14:29 24/01/2024

Chứng khoán Mỹ đang miễn nhiễm với các cuộc khủng hoảng trên thế giới?

Ngọc Trang

Giới đầu tư Phố Wall dường như đang đánh giá thấp tác động của căng thẳng địa chính trị trên thế giới...

Dù thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục, các tổ chức tài chính lớn tỏ ra thận trọng trước rủi ro địa chính trị ngày càng lớn - Ảnh: Reuters
Dù thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục, các tổ chức tài chính lớn tỏ ra thận trọng trước rủi ro địa chính trị ngày càng lớn - Ảnh: Reuters

Bước sang năm 2024 chưa đầy một tháng, thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tiếp lập kỷ lục mới. Tính đến phiên ngày thứ Ba tuần này, chỉ số S&P 500 đã có 3 phiên lập kỷ lục liên tiếp. Chỉ số Dow Jones cũng đóng cửa ở mức 38.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử vào hôm thứ Hai.

Theo hãng tin CNN, các số liệu kinh tế cho thấy sức khỏe nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, lạm phát có xu hướng giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp hạ lãi suất... là những nhân tố đẩy tâm lý thị trường lên cao. Tuy nhiên, giới đầu tư Phố Wall dường như đang đánh giá thấp tác động của căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

Cụ thể, xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài gần 2 năm. Cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza có nguy cơ lan rộng ra khu vực Trung Đông. Cùng với đó, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu về thương mại, đặc biệt là với con chip trí tuệ nhân tạo mà cả hai bên đều cho là ảnh hưởng tới an ninh quốc.

Chưa hết, hoạt động vận tải biển trên Biển Đỏ, qua kênh đào Suez cũng đang bị đe dọa khi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu thương mại. Pakistan và Iran liên tục phát động tấn công vào lãnh thổ của nhau, làm leo thang sự thù địch chưa từng có tại khu vực này.

Hoạt động vận tải biển trên Biển Đỏ, qua kênh đào Suez đang bị đe dọa khi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu thương mại - Ảnh: Getty Images
Hoạt động vận tải biển trên Biển Đỏ, qua kênh đào Suez đang bị đe dọa khi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu thương mại - Ảnh: Getty Images

Theo các nhà phân tích của công ty đầu tư BlackRock, tất cả điều này có thể tạo ra một “siêu động lực” cho sự dịch chuyển về mặt cấu trúc của nền kinh tế thế giới.

“Những diễn biến này đã đẩy nhanh sự phân mảnh trên toàn cầu, đồng thúc đẩy sự xuất hiện của các khối kinh tế và địa chính trị cạnh tranh lẫn nhau”, các nhà phân tích của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng đầu tuần này.

Theo nhóm nhà phân tích, các quốc gia giờ đây dè chừng hơn với các nước khác trong lĩnh vực thương mại, một số đã rút bớt khỏi thị trường toàn cầu vì lo ngại cho an ninh quốc gia. Hoạt động thương mại giảm đi đồng nghĩa có ít nguồn cung hơn và đây là tin xấu với cuộc chiến chống lạm phát trên thế giới.

 

“Tôi cho rằng sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả mọi thứ đều tốt đẹp. Khi thị trường chứng khoán đi lên, tất cả chúng ta đều có cảm giác như vậy. Nhưng các vấn đề ở nước ngoài và cuộc bầu cử tổng thống năm nay có thể khiến nền kinh tế Mỹ đi chệch hướng”.

Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan Chase

“Sự phân mảnh về địa chính trị là một trong những lý do khiến chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng. Bên cạnh đó, lãi suất hiện vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch”, các nhà phân tích của BlackRock viết.

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hải Drewry, Chỉ số Container Thế giới theo dõi giá cước vận tải trên 8 tuyến hàng hải chính đến và đi từ Mỹ, châu Âu và châu Á đã tăng 23% trong tuần trước. Tháng 12 năm ngoái, chỉ số này đã tăng gấp hơn 2 lần. Cùng với đó, chi phí bảo hiểm vận tải biển cũng tăng lên.

Các nhà phân tích của Black Rock tin rằng rủi ro leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ và kênh đào Suez là rất lớn khi mà Mỹ và Anh ngày 22/1 đã tấn công vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen, nằm trong chiến dịch chung thứ hai trong tháng này. Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ - Trung cũng có xu hướng tăng lên.

“Dù cổ phiếu và các loại tài sản khác đến nay hầu như không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện địa chính trị, nhưng chúng tôi lo rằng xu hướng tăng giá có thể không còn khi thế giới bước sang một cơ chế địa chính trị mới. Theo quan điểm của chúng tôi, lối chơi truyền thống sẽ không còn mang lại hiệu quả nữa”, nhóm nhà phân tích nhận định. “Chúng tôi dự báo năm 2024 sẽ chứng kiến sự phân mảnh sâu sắc hơn, cạnh tranh leo thang và hợp tác ít hơn giữa các nước lớn”.

Đồng quan điểm, ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan Chase, cũng cảnh báo về căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

“Tôi cho rằng sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả mọi thứ đều tốt đẹp. Khi thị trường chứng khoán đi lên, tất cả chúng ta đều có cảm giác như vậy. Nhưng các vấn đề ở nước ngoài và cuộc bầu cử tổng thống năm nay có thể khiến nền kinh tế Mỹ đi chệch hướng”, ông Dimon nhận định trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ vào tuần trước. 

Ngân hàng Bank of America cũng đặt rủi ro địa chính trị lên hàng đầu trong danh sách những yếu tố bất ngờ có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán năm 2024.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, nhóm 7 công Apple, Amazon, Google, Microsoft, Meta, Uber và Nvidia – được gọi là Magnificent Seven – hiện phụ thuộc vào các nhà sản xuất Đài Loan cho hơn 90% nhu cầu con chip của mình.

“Vì các công ty này chiếm tỷ trọng khổng lồ trong chỉ số S&P 500, toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ đang nhạy cảm hơn bao giờ hết với bất kỳ sự leo thang địa chính trị nào gây gián đoạn nguồn cung con chip. Khi mà mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan còn căng thẳng, rủi ro này sẽ phản ánh vào sự tăng trưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn năm nay”, các nhà phân tích của Bank of America nhận định