với doanh nghiệp cũng rất cần những chính sách rất cụ thể đó là có thể là được vay vốn, những điều kiện tài chính, những cơ chế khuyến khích, tóm lại, cần những sân chơi cho công bằng đẳng cấp quốc gia. Chúng ta cần phải có những thông tư quy định rất cụ thể để các doanh nghiệp cùng tham gia.
Hiện nay, về cơ chế, về chính sách trong luật có rất nhiều quy định khuyến khích như trong thị trường carbon. Nhưng về cụ thể, khi doanh nghiệp đồng hành cùng với chính phủ mà có những cơ chế, hành lang thì sẽ yên tâm đầu tư hơn.
Xu hướng chuyển đổi xe điện Việt
Theo kinh nghiệm quốc tế, để chuyển đổi sang xe điện thành công thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng trạm sạc. Vì vậy các nỗ lực và chính sách để hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện của Chính phủ nên tập trung vào hỗ trợ xây dựng các trạm sạc trước tiên.
Với đặc thù của Việt Nam sẽ cần có những chính sách để khuyến khích đối với các nhà sản xuất phương tiện xe điện, đặc biệt là nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, cũng sẽ cần có những chiến dịch tuyên truyền nhận thức cho xã hội có những thông tin đầy đủ, đúng đắn về hiệu quả của các phương tiện xe điện, do đó họ sẽ ủng hộ chủ trương chuyển đổi xe điện của Chính phủ.
Tất cả ngành công nghiệp ô tô trên thế giới đều đi lên từ sự bảo hộ của Chính phủ. Hiệp định GATT hay quy chế của WTO là trở ngại rất lớn cho các quốc gia phát triển ô tô sau, cho các quốc gia có ngành ô tô non trẻ như Việt Nam. Cơ hội để tài trợ cho ngành ô tô đều bị kiểm tra rất kĩ bởi các quốc gia có ngành ô tô phát triển bởi họ không muốn quốc gia nào phát triển hơn.
Như Hàn Quốc đã có bước đi thông minh, tận dụng sức mạnh từ 2 nền tảng, đó là sự hỗ trợ sân sau của Chính phủ, và quan trọng nhất là họ huy động lực lượng người dân và doanh nghiệp nội địa, từ Tổng thống đến người dân thường để hỗ trợ cho ngành ô tô, tạo ra sức mạnh tài chính khổng lồ, khiến cho tất cả các đối thủ quốc tế muốn lợi dụng WTO hay hiệp định GATT để chống lại Hyundai đều không thành công. Bởi đây là quyết định của người tiêu dùng, của người dân Hàn Quốc, người ta không mua xe ngoại, chỉ mua xe Hyundai là quyền của họ.
Thành công vang dội của Hyundai đến nay là nhờ sức mạnh tổng hợp của người tiêu dùng nội địa Hàn Quốc. Họ có ý thức đến mức ngay cả người Hàn Quốc sống ở nước ngoài khi mua xe ô tô để đi họ cũng vẫn đi xe Hàn, ko bao giờ mua xe nước khác. Ý thức dân tộc được đẩy lên rất cao. Đó không chỉ là sức mạnh tinh thần, mà còn là lá chắn để đối chọi với cạnh tranh quốc tế từ các hãng ô tô khác.
Ngành ô tô của Đông Nam Á có thể coi là ngành bị thất bại thảm hại. Những hãng như Proton của Malaysia, hay Thái Lan cũng phấn đấu để có 1 ngành ô tô đứng riêng tên mình nhưng chưa làm được. Đến nay, thực tế Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á, phát triển ngành ô tô sau nhất nhưng đến bây giờ đã có 1 hãng ô tô thương hiệu Việt Nam thực sự như VinFast. Đó là điều cả thế giới thừa nhận. Trong số 100 doanh nghiệp ảnh hưởng lớn nhất thế giới theo xếp hạng của TIME thì có hãng xe điện Việt Nam VinFast. Đó là niềm tự hào của người Việt.
Trong khi đó, một cường quốc như Trung Quốc đã dốc toàn lực cho xe điện. Những chính sách nỗ lực quốc gia là định hướng để phát triển xe điện. Với Việt Nam, như VinFast, tuy mới nhưng đang gặp cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nếu ta nhận diện xe điện là điều quốc gia phải làm, là thương hiệu và giải pháp tiến tới tương lai của Việt Nam thì các biện pháp của nhà nước cần có sự thay đổi. Hiện có quan tâm nhưng sự hỗ trợ theo đúng tinh thần là chưa đủ khi ở góc độ xe điện đang phải đương đầu với tương lai cạnh trạnh khốc liệt.
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xe điện Việt Nam hiện đã mang lại tác động môi trường, kinh tế, xã hội rất rõ ràng. Nhiều địa phương cũng ý thức được. Nhà nước cũng vậy. Nhưng ở góc độ kinh tế,những chính sách yểm trợ phải mạnh mẽ hơn nữa. Chính sách ở đây cụ thể có rất nhiều như bảo lãnh, cho vay vốn vì vốn càng lớn thì khả năng cạnh tranh về quy mô chi phí cũng tăng lên. Chính phủ cũng có thể đứng ra bảo lãnh thì tuyệt vời, thậm chí có cam kết đây là thương hiệu, sứ mệnh quốc gia thì có thể hỗ tợ thêm về nhiều mặt như lãi suất, thời hạn, thuế… Tất cả những việc đó cần hiểu là hỗ trợ 1 sản phẩm Việt cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích quốc gia, cho 1 đất nước xanh và sạch. Việc đưa ra tuyên ngôn ủng hộ như vậy hoàn toàn không trái kinh tế thị trường.
TS. Hoàng Dương Tùng - Mạng lưới không khí sạch Việt Nam & Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thì cho rằng không chỉ taxi điện, mà tất cả các phương tiện công cộng đều nên chuyển sang điện. Hiện nay có rất nhiều taxi chuyển sang điện thì chúng ta đã nhìn thấy rồi, không ồn ào, không ô nhiễm.
“Tôi cũng rất mong muốn sự chuyển đổi này không chỉ dừng lại ở taxi. Ví dụ, bây giờ tôi nhìn thấy các chị lao công thu gom rác rất vất vả khi đẩy xe rác, thì tôi cũng rất mong muốn giá như chúng ta cơ giới hóa thì nó sẽ phục vụ tốt cho việc phân loại rác tại nguồn tại Hà Nội. Cơ giới hóa vừa tăng năng suất lao động, vừa sạch sẽ vừa bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta được sử dụng những phương tiện điện thì thu gom rác vào ban đêm vừa đỡ vất vả, vừa đỡ tiếng ồn. Thêm nữa là những xe máy giao hàng hàng ngày, nếu một lượng xe như thế mà sử dụng xe điện thì tôi nghĩ rằng sẽ rất tuyệt vời. Rồi những dịch vụ công, ví dụ như là xe bưu điện. Đấy là một trong những điều rất nhiều người mong muốn”, ông Tùng nhận định.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đánh giá, theo kinh nghiệm quốc tế, để chuyển đổi sang xe điện thành công thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng trạm sạc. Vì vậy các nỗ lực và chính sách để hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện của Chính phủ nên tập trung vào hỗ trợ xây dựng các trạm sạc trước tiên. Thứ 2 là chúng ta sẽ cần có những chính sách để khuyến khích đối với các nhà sản xuất phương tiện xe điện, đặc biệt là nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ cần có những chiến dịch tuyên truyền nhận thức cho xã hội có những thông tin đầy đủ, đúng đắn về hiệu quả của các phương tiện xe điện, do đó họ sẽ ủng hộ chủ trương chuyển đổi xe điện của Chính phủ.