Bộ trưởng Bộ Công an: Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến rất phức tạp
Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%, theo báo cáo của Chính phủ...
Sáng 21/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo này.
TÌNH HÌNH TỘI PHẠM GIA TĂNG
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật...
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Mặc dù vậy, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.
Đối với công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Về lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm còn xảy ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực, địa bàn; số vụ được phát hiện nhiều hơn 18,87%.
Trong công tác phòng, chống tội phạm ở lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục tăng cao, nhất là hành vi đánh bạc qua mạng, mua bán, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân; số vụ được phát hiện 203,61%.
Đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin, số vụ được phát hiện nhiều hơn 17,68%; trong đó có một số đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Công an, về tình hình tai nạn giao thông dù giảm 0,93% về số vụ; giảm 0,53% về số người chết nhưng lại tăng 3,3% về số người bị thương; đáng chú ý, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.
Liên quan đến công tác phòng, cháy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, số vụ cháy tăng 10,87%, số vụ nổ giảm 30%, trong đó có một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, thời gian qua, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cơ bản đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố chỉ chiếm 85,58%, chưa đạt yêu cầu Quốc hội giao.
KÊ BIÊN, PHONG TỎA HƠN 389.000 TỶ ĐỒNG TRONG CÁC VỤ ÁN THAM NHŨNG, KINH TẾ LỚN
Trong khi đó, báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng cho rằng, tình hình tội phạm năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022.
Đặc biệt, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: Đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước...
Năm 2023, ngành Kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).
Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự: Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Cũng trong năm 2023, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, toàn Ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 168.578 nguồn tin về tội phạm (tăng 13,5%), bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch... được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,4%).
Viện trưởng Lê Minh Trí dự báo, trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.
Cũng theo Viện trưởng Lê Minh Trí, từ thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự thời gian qua cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phạm tội là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn sơ hở, chưa chặt chẽ.
Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu có cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chặt chẽ hơn và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.