17:14 23/04/2021

Công nghệ mới trong phẫu thuật nội soi lồng ngực

Nội soi lồng ngực là phương pháp đưa ống nội soi vào khoang màng phổi với mục đích quan sát hoặc làm các can thiệp ngoại khoa.

Thông qua phương pháp này, sẽ giúp các bác sỹ đánh giá tràn dịch màng phổi dịch tiết; các tổn thương màng phổi và phổi khác khi các xét nghiệm không xâm lấn không chẩn đoán được với độ chính xác chẩn đoán các bệnh ác tính và lao phổi lên tới 95%.

11h45 phút ngày 16/4, Tiến sỹ Lô Quang Nhật, Trưởng Khoa ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cùng ê kíp bước ra khỏi phòng mổ với nụ cười rạng rỡ.

Một ca bệnh phức tạp, thời gian mổ kéo dài gần 4 giờ đồng hồ. Bệnh nhân là Phạm Anh Thư - 18 tuổi (Ngân Sơn – Bắc Kạn) được chuyển đến BV Trung ương Thái Nguyên ngày 14/4 khi đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn phẫu thuật dẫn lưu tối thiểu khoang màng phổi hai bên ngày thứ ba do tràn khí màng phổi mức độ nhiều. Sau khi tiếp nhận và thực hiện khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng tại BV Trung ương Thái Nguyên, bệnh nhân được chẩn đoán tràn khí nguyên phát khoang màng phổi 2 bên.

Cùng thời điểm trên, kíp mổ cho bệnh nhân Triệu Sinh Năm - 26 tuổi ( Xóm Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trái với bệnh nhân Thư, bệnh nhân Năm được chuyển đến BV Trung ương Thái Nguyên lúc 22h30’ ngày 11/4 trong tình trạng tỉnh táo, giao tiếp được. Tuy nhiên theo kết quả chụp CT tại Bệnh viện cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch khoang màng phổi hai bên (phần nhiều bên trái); xẹp toàn bộ nhu mô phổi, trường phổi trái và thùy dưới phải; tràn khí dưới da thành ngực trái và gãy xương sườn trái 2, 3, 4.

Trước đó hồi 10h cùng ngày, bệnh nhân bị ngã xe máy bất tỉnh và được đưa vào Bệnh viện Quân y 110 - Bắc Ninh. Tại đây, bệnh nhân được truyền dịch giảm đau và kháng sinh chống viêm.

Công nghệ mới trong phẫu thuật nội soi lồng ngực   - Ảnh 1

Trao đổi sau ca mổ, Tiến sỹ Lô Quang Nhật cho biết: trường hợp của 2 bệnh nhân Năm, Thư là những ca bệnh khó, phức tạp, nếu không được mổ sớm sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Và đây chỉ là hai trong số nhiều ca bệnh khó đã được Khoa ngọai Tim mạch - Lồng ngực thực hiện phẫu thuật theo phương pháp nội soi một lỗ thành công.

Qua tìm hiểu được biết, phẫu thuật nội soi, đôi khi còn được gọi là “phẫu thuật xâm lấn tối thiểu” là một phương pháp mổ chỉ dùng những vết rạch (cắt) nhỏ, thay vì đường rạch dài vài centimet như trong mổ mở.

Lợi ích vượt trội của mổ nội soi nhằm chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân, giúp người bệnh không bị mất máu nhiều trong quá trình mổ; không gây đau sau khi mổ; vết mổ ít bị tổn thương và ảnh hưởng đến bộ phận khác.

Cùng với đó, mổ nội soi ít để lại sẹo, tính thẩm mỹ cao, thời gian phục hồi nhanh chóng và hầu như không gây ra biến chứng sau đó.

Đối với nội soi lồng ngực, đây là phương pháp đưa ống nội soi vào khoang màng phổi với mục đích quan sát hoặc làm các can thiệp ngoại khoa. Thông qua phương pháp này, sẽ giúp các bác sỹ đánh giá tràn dịch màng phổi dịch tiết; các tổn thương màng phổi và phổi khác khi các xét nghiệm không xâm lấn không chẩn đoán được với độ chính xác chẩn đoán các bệnh ác tính và lao phổi lên tới 95%.

Tuy nhiên, để thực hiện được phẫu thuật nội soi, đặc biệt là nội soi lồng ngực đòi hỏi các bác sỹ phải có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các thiết bị, dụng cụ phục vụ phẫu thuật phải hiện đại, có độ tinh xảo.

Hiện nay, tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là Bệnh viện duy nhất trong khu vực có đủ năng lực, trình độ và phương tiện áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi lồng ngực một lỗ với hệ thống dụng cụ, phương tiện phục vụ phẫu thuật nội soi nói chung, nội soi lồng ngực nói riêng rất hiện đại, như: máy Canstop nhập khẩu từ Đức cho hình ảnh rõ hơn, nét hơn, độ phân giải cao hơn; khâu máy tự động (của Mỹ) giúp rút ngắn thời gian ca phẫu thuật và bệnh nhân sau mổ phục hồi nhanh hơn…