Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33 phát hành ngày 15-08-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi, nhưng bối cảnh thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực, chủ động, sáng tạo và “biến nguy thành cơ”.
Đó là nguy cơ dịch bệnh Covid-19 và một số dịch bệnh mới bùng phát trong khi vấn đề biến đổi khí hậu, lũ lụt diễn biến phức tạp, bất thường sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thế giới trong ngắn hạn đang gia tăng, lạm phát tăng cao và các điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn, mạnh hơn của các quốc gia cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu cũng như của Việt Nam. Đặc biệt, xung đột tại Ukraine có thể kéo dài hay mới đây là ở khu vực biển Đông sẽ không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng đặt ra những thách thức cần phải đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp xu thế, mô hình kinh doanh mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 15-08-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho chủ đề: “Doanh nghiệp hiến kế giữ nhịp tăng trưởng” để kịp thời ghi lại những đề xuất của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cùng quan điểm của các chuyên gia, nhà quản lý, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay có nhiều yếu tố bất định đang làm chậm lại sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Bao gồm các bài viết:
-Chủ động tháo gỡ khó khăn. Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” đã được tổ chức dưới dự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tại đây, nhiều ý kiến đề xuất và đóng góp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã được gửi tới Thủ tướng. (Nhóm phóng viên).
- Làm gì để phục hồi nhanh, phát triển bền vững? Trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ và lắng nghe doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, thách thức. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” ngày 11/8. (Nguyễn Tuyến).
-Tránh một tương lai không mấy sáng sủa. Cùng với những giải pháp phòng chống “cú sốc” bất ổn vĩ mô, những cải cách vi mô hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh cần được đẩy mạnh để nền kinh tế tránh một tương lai không mấy sáng sủa. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam xung quanh câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế vào lúc này. (Đặng Hương).
-Chưa kịp phục hồi, doanh nghiệp lại “quay cuồng” với khó khăn. Với diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nửa cuối năm 2022 được dự báo sẽ gặp khó. Thực tế này đòi hỏi cả phía doanh nghiệp và Chính phủ phải nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ứng phó thích hợp. (Anh Nhi).
-Ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại: Tránh “nước đến chân mới nhảy”. Xu hướng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị ứng phó với các vụ kiện, chỉ khi “nước đến chân mới nhảy”. (Song Hà).
Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
-Điều tiết thị trường, ngăn chặn đầu cơ đất bằng công cụ thuế. Cùng với việc bỏ khung giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quy định, chuyển từ công cụ quản lý hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế, đặc biệt là công cụ thuế và điều tiết thị trường thông qua công cụ thuế nhằm ngăn chặn tình trạng để đất bỏ hoang, chậm đưa đất hoặc không đưa đất vào sử dụng cũng như những trường hợp bao chiếm, tập trung đất đai nhằm mục đích đầu cơ. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định rằng đây là những quy định mới mang tính đột phá trong quản lý đất đai. Với việc bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất phù hợp với giá thị trường, chúng ta sẽ có những công cụ mạnh để Nhà nước có thể điều tiết, quản lý vấn đề này dựa trên khai thác hệ thống chính sách thuế hiện hành. (Phan Anh).
-Những tác động khi bỏ khung giá đất. Khung giá đất được đặt ra nhằm mục đích quản lý giá đất trên toàn bộ thị trường. Trong khung đó có giá tối thiểu và giá tối đa, buộc các địa phương không được quy định giá đất ngoài khung. Các tỉnh, thành phố căn cứ khung giá đất của Chính phủ để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm/lần và mỗi năm sẽ ban hành thêm hệ số giá đất. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính thuế sử dụng đất; tính tiền phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai... Bỏ khung giá đất là một trong những nội dung quan trọng được đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều chuyên gia cho rằng nếu được Quốc hội thông qua thì điều này sẽ tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân cũng như đến thị trường bất động sản. (Phan Nam).
-“Chúa Chổm” bất động sản đang dồn rủi ro vào ngân hàng. Dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản sắp đón cú sốc khá đột ngột bởi khối lượng 270 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Cộng với tác động từ dòng tín dụng đang bị thu hẹp, những “chúa Chổm” này đang tạo ra không ít nỗi lo đối với ngân hàng xét trên các góc độ trả nợ vay, điểm tín dụng bị hạ bậc và cả về nợ xấu. (Đào Vũ).
-“Bữa tiệc” trái phiếu bất động sản Trung Quốc đã tàn. Khi nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu bất động sản Trung Quốc gần đạt đỉnh vào thời điểm năm 2018, một nhân viên ngân hàng hoàn toàn có thể kiếm được hợp đồng hàng triệu USD trong lúc cụng ly với khách hàng trong một chuyến dạo quanh cảng Hồng Kông trên du thuyền. (An Huy).
-Tăng trưởng và lạm phát: Cần sự lựa chọn và hài hòa. Tăng trưởng cao góp phần tăng cung hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng để đáp ứng cầu, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, để tăng trưởng cao lại đòi hỏi phải tăng vốn đầu tư phát triển, nới lỏng chính sách tài khóa – tiền tệ, như: tăng bội chi ngân sách, giảm lãi suất, tăng tín dụng, tăng tiêu dùng cuối cùng…; chính các yếu tố này lại góp phần làm tăng lạm phát. (Đỗ Văn Huân).
-Giải pháp tối ưu giảm nghèo bền vững: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời kỳ hiện nay, một trong những yếu tố hết sức quan trọng để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đó là nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ khi nào người dân có nhận thức đầy đủ, có được năng lực tự thân, biết được thế mạnh của mình để phát huy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng thì họ mới tự mình vươn lên và thoát nghèo…P/v Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. (Thu Hằng).
-Sửa đổi Luật Dầu khí: Gỡ “thế bí”, tạo sức hút đầu tư mạnh hơn. Luật Dầu khí hiện hành đang tồn tại những bất cập, do vậy việc sớm sửa đổi luật sẽ là đòn bẩy quyết định giúp ngành công nghiệp quan trọng này phát triển bền vững. Đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. (Huyền Vy).
-Công ty bảo hiểm thiếu minh bạch báo cáo tài chính. Cập nhật từ thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm không công bố báo cáo tài chính trên website; nếu có, chỉ đặt ở vị trí không thuận lợi tìm kiếm hoặc chỉ công bố bản tóm tắt. Mặc dù các đơn vị này phớt lờ các quy định hiện hành về tính minh bạch nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái nghiêm để xử lý triệt để. (Phan Linh).
-Lợi nhuận ngành hàng không hứa hẹn bật tăng. Những mảng sáng – tối, may – rủi đan xen nửa đầu năm thể hiện ở sự phục hồi không đồng đều trong chuỗi cung ứng ngành hàng không. Dù vậy, nối tiếp đà phục hồi, sản lượng khách nội địa được dự báo tăng vượt kỳ vọng cuối năm 2022 và lượng khách quốc tế phục hồi hoàn toàn cuối năm tiếp theo, giúp cho lợi nhuận toàn ngành sẽ bật tăng. (Ánh Tuyết).
-Doanh nghiệp chế biến, chế tạo: “Khát khao” chính sách cởi mở. Công nghiệp chế biến chế tạo có triển vọng rất lớn để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia “sân chơi lớn” này, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, chính sách cởi mở cũng vô cùng quan trọng. (Vũ Khuê).
-Những tháng cuối năm khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện đã vào giữa quý 3, các doanh nghiệp đang nỗ lực bước vào mùa sản xuất cuối năm. Nhưng dưới tác động của tình hình thế giới và những biến động thị trường, dự báo tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn. (Lưu Hà).
-Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc: Cạnh tranh ngày càng gay gắt. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 đạt 904 triệu USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 93% trong tổng khối lượng xuất khẩu sắn của Việt Nam. (Chương Phượng).
-Dòng vốn đầu tư vào start-up dự báo sẽ giảm. Mặc dù dòng tiền đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) Việt Nam trong 6 tháng qua vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực nhưng dự báo dòng vốn đầu tư vào start-up trong năm 2022 sẽ sụt giảm, thậm chí không còn ở mức cao và sẽ không còn nhiều những thương vụ gọi vốn vài trăm triệu USD. (Phan Anh).
-“Đỏ mắt” tìm tên Hải Phòng trên bản đồ du lịch. Trải qua một thời gian dài với nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo và năm nào cũng có những phát biểu “quyết tâm” phát triển kinh tế du lịch, nhưng đến nay Hải Phòng vẫn là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam. (Quốc Cường - Nguyễn Hiền).
-Trào lưu du lịch tự túc phổ biến hậu đại dịch. Khi thế giới đang dần bước vào giai đoạn bình thường mới, nhiều chuyên gia nhận thấy nhóm du khách thuộc loại hình du lịch tự túc đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, khách du lịch thường chọn các chuyến đi độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để quản lý rủi ro thời hậu Covid-19... (Tường Bách).
Quý vị độc giả có thể đặt mua Tạp chí Kinh tế Việt Nam tại đây.