16:48 14/09/2021

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: GDP cả năm tăng 3,5-4% nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9

Anh Nhi

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9/2021 và nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới từ quý 4/2021, tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 3,5-4%...

Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022: Vùng trung du, miền núi Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng sáng 14/9.
Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022: Vùng trung du, miền núi Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng sáng 14/9.

Đây là thông điệp được Bộ trưởng nhấn mạnh tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022: Vùng trung du, miền núi Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng ngày 14/9.

KỊCH BẢN PHỤC HỒI BẮT KỊP VỚI XU HƯỚNG THẾ GIỚI

Bộ trưởng cho rằng mặc dù dự báo thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,5%, nhưng để đạt được mức này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cả địa phương.

“Nếu GDP đạt mức này, đây sẽ là năm thứ hai tăng trưởng GDP của Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng sau năm 2020 chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025”, Bộ trưởng nói.

Theo dự báo, tình hình xuất khẩu năm nay tiếp tục tăng, thu ngân sách vẫn vượt chỉ tiêu nhưng các đợt giãn cách xã hội vẫn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Bước vào năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây sẽ là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường, nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với dịch bệnh và từng bước mở cửa trở lại.

“Việt Nam cũng phải thay đổi chiến lược theo xu thế mới. Nếu cứ đóng cửa phong tỏa suốt sẽ ảnh hưởng nặng nề, không chỉ vấn đề kinh tế mà còn cả xã hội”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, trong năm 2020, tình hình thế giới chắc chắn có sự phục hồi, tuy nhiên đà phục hồi giữa các nước là không giống nhau. Trật tự thương mại và đầu tư thế giới theo đó cũng có sự thay đổi, chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển. Vì vậy, Việt Nam cần nhận diện để tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro nhất là trong bối cảnh dịch bênh còn diễn biến phức tạp.

“Vì vậy, cần có giải pháp phục hồi kinh tế nhanh chóng, bắt kịp xu hướng của thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế tác động lớn đến Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.

ĐỊA PHƯƠNG TỰ CHỦ VÀ CHỦ ĐỘNG

Với những thách thức và cơ hội nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược cùng với việc lồng ghép thêm 2 yêu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa, con người.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

“Cần phải bám sát kế hoạch dài hạn nhưng cũng phải kiểm soát dịch bệnh, không thể để dịch bùng phát mạnh trở lại. Cần cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao sức chống chịu, tính tự chủ, thích ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Nếu không xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ và thích ứng thì chúng ta sẽ bị động”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Nền kinh tế tự chủ, theo Bộ trưởng đòi hỏi sự tự chủ và chủ động rất lớn từ các địa phương. Chẳng hạn,  một số địa phương tăng trưởng cao nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh…, giá trị gia tăng còn thấp, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm cho dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân cấp triệt để và cắt bỏ các thủ tục phức tạp liên quan tới giao vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, công tác quy hoạch vẫn “ỉ lại” vào tư vấn…

Hay mặc dù vùng trung du, miền núi bắc bộ và đồng bằng sông Hồng phòng chống dịch tương đối tốt, duy trì được sản xuất nhưng theo Bộ trưởng, các địa phương vẫn thiếu sự linh hoạt trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Do đó, thời gian tới, các tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch, duy trì sản xuất để giảm thiểu phí tổn không đáng có do không kiểm soát được dịch bệnh.

Theo đó, Bộ trưởng những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 cần tập trung vào 6 giải pháp căn bản.

Thứ nhất, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là các địa phương tập trung thực hiện tốt phòng chống dịch, không để bùng phát trở lại dẫn đến giản cách xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

Thứ hai, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. “Tuy nhiên, nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, phụ thuộc vào các bộ ngành vì một số giải pháp được giao cho các bộ nghiên cứu, xem xét để ban hành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhưng quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong lúc khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, thái độ của chính quyền địa phương với doanh nghiệp còn quan trọng hơn cả những hỗ trợ nêu trên.

Thứ ba, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng theo nghị quyết 68.

Thứ tư, địa phương cần tăng cường chương trình phối hợp gặp gỡ đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bám sát bối cảnh và xu thế mới để dự báo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả đầu tư công.

Thứ năm, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh trên cơ sở đảm bảo sự tham gia trực tiếp của các sở ngành, tránh phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn và tiếp cận quy hoạch theo hướng đúng dần.

Thứ sáu, chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của địa phương, tranh thủ cơ hội mới, xu thế mới của thế giới để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng, đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước.