18:30 18/08/2023

Hạn chế về tài chính khiến doanh nghiệp bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm

Vũ Khuê

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tại hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” ngày 18/8 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) và các đối tác tổ chức, một nghiên cứu của Liên hợp quốc được đặc biệt chú ý.

THIẾU NGUỒN LỰC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM

Theo nghiên cứu này, hơn 1/3 lượng khí thải phát ra gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu do hoạt động của con người từ sản xuất, chế biến và đóng gói thực phẩm. Ở các nước công nghiệp phát triển, khí thải từ khí nhà kính chứa flo được sử dụng trong điện lạnh, đã có tác động mạnh đối với sự nóng lên toàn cầu.

Ngành công nghiệp Việt Nam (bao gồm chế biến thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ) chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Chế biến thực phẩm là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng cũng là ngành tiêu thụ năng lượng hàng đầu.

Đến năm 2020, cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, với tổng công suất khoảng 120 triệu lần nguyên liệu/năm và chiếm 19,2% tổng tiêu thụ năng lượng công nghiệp của Việt Nam.

Với những thay đổi gần đây trong chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dự kiến đáp ứng 70% nhu cầu và chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Hạn chế về tài chính khiến doanh nghiệp bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm - Ảnh 1

Tuy nhiên, vấn đề chung của ngành là quy mô nhỏ và năng lực sản xuất khiêm tốn. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thiếu nguồn lực nâng cao nhận thức và công nghệ để thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp phụ trợ có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Nhưng hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, tính bền vững và sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có xu hướng bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp. Mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận.

Theo Bộ Công Thương, lĩnh vực công nghiệp nói chung là lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng rất cao, chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng cả nước. Hiện trạng sử dụng năng lượng chưa hiệu quả vẫn đang còn tồn tại.

Dư địa về tiết kiệm năng lượng đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp còn rất lớn, do Việt Nam đi lên từ một nước có nền công nghiệp tương đối lạc hậu, nhiều hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất, dây chuyền công nghệ quá cũ, dẫn đến hiệu suất năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp.

HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO ĐẦU TƯ TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

Để giải bài toán về tiết kiệm năng lượng, ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình Cấp cao của Quỹ Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), đề xuất sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp tốn ít chi phí nhất. Các giải pháp tài chính cho tiết kiệm năng lượng cần có sự phối hợp giữa công và tư, các tổ chức tài chính.

Đặc biệt, theo ông John Robert Cotton, tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, áp dụng các giải pháp công nghệ. Việt Nam hoàn toàn có thể đi đầu trong khu vực về nỗ lực này.

Đại diện ETP cho rằng với mục tiêu đầy hoài bão trong cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cũng các thách thức đặt ra với các sản phẩm xuất khẩu sang EU (EU sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới -CBAM)… đòi hỏi Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn. Những nỗ lực này sẽ có tác động tích cực với các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Là đơn vị tài trợ dự án, ETP là một quỹ đa bên với mục đích tập hợp các nhà tài trợ trên khắp thế giới và các đối tác chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI và ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình Cấp cao ETP chủ trì hội thảo.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI và ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình Cấp cao ETP chủ trì hội thảo.

Ông John Robert Cotton cho biết thêm, ETP hiện tại đang tập trung vào Indonesia, Philippines và Việt Nam. Đây là những quốc gia trong khu vực có nhu cầu năng lượng cao, có số lượng lớn các dự án năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch...

Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” sẽ được thực hiện thí điểm trong hai năm (2023 – 2025) cho 2 ngành công nghiệp phụ trợ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức trong 2 ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho các khoản đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kết nối mạng lưới giữa các nhà sản xuất, nhà tài chính và các ESCO, thí điểm đánh giá chuẩn năng lượng hiệu quả cho hai ngành và xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam.

Dự án này sẽ giúp sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, thực hành chuỗi cung ứng sản xuất có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã hội và môi trường, đồng thời giảm lượng khí thải carbon trong hai ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Thông tin về giải pháp tài chính ưu đãi của AFD dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng ban Chuyển đổi năng lượng, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), AFD cam kết hơn 2,3 tỉ EUR cho hơn 100 chương trình, dự án phát triển bền vững. Chiến lược hoạt động của AFD chỉ có một mục tiêu duy nhất là hỗ trợ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

AFD mong muốn mở rộng tài trợ cho các dự án xanh thông qua các ngân hàng thương mại Việt Nam. AFD cấp các hạn mức tín dụng xanh cho các ngân hàng và các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp và AFD có thể cấp bảo lãnh cho ngân hàng để chia sẻ rủi ro.