Gây nguy cơ tái nhiễm cao, “siêu biến thể” Covid-19 mới được gắn nhãn “đáng lo ngại”
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/11 đã gắn nhãn cho biến thể Covid-19 mới phát hiện ở Nam Phi là “biến thể đáng lo ngại” (VOC) và đặt tên là biến thể Omicron (tên trước đó là B.1.1.529)...
Theo CNBC, các chuyên gia y tế của WHO bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng lây nhiễm của Omicron bởi biến thể này có tới số lượng lớn đột biến và đặc tính khác với các biến thể đáng lo ngại khác.
“Omicron, B.1.1.529, được đặt cho biến thể này bởi nó có những đặc tính đáng lo ngại”, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết trong một video đăng tải lên Twitter. “Biến thể này có một lượng lớn đột biến và một vài đột biến trong số này mang nhiều đặc điểm rất đáng lo ngại”.
Các chuyên gia lo lắng rằng sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm Covid-19 tại tỉnh Gauteng của Nam Phi – nơi đầu tiên phát hiện đột biến virus thể nặng – đồng nghĩa rằng biến thể có khả năng thoát khỏi hệ thống miễn dịch cao hơn so với các biến thể trước đó. WHO cho biết số lượng ca nhiễm biến thể Omicron “có vẻ đang tăng lên” tại hầu hết các tỉnh của Nam Phi.
Tổ chức này chỉ gắn nhãn các biến thể Covid là “đáng lo ngại” khi biến thể đó có khả năng lây lan mạnh hơn, có độc lực mạnh hơn hoặc có khả năng chống lại các biện pháp phòng chống dịch như tiêm vaccine và điều trị.
Theo dữ liệu được trình bày tại cuộc họp báo ngày 26/11 của Bộ Y tế Nam Phi, một số đột biến của biến thể Omicron được cho là có khả năng kháng lại kháng thể và điều này có thể làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine.
Ngoài ra, một số đột biến cũng có thể làm cho Omicron dễ lây lan hơn, trong khi nhiều đột biến khác vẫn chưa có báo cáo về đặc tính. Do đó, các nhà khoa học chưa thể hiểu hết cách thức mà các đột biến này ảnh hưởng đến hành vi của biến thể.
“Bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể này làm tăng nguy cơ tái nhiễm so với các biến thể được gắn nhãn đáng lo ngại khác”, WHO cho biết trong thông cáo ngày 27/11.
Việc WHO gắn nhãn một biến thể đáng lo ngại mới cùng với loạt cảnh báo từ các quan chức đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này. Giá dầu, cổ phiếu du lịch giải trí lao dốc mạnh trước thông tin này.
WHO cho biết tổ chức này sẽ mất vài tuần để tìm hiểu xem liệu Omicron có ảnh hưởng tới việc chẩn đoán phát hiện, điều trị và vaccine hay không.
Ở thời điểm hiện tại, một số thông tin sơ bộ về biến thể này đã được công bố. Tại cuộc họp báo nói trên của Bộ Y tế Nam Phi, nhà khoa học Tulio de Oliveira cho biết Omicron có khoảng 50 đột biến nhưng khoảng hơn 30 trong số này là đột biến tại protein gai – phần protein tiếp xúc với tế bào cơ thể người.
Bên cạnh đó, vùng liên kết thụ thể - phần virus đầu tiên tiếp xúc với tế bào cơ thể - có tới 10 đột biến, nhiều hơn tới 5 lần so với biến thể Delta (biến thể Covid chủ đạo trên thế giới hiện nay).
Các nhà khoa học cho rằng, mức độ đột biến này có nghĩa là biến thể Omicron rất có thể đến từ một bệnh nhân không thể loại bỏ hoàn toàn virus trong cơ thể, tạo cơ hội cho nó tiến hóa về mặt di truyền. Giả thuyết tương tự đã được đặt ra cho biến thể Covid Alpha.
“Các nghiên cứu đang được triển khai tại Nam Phi và các quốc gia khác để xác định rõ hơn đặt tính của biến thể mới này, về khả năng lây nhiễm, mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng của nó tới các biện pháp phòng chống dịch của chúng ta như chẩn đoán, điều trị và vaccine”, bà Van Kerkhove cho biết. “Đến nay, chưa có nhiều thông tin và các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện”.
Khoảng 100 bộ gen biến thể Omicron đã được phát hiện ở Nam Phi, chủ yếu tại tỉnh Gauteng. Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Israel, Botswana và Hồng Kông.
“Hiện tại có hai hướng tiếp cận: Đợi có thêm các bằng chứng khaa học hoặc hành động ngay và sau đó có thể rút lại nếu không cần nữa”, giáo sư về y tế công và vi sinh học Sharon Peacock của Đại học Cambridge cho biết.
Theo ông, tốt hơn hết là ‘hành động quyết liệt, hành động sớm và nhanh chóng’ và đưa ra xin lỗi nếu sai lầm, còn hơn là chờ các ý kiến hàn lâm về các bằng chứng rồi mới hành động. Tình trạng lây lan nhanh chóng tại Nam Phi có thể do biến thể có đặc tính lây lan mạnh hoặc do yếu tố khác, nhưng hiện tại có đủ dấu hiệu cho thấy tình huống tồi tệ hơn có thể xảy ra, do đó nên có hướng tiếp cận thận trọng, ông Peacock nói.
Liên minh châu Âu (EU), Anh, Israel, Singapore và Mỹ đã lập tức áp lệnh hạn chế đi lại với các quốc gia tại phía nam châu Phi, trong đó có Nam Phi. Tuy nhiên, WHO cho rằng các quốc gia này đã “vội vàng” khi áp dụng hạn chế đi lại và khuyến cáo nên có “cách tiếp cận khoa học dựa trên rủi ro”. Bộ trưởng Ngoại giao Nam phi sáng 27/11 cũng nói rằng quyết định cấm các chuyến bay từ Nam Phi “dường như quá vội vã khi mà WHO chưa đưa ra khuyến cáo về các bước hành động tiếp theo”.