Kinh tế Đức trì trệ lâu nhất trong hơn 7 thập kỷ
Với tăng trưởng âm năm 2024, đây là lần thứ hai kể từ năm 1950 nền kinh tế Đức chứng kiến hai năm suy giảm sản lượng liên tiếp...
Theo số liệu chính thức vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 của Đức giảm 0,2% so với năm trước, đánh dấu năm tăng trưởng âm thứ hai liên tiếp. Năm 2023, kinh tế nước này suy giảm 0,3%.
Đây là lần thứ hai kể từ năm 1950 nền kinh tế lớn nhất châu Âu chứng kiến hai năm suy giảm sản lượng liên tiếp.
“Kinh tế Đức đang trải qua giai đoạn trì trệ dài nhất kể từ Thế chiến thứ hai”, ông Timo Wollmershäuser, giám đốc bộ phận dự báo tại viện Ifo, nhận xét. “Kinh tế nước này đang tụt hậu đáng kể so với các nền kinh tế lớn khác”.
Ifo dự báo nền kinh tế lớn nhất châu sẽ tăng trưởng “gần như không đáng kể”, với mức tăng khoảng 0,4% trong năm nay.
Dữ liệu kinh tế ảm đạm được đưa ra ngay trước cuộc bầu cử liên bang dự kiến được tổ chức vào ngày 23/2 tới. Đến nay, chiến dịch vận động tranh cử tại nước này chủ yếu xoay quanh vấn đề phi công nghiệp hóa, cơ sở hạ tầng xuống cấp và vấn đề có nên bãi bỏ các biện pháp hạn chế chi tiêu công hay không.
Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU) và là người được dự báo có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, đang vận động tranh cử theo hướng cải tổ nền kinh tế với cam kết giảm thủ tục hành chính và thuế, đồng thời giảm phúc lợi với những người không tham gia lực lượng lao động.
Suy giảm kinh tế diễn ra trong bối cảnh Đức đối mặt nhiều thách thức lớn như suy thoái sản xuất, mối đe dọa thuế quan từ Mỹ. Ngành công nghiệp ô tô – một trụ cột lớn của nền kinh tế Đức – đang đối mặt cuộc khủng hoảng do cạnh tranh gay gắt từ ô tô giá rẻ Trung Quốc và xu hướng dịch chuyển sang xe điện, cũng như chi phí năng lượng cao và nhu cầu ảm đạm của người tiêu dùng.
Kinh tế Đức liên tục giảm tốc kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, với sản lượng công nghiệp hiện đang ở mức thấp hơn khoảng 10% so với mức đỉnh lịch sử. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đang bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2018.
Đức là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 chứng kiến GDP giảm trong năm 2023 và là nền kinh tế đầu tiên trong nhóm này công bố số liệu GDP năm 2024. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế năm 2025 của nước này không mấy sáng sủa.
Tháng trước, ngân hàng Bundesbank dự báo kinh tế Đức sẽ duy trì tình trạng trì trệ trong năm 2025 với dự báo tăng trưởng chỉ đạt khoảng 0,1%. Trong một kịch bản xấu hơn, nhà băng này cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng âm.
“Bất ổn chính trị trong nước và mối đe dọa thuế quan từ Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên các hoạt động kinh tế của Đức, khiến tăng trưởng sẽ rất khiêm tốn. Triển vọng kinh tế nước này đang nghiêng về phía rủi ro suy giảm và những vấn đề trầm trọng của ngành sản xuất có thể dễ dàng đẩy nước này rơi vào suy thoái kéo dài”, nhà kinh tế Martin Ademmer, nhận định với Bloomberg.
Suy giảm kinh tế và tranh cãi về cách thức để giải quyết vấn đề này là những yếu tố khiến liên minh cầm quyền bao gồm ba đảng của Đức sụp đổ sau khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner vào tháng 11 năm ngoái.
“Để đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại, chúng ta cần những câu trả lời thuyết phục từ các chính trị gia và doanh nghiệp đối với những thách thức lớn của nền kinh tế”, nhà kinh tế Klaus Borger của KfW Research nhận xét.
Việc chính phủ kế nhiệm sẽ giải quyết vấn đề về hạn mức nợ và thâm hụt ngân sách như thế nào là điều đặc biệt quan trọng với nền kinh tế nước này. Chính phủ mới được kỳ vọng sẽ thay đổi các quy tắc nghiêm ngặt gọi là "phanh nợ", vốn được các chính trị gia bảo thủ lâu nay ủng hộ, để cho phép đầu tư linh hoạt hơn vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và quốc phòng.
Theo các chuyên gia thống kê, GDP quý 4/2024 của Đức có thể đã giảm 0,1% so với quý trước đó – một diễn biến mà nhà kinh tế Robin Winkler của ngân hàng Deutsche Bank nhận xét là sự bất ngờ đáng lo ngại.
“Nếu sự suy giảm đó được xác nhận, thì có nghĩa là nền kinh tế Đức đã lại mất đà vào đầu mùa đông này”, ông Winkler nhận định.
Đức không phải nền kinh tế châu Âu duy nhất đang lâm vào khủng hoảng. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cũng đang đối mặt một loạt thách thức về tài khóa và chính trị. Để giải quyết những vấn đề này cần đến các biện pháp thắt lưng buộc bung kéo dài nhiều năm và theo đó sẽ gây áp lực lớn tới tăng trưởng kinh tế.
Theo các nhà kinh tế, một điểm sáng hiếm hoi trong năm nay là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Frankfurt dự kiến tiếp tục hạ lãi suất sau 4 lần giảm năm ngoái.