11:23 08/08/2021

Dệt may “điêu đứng” vì Covid

Vũ Khuê

Hai thách thức lớn nhất hiện nay mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt là đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do khó khăn trong luân chuyển và đứt gãy cung ứng lao động do hoàn cảnh làm việc theo mô hình giãn cách. Trong thời gian tới, việc duy trì được sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh...

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, toàn ngành dệt may xuất khẩu đạt giá trị gần 23 tỷ USD. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD.

Tuy nhiên theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sang tháng 8 với những khó khăn đang diễn ra vô cùng phức tạp, ngành dệt may rất khó có thể duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh.

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Đầu tiên là khó khăn do việc  thực hiện Chỉ thị 16 đã tạo áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp dệt may, làm tê liệt hệ thống sản xuất của doanh nghiệp ở 19 tỉnh phía Nam. Việc kiểm soát đi lại khiến sản xuất của doanh nghiệp bị đứt gãy, bộ phận phát triển mẫu, công nhân không đi làm được… nên rất khó cho đơn hàng mùa tới. Tiếp đến là khó khăn trong luân chuyển hàng hóa giữa các địa phương có dịch và từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bổ sung thêm, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết ngành đang phải đối mặt với việc đứt gãy cung ứng lao động do làm việc theo mô hình giãn cách, người dân hồi hương quá lớn, nên tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc chỉ đạt khoảng 65% sau khi hoạt động bình thường trở lại. Trong khi đó, quý 3, quý 4 tới là khoảng thời gian sản xuất chủ  yếu của ngành dệt may Việt Nam.

Cụ thể, với Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc, cho biết 6 tháng đầu năm 2021, công ty hoàn thành cơ bản mọi chỉ tiêu đề ra, đồng thời có đủ đơn hàng dài hạn. Nhưng hiện nay ở cả 4 khu vực sản xuất của Tổng công ty tại Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình đều gặp khó trong tổ chức sản xuất, nhất là người công nhân đi làm phải di chuyển qua nhiều xã, huyện.

Quảng Bình là tỉnh duy nhất không có ca F0 nên May 10 xác định Quảng Bình phải được dồn lực tối đa san sẻ giúp các đơn vị khác. Tại Hà Nội, May 10 đã xây dựng phương án “ba  tại chỗ” tại các trường cao đẳng, mầm non, kí túc xá cho khoảng 700 người/tổng số 2.000 người. Song theo ông Việt, đây chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết các đơn hàng gấp.

Ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Vinatex cũng chia sẻ, tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức làm việc “ba tại  chỗ” nhưng gặp nhiều trở ngại dẫn đến việc duy trì sản xuất theo phương án này sẽ không được lâu dài. Nguyên nhân là do lực lượng lao động đăng ký ở lại nhà máy tham gia sản xuất “ba tại chỗ” không đồng đều, có nơi chỉ tổ chức được 10-20% trên tổng số lao động của nhà máy, năng suất lao động giảm.

“Với ngành thâm dụng lao động như dệt may, có doanh nghiệp như Tổng công ty CP May Việt Tiến với quy mô 36.000 lao động, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp cũng không thể đủ nguồn lực để duy trì trạng thái sản xuất như hiện nay”, ông Hùng nhận định.

Lãnh đạo Vinatex cho rằng phương án  “ba tại chỗ” chỉ được coi là giải pháp trước mắt trong ngắn hạn từ 3-4 tuần để có thể hoàn thành nốt các đơn hàng đã ký kết với khách hàng nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Hầu hết các doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng khó khăn chưa từng có và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới đặc biệt lo ngại tình trạng xuất hiện ca F0 trong nhà máy làm gián đoạn sản xuất, có thể phá hỏng toàn bộ những cố gắng mà doanh nghiệp đang thực hiện. Nguy cơ khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác là hiện hữu; và khi hết thời gian phong tỏa các nhà máy có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng…

KỊCH BẢN NÀO CHO THỜI GIAN TỚI?

Ông Giang cho rằng chúng ta cần đặt bài toán: Nếu dịch còn kéo dài thì doanh nghiệp chẳng lẽ phải tiếp tục đóng cửa, người lao động không có việc làm. Lao động của ngành dệt may đã di tản về các địa phương rất nhiều, nếu dịch được hạn chế thì việc khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp cũng cực kỳ khó khăn, khả năng chỉ có thể khôi phục được 50% năng suất lao động.

Do đó, để tháo gỡ những khó khăn này, đại diện Vitas đề xuất, các địa phương nơi có doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần có chính sách linh hoạt, tạo điều kiện cho công nhân không bị F0 ở một số xí nghiệp nhà máy được  đi làm và giao trách nhiệm tới từng doanh nghiệp truy vết khi có F0.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần thống nhất đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các doanh nghiệp. Do trên 90% các nhà máy dệt may không nằm trong khu công nghiệp mà nằm phân tán ở cấp huyện nên việc tiếp cận vaccine rất khó khăn.

Tính toán của Vitas cho thấy hiện có chưa đầy 1% trong tổng nhu cầu của doanh nghiệp dệt may được tiêm chủng, nên người lao động không yên tâm đi làm. Đơn cử như May 10, gần 40% công nhân nhà máy ở Quảng Bình tiêm được vaccine, Hà Nội tiêm xấp xỉ 20%, Tổng công ty May Đức Giang cũng mới tiêm được dưới 5% lao động, còn lại Thanh Hoá và Thái Bình hoàn toàn chưa được tiếp cận vaccine.

Ông Hùng đồng tình, với mục tiêu hàng đầu là giữ được khách hàng, đảm bảo chuỗi cung ứng và việc làm cho người lao động, ngoài giải pháp liên kết chia sẻ thị trường, khách hàng, hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn thì tất cả các doanh nghiệp đều có chung một kiến nghị là làm sao để người lao động của ngành dệt may được tiêm đủ vaccine trong thời gian sớm nhất. Đây chính là giải pháp căn cơ và lâu dài giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển.

“Chiến lược vaccine là giải pháp quan trọng nhất trong thời điểm này, cùng với đó là giải pháp có giấy phép đi lại sau khi hết giãn cách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, ông Trường khẳng định việc đảm bảo an toàn cho người lao động của doanh nghiệp trong dịch bệnh là quan trọng nhất. Trước mắt, Vinatex đề nghị được tiêm cho lực lượng chủ chốt và công nhân “ba tại chỗ” với số lượng từ 8.000 – 10.000 mũi.

“Nếu được phép, Bệnh viện Dệt May có thể bố trí 2-3 tổ tiêm lưu động đến các điểm doanh nghiệp của Tập đoàn để tiêm phòng theo sự giám sát của hệ thống y tế địa phương”, ông Trường đề xuất, đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách cho người đã tiêm đủ hai mũi vaccine sau 21 ngày được đi lại giữa các địa phương.

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền chi trả tiền trợ cấp ngừng việc một cách nhanh nhất cho người lao động trên cơ sở công văn xác nhận của doanh nghiệp. Năm 2021, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên kiến nghị xin có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất của Nhà nước, đồng thời giãn thời hạn phải nộp 12 tháng…

 
 Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
 Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

"Cần sẵn sàng kích hoạt các phương án trong tình trạng áp dụng Chỉ thị 16 tại các địa bàn có nhà máy. Cố gắng phục vụ được 30-40% đơn hàng. Tập trung cao vào cải thiện năng suất lao động những tháng cuối năm với giải pháp tổng hợp cả quản lý – công nghệ, thiết bị – đãi ngộ công nhân viên.

Cùng với đó, xây dựng phương án kinh doanh năm 2022 với hai kịch bản dịch hết quý 3/2021 và kịch bản kéo dài thêm 1-2 quý nữa. Nghiên cứu loại hình hợp đồng sản xuất phù hợp điều kiện kinh doanh mới, không chỉ ưu tiên FOB.

Vinatex sẽ nghiên cứu chuẩn bị các phương án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng kinh tế vì lý do chậm giao hàng và kiến nghị tích cực hỗ trợ các đơn vị tiếp cận với nguồn vaccine để tiêm  phòng covid-19…"