“Chúng ta phải thay đổi tư duy làm luật”
Để đưa tư tưởng đường lối vào cuộc sống để tạo ra những thay đổi căn bản thì mặt quan trọng nhất chúng ta phải thay đổi tư duy làm luật
Từ ngày 3/9 - 31/12/2019, Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức được phát động thực hiện.
Nhân sự kiện này, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã nêu quan điểm về tác động của các chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Ông nhận thấy sự thay đổi, sự tác động của những Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua đối với sự phát triển kinh tế như thế nào?
Tôi biết nhu cầu đổi mới mạnh mẽ đã bắt đầu từ hàng chục năm nay với tái cơ cấu, với đổi mới mô hình tăng trưởng và tập trung vào những đột phá. Nhưng quá trình ấy cho thấy đến bây giờ vẫn vất vả, kết quả đạt được chưa cao.
Trong bối cảnh đó, cách đây 2 năm chung ta thấy có Nghị quyết Trung ương 5. Đó là một chùm 3 nghị quyết đi vào những vất đề rất cốt lõi của phát triển nền kinh tế.
Tổng quan là là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ 2 là nghị quyết về kinh tế tư nhân, thứ 3 là về doanh nghiệp nhà nước. kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước là 2 lực lượng chủ lực của kinh tế thị trường.
Những nghị quyết này bàn về khung chung cho kinh tế thị trường, bàn về 2 lực lượng quyết định này. Và có những thay đổi rât cơ bản trong nhận thức, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, và nỗ lực cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Nền kinh tế nước ta trong mấy năm vừa rồi có 3 điểm hết sức quan trọng.
Thứ nhất, về mặt thể chế, coi tư nhân là động lực quan trọng. Vì coi tư nhân là động lực quan trọng nên Nhà nước, Chính phủ buộc mình phải cải cách rất mạnh. Phải giảm thủ tục, cởi trói cho tư nhân, đóng vai trò là người phục vụ cho doanh nghiệp. đây là chính là đi liền với khái niệm chính phủ kiến tạo, nhà nước kiến tạo.
Thứ hai, mở cửa cho hội nhập. Hội nhập cho doanh nghiệp Việt, kéo những cơ hội về cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đến bây giờ nền kinh tế chúng ta vẫn tiếp tục tăng trưởng, đà tăng trưởng khôi phục rất tốt, ổn định vĩ mô rất cao. Và có thể nói, với vị trí là thành viên của Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tôi thấy Chính phủ rất tự tin về khả năng kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn và chiến tranh thương mại Mỹ - trung ngày càng quyết liệt mà chúng ta giữ được như thế đúng là kì tích. Và vấn đề này liên quan đến nhận thức rồi từ đó sang đường lối phát triển kinh tế trên nền tảng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Phản ánh rõ nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lại những vấn đề một cách sâu sắc hơn, buộc phải có một cách rất mới cho giai đoạn mới này.
Việc nghị quyết đi vào được đời sống, phát huy được đúng ý nghĩa, vai trò của nó thì ông đánh giá thế nào?
Tôi thấy rằng những bước tiến về mặt thể chế không thể kỳ vọng hôm trước hôm sau được. Thường phải là những cuộc dịch chuyển kéo trong thời gian dài. Chúng ta có thể thấy những thay đổi về đường lối, về tư duy chiến lược trong quan điểm về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng từ đó đến nay, như chúng ta biết, tái cơ cấu vẫn chậm, đổi mới mô hình tăng trưởng đều rất khó khăn. Các bước đột phá đều có vấn đề. Những vấn đề này chính là quá trình thể chế hóa không theo kịp những tư tưởng đường lối, tư duy chiến lược trong Nghị quyết.
Cách làm thể chế hóa hiện nay của chúng ta vẫn theo kiểu tháo gỡ, chỉnh sửa một vài giải pháp đang bất hợp lý chứ không phải là chỉnh sửa hệ thống. Như vậy không thể nào có tác động căn bản thậm chí còn gây khó khăn hơn bởi luật chồng luật, xung đột các điều khoản giữa chính sách này với chính sách khác.
Một mặt, khi chưa sửa được thì vẫn phải tháo gỡ, chỉnh sửa, cải tiến, thay chính sách nọ, biện pháp kia. Nhưng để đưa tư tưởng đường lối vào cuộc sống để tạo ra những thay đổi căn bản thì mặt quan trọng nhất chúng ta phải thay đổi tư duy làm luật, xây dựng hệ thống thể chế đúng kiểu thị trường.
Thứ hai, cách tiếp cận từ nghị quyết đã đặt ra rồi. Đó là xây dựng các thị trường. Hiện nay các thị trường đúng nghĩa của chúng ta phát triển quá chậm và méo mó. Không có thị trường thì kinh tế thị trường không thể vận hành được. Rồi các chủ thể thị trường phải bình đẳng.
Hiện nay lực lượng thị trường quan trọng bậc nhất của kinh tế thị trường là doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: Vẫn còn bị kì thị, phân biệt, vẫn dành những ưu đãi cho những lực lượng khác, ví dụ như FDI. Rồi cách tiếp cận giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân chưa thật sự công bằng.
Cách tiếp cận một mặt là tư duy xây dựng thể chế, một mặt phải là những vấn đề nền tảng thì lúc đó, những tư tưởng đường lối của Đảng sẽ phát huy được tích cực hơn.
Thêm một ý này cũng rất quan trọng. Nền kinh tế đang bước vào một giai đoạn phát triển, về chất là khác hẳn, đó là kinh tế số, công nghệ cao. Nền tảng của kinh tế số, tức thị trường, nguồn lực của loại hình này sẽ khác hẳn. Vậy chúng ta phải tiếp cận một hệ thống thể chế với tư duy hiện đại, theo kịp tình hình mới. Đảng, Nhà nước ta cũng đã đẩy mạnh vấn đề này. Cuộc vận động cũng nên hướng cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam theo hướng vươn lên nữa, đuổi kịp thời đại.
Ông nhận thấy Cuộc vận động như thế này sẽ giúp cho những hoạch định về chính sách trong thời gian tới như thế nào?
Tôi nghĩ rằng Cuộc vận động đúng lúc này sẽ thu hút được trí tuệ của doanh nghiệp doanh nhân vào đóng góp. Lần đóng góp này được đặt trên nền tảng không có phân biệt khối tư nhân hay nhà nước. Qua Cuộc vận động, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước sẽ được tăng lên.
Biên độ của Cuộc kêu gọi mở ra rất lớn, không chỉ trong phạm vi địa lý Việt Nam. Những doanh nhân người Việt ở nước ngoài là một lực lượng có cách tiếp cận thể chế rất hiện đại, gắn với hội nhập. Họ có những gợi ý chính sách tôi cho là vô cùng thiết thực để giúp cho chính sách mang tính khuyến khích nhiều hơn, đặc biệt là khuyến khích ở lĩnh vực công nghệ cao.
Bây giờ chỉ còn lại một điều, là chúng ta lắng nghe như thế nào. Chúng ta cũng đã tổ chức nhiều lần lắng nghe như thế này những có lẽ sự lắng nghe, sự rút ra bài học chưa đủ kỳ vọng. Lần này Cuộc vận động sẽ phải có cách lắng nghe khác.
Đây là nêu vấn đề với Đảng, nhà nước với vai trò của mình có đường lối, định hướng, tạo ra môi trường, chính sách để cho doanh nghiệp hoạt động tốt nhất, tức là đặt hàng một cách sòng phẳng. Và như thế, tính cam kết trách nhiệm sẽ cao hơn. Và như vậy, sự hào hứng của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm lắng nghe của các cơ quan nhà nước cũng cao hơn.