11:02 17/04/2021

Ho sặc khi ăn khiến hạt hồng xiêm kẹt trong đường thở

Hoài Phương

Dị vật đường thở là tai nạn sinh hoạt thường gặp, có thể gây tử vong hoặc gây di chứng nặng nề cho người bệnh. Nguy cơ biến chứng và tổn thương phổi tăng lên theo thời gian mà dị vật dược lấy ra. Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp nhận và xử trí thành công lấy dị vật đường thở là hạt quả hồng xiêm cho người bệnh 42 tuổi.
Người bệnh L.T.T ở nhà có ăn hồng xiêm không may bị sặc kèm theo xuất hiện ho, khó thở, đau tức ngực. Người bệnh đã cố gắng khạc nhưng không ra được. Tại cơ sở khám ban đầu, người bệnh được nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu… không thấy bất thường. Về nhà một ngày, người bệnh thấy ho nhiều hơn và ho ra máu. Sau đó, người bệnh tới khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Tại đây, người bệnh được chỉ định chụp cắt lớp vi tính và phát hiện hình ảnh dị vật đường thở trong lòng phế quản gốc phải. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thăm khám, hội chẩn và thực hiện kỹ thuật can thiệp lấy dị vật bằng nội soi phế quản ống mềm cho người bệnh. Kỹ thuật được thực hiện bởi bác sĩ, kỹ thuật viên của hai Khoa Nội 2 và Khoa Thăm dò Chức năng. TS.BS Phạm Thị Phương Nam – Phó Trưởng Khoa Nội 2, người trực tiếp nội soi thực hiện gắp dị vật cho biết: "Hạt hồng xiêm là một trong những dị vật đường thở khó lấy và luôn là thách thức cho ê – kíp nội soi do bề mặt trơn nhẵn và có gai nhọn sắc cạnh. Hạt hồng xiêm rất dễ bị trơn, tuột khi lôi kéo kèm nguy cơ gây xước rách đường thở nên đòi hỏi bác sĩ, kỹ thuật viên nội soi phải hết sức khéo léo, cẩn trọng trong quá trình can thiệp lấy dị vật". Rất may mắn quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi, dị vật được lấy ra là hạt hồng xiêm to có kích thước 3 x 1,5 cm và không có tổn thương nào cho đường thở của người bệnh. Ngay sau khi thực hiện, người bệnh đã cảm thấy dễ chịu, hết khó thở, đỡ tức ngực.
Ho sặc khi ăn khiến hạt hồng xiêm kẹt trong đường thở - Ảnh 1.
TS.BS Phạm Thị Phương Nam cũng chia sẻ thêm: "Đã có nhiều người bệnh bị các dị vật đường thở khác đến từng đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp như mảnh xương, hạt hoa quả,… gây tổn thương đường hô hấp. Khi dị vật vào đường thở do sặc hoặc do vô ý hít phải, nếu lớn có thể bít cả đường thở gây suy hô hấp, tử vong. Nếu nhỏ sẽ vào sâu trong khí quản và tùy theo kích thước hoặc hình dáng mà vào sâu tới phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi, gây ho, khó thở, khò khè, viêm phế quản để lâu có thể ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật hoặc ở thùy phổi." Để phòng tránh nguy cơ bị dị vật đường thở, mọi người nên ăn chậm, nhai kỹ, trong lúc ăn không nên cười đùa, la hét. Đối với những trường hợp dị vật là những vật sắc nhọn đã được nuốt sâu không nên tự ý gây nôn, điều này có thể làm tổn thương thêm cho đường thở. Khi người bệnh bị sặc hoặc hóc dị vật và có biểu hiện đau tức ngực, ho dữ dội, cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời gắp dị vật ra càng sớm càng tốt. Chế biến đồ ăn phù hợp tránh sặc, hóc đối với những người có nguy cơ cao như bệnh đột quỵ, tâm thần, người già, trẻ em.