Cần thận trọng khi cho tư nhân tham gia truyền tải điện, tránh hệ lụy về sau
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống...
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường, sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến về nội dung sửa đổi Luật Điện lực để tạo cơ chế thu hút tư nhân đầu tư truyền tải điện. Theo dự thảo Luật, các thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, trừ các dự án được xác định trong quy hoạch điện lực quốc gia, do Nhà nước đầu tư. Cùng với đó, các tổ chức hoạt động và sử dụng điện đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật được phép đấu nối vào mạng lưới điện do thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng.
Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn TP. Hà Nội, cho rằng việc cho phép khu vực kinh trế tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, tuy nhiên cần thể chế hóa phù hợp với thực tế và cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, quy định trong dự thảo luận “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng” là chưa rõ ràng, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền bởi điều này có thể dẫn tới tùy tiện trong áp dụng.
Theo đó, bà Mai kiến nghị phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào mà thành phần kinh tế tư nhân có thể được tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành, còn chủng loại nào do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư và quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của nhà đầu tư.
“Luật quy định sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành, điều này sẽ dẫn đến việc trong cùng hệ thống có những chủ thể vận hành khác nhau. Tham khảo các chuyên gia cho thấy hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích và đề nghị cân nhắc thận trọng để tránh hệ lụy nghiêm trọng về sau.
Về hạch toán và định giá chuyển giao điện, theo dự thảo, sau khi xây dựng, đầu tư, doanh nghiệp có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý vận hành. Tuy nhiên, theo bà Mai, dự thảo luật chưa quy định cụ thể phương pháp định giá điện chuyển giao chưa được quy định cụ thể và việc này có thể dẫn tới thiệt hại lớn cho nhà nước nếu định giá không chuẩn, như trường hợp đã xảy ra thời gian qua.
Ngoài ra, bà Mai cũng quan tâm tới tác động của việc tư nhân hóa tới giá điện.
“Có thể giá điện sẽ cao khi tư nhân tham gia vận hành. Do đó, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người dân”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.
Về lựa chọn nhà đầu tư, đại biểu đề nghị xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để tất cả doanh nghiệp có thể cạnh tranh, tham gia, đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.
“Từ chính sách, chủ trương đến cuộc sống là cả một khoảng cách. Do đó, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, rất cần có những quy định cụ thể, kín kẽ và đảm bảo hiệu quả quản lý", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói. “Trong trường hợp chúng chưa chuẩn bị đầy đủ và đồng bộ chặt chẽ thì nên tiếp tục nghiên cứu và lùi lại kỳ họp Quốc hội sau”.
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Bình Dương, cho rằng quy định trong dự thảo chưa chặt chẽ và chưa nêu được vai trò cần và đủ của Nhà nước.
“Nhà nước độc quyền trong truyền tải hệ thống điện quốc gia dựa trên nhiều cơ sở, trong đó yếu tố quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn thông suốt của hệ thống truyền tải điện, mà sự an toàn đó tác động trực tiếp đến đảm bảo an toàn, an ninh của đất nước”, đại biểu phân tích.
Theo đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng.
"Việc thiết lập cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần tính toán thận trọng và chắc chắn", đại biểu đoàn Bình Dương nêu ý kiến.