Giảm nghèo tại TP. HCM: Hỗ trợ sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo
Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo luôn được TP. HCM quan tâm thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, qua đó giúp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…
Hưởng ứng Tháng Vì người nghèo năm 2022, mới đây Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM đã tổ chức lễ phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, được tổ chức từ ngày 17/10 đến ngày 18/11.
TỪ CHĂM LO CÁC NHU CẦU THIẾU HỤT CỦA HỘ NGHÈO
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM thông tin, dịp này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" TP. HCM phấn đấu vận động quỹ đạt 40 tỷ đồng. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố phấn đấu vận động trên 125 tỷ đồng.
Với nguồn kinh phí này, quỹ sẽ tiếp tục chăm lo các nhu cầu còn thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chủ trương giảm nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là chuẩn bị công tác chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Ngoài ra, để thực hiện các giải pháp chăm lo cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn an tâm học tập, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM tiếp tục hỗ trợ học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho hơn 1.800 học sinh, sinh viên; vận động, trao đỡ đầu cho 65 sinh viên khó khăn, học giỏi tiêu biểu cho đến khi ra trường.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM mong muốn các hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí xây nhà, tặng phương tiện sinh kế sẽ có điều kiện để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; các em học sinh, sinh viên sẽ có thêm động lực, ra sức học tập trở thành những công dân tốt, thành đạt, giúp ích cho xã hội.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, năm 2022, bên cạnh các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các tổ chức thành viên luôn quan tâm và thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội. Quỹ "Vì người nghèo" các cấp của thành phố đã tiếp nhận được hơn 191 tỷ đồng.
Từ đó, đã xây dựng 62 căn nhà và sửa chữa 217 căn nhà tình thương; trao tặng 5.941 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ; tặng hơn 150 phương tiện đi học; 167 phương tiện sinh kế cùng hàng trăm ngàn suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí chăm lo hơn 132 tỷ đồng. Các kết quả này đã góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.
ĐẾN HỖ TRỢ SINH KẾ ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thực hiện chính sách giảm nghèo, trước đó, UBND TP. HCM cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo". Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Đặc biệt, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, chuẩn nghèo thành phố nhằm tiếp tục nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của hộ nghèo, cận nghèo; bảo đảm giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.
Thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều hình thức hỗ trợ trong chính sách giảm nghèo, đặc biệt là hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ bò giống từ chương trình trao tặng sinh kế do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Năm (tổ 7, ấp An Hòa, xã An Phú, Củ Chi) cho biết, việc được cung cấp bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc đã giúp gia đình ông yên tâm phát triển sản xuất, từng bước tạo nguồn thu cho gia đình để không còn đói nghèo.
Cũng là hộ gia đình khó khăn khác đã được hỗ trợ công cụ sản xuất sinh kế là máy phun thuốc trừ sâu, ông Huỳnh Văn Sơn, trú tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi bày tỏ, chiếc máy có ý nghĩa rất lớn giúp gia đình gia tăng canh tác. Đặc biệt, từ khi có máy, vườn nhà ông đã hạn chế được rất nhiều sâu bệnh, hoa màu trở nên tươi tốt hơn, cho năng suất cao hơn. Từ đó, cũng mang lại thu nhập tốt hơn và cuộc sống dần đi vào ổn định.
Ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước, trong quá trình thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững tại TP. HCM đã hình thành nên các mô hình tự quản, tổ tự quản giúp nhau thoát nghèo. Thông qua các mô hình này, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ nghề, trợ vốn, hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt…để vươn lên thoát nghèo.