Lãnh đạo Vụ Ngân sách nhà nước trần tình về dự toán thu năm 2023 chỉ tăng 6.600 tỷ đồng
Nhiều ý kiến cho rằng dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 ở mức 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 6,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2022 là tương đối thận trọng và gây quan ngại Việt Nam sẽ tự thu hẹp không gian tài khóa khi lường thu mà chi...
Chiều ngày 10/11, Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức tọa đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và thách thức” tại Hà Nội.
Tranh luận tại toạ đàm, nhiều ý kiến cho rằng dự báo tăng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 ở mức 10,3% so với thu năm 2020-2022 là quá thận trọng so với trung bình những năm vừa qua. Tính riêng năm 2022, dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 đặt ra ở mức 1.620,7 nghìn tỷ đồng, nhích tăng vỏn vẹn 0,4% so với ước thực hiện năm 2022 (tương đương 6,6 nghìn tỷ đồng). Cùng với đó, các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn, nhằm tránh các rủi ro vì dự báo sai hay thu vượt dự toán quá lớn.
KHÓ DỰ BÁO NHỮNG KHOẢN THU BẤT THƯỜNG
Mức dự toán thu này dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như: dự kiến tốc độ tăng GDP khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% so với năm 2022.
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công cho rằng: "Nếu có chủ trương khoan sức dân, giảm thu là chuyện khác nhưng vẫn muốn thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội thì phải tìm cách tăng thu". Những năm qua, thu thuế tài sản nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện hay chỉ cần thanh tra việc kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản, khi siết chặt các biện pháp chống thất thu thuế, ngăn việc bỏ lọt nguồn thu thì ngay lập tức số thu thuế tăng lên rõ rệt.
Lý giải dự toán thu năm tới tương đối thận trọng, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết khi dự toán thu ngân sách thường chia thành 2 khoản chính, đó là những khoản thu cốt lõi, thể hiện độ bền vững của ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh và những khoản thu bất thường.
"Bóc tách khoản thu cốt lõi, qua theo dõi 10 năm, khoản thu bền vững tăng trưởng 8-10%/năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Tân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có những khoản thu bất thường trong năm nhưng hàng chục năm sau biến mất; hay có địa bàn thu tốt, địa bàn lại thu rất hạn chế.
Ông Tân dẫn chứng, với những khoản thu từ đất đai tại một địa phương, đây là nguồn tài nguyên hữu hạn nên nếu khóa này làm tốt, khóa sau sẽ "ngồi không", hay có những doanh nghiệp nộp tiền thuê đất một lần trong 30 năm.
Cá biệt, tại Hưng Yên, các khoản thu về nhà đất tăng cao trên 2.200% do nguồn thu thuế từ hai dự án đại đô thị Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup. Thống kê 8 tháng đầu năm 2022, dự án Dream City và Khu đô thị Đại An nộp tổng cộng 34.867 tỷ đồng vào ngân sách trong tổng ngân sách tỉnh thu được là 44.335 tỷ đồng.
Hoặc khi chuyển giao tài sản giữa các nhà đầu tư như thương vụ Central Group - Tập đoàn đến từ Thái Lan thâu tóm Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp), khoản thu phát sinh năm nào thì nộp năm đó. Rõ ràng nhiều khoản thu đột biến giúp tăng thu ngân sách rất khó dự báo trước.
Do đó, theo Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân sách nhà nước, khi dự toán ngân sách phải loại ra những khoản thu bất thường và chỉ tính những khoản thu cốt lõ. Những khoản thu này bình quân hàng năm tăng trưởng khoảng 10% là rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều biến động.
DỰ TOÁN CHẮC CHẮN ĐỂ ĐIỀU HÀNH TRONG BỐI CẢNH NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Phân tích rõ hơn về những khó khăn sắp phải đối diện, theo Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân sách nhà nước, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá tốt từ "cú bật" cuối năm 2021, thu ngân sách đạt mức khả quan và có những tháng đạt trên 10% dự toán.
Tuy nhiên, từ tháng 6 bắt đầu lộ rõ những khó khăn khi có tháng chỉ thu đạt 4% dự toán đề ra, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn về thị trường, hay doanh nghiệp đứng trước nhiều nguy cơ bị huỷ bỏ hợp đồng khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái...
"Sau khi thảo luận kỹ, Chính phủ trình Quốc hội phương án này. Giả sử đưa dự toán thu cao hơn, trong trường hợp không đạt thì lại loay hoay với bài toán cân đối ngân sách, khó hơn là giải bài toán ngược lại.
Như vậy, chúng ta chủ động, linh hoạt và chắc chắn trong thu ngân sách, từ đó điều hành trên nền chính sách này sẽ khả quan hơn".
Trước đây, nhiều quốc gia mạnh tay tăng chi ngân sách, nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do Covid-19.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những chính sách này đều đảo chiều toàn bộ.
"Để ưu tiên kiểm soát lạm phát, nhiều nền kinh tế lớn thắt chặt tiền tệ, dẫn tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, thậm chí một số quốc gia đối mặt với nguy cơ suy thoái", ông Tân phân tích.
Diễn biến nền kinh tế thế giới đối diện nhiều yếu tố khó lường cũng khiến nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), OECD... 3 tháng trước dự báo không quá bi quan nhưng trong một báo cáo phát hành tháng 10 vừa qua đã thừa nhận nền kinh tế thế giới suy giảm rõ rệt, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng, hoạt động thương mại, việc làm...
Bên cạnh đó, giá xăng dầu và rất nhiều hàng hóa chủ yếu trên thị trường thế giới như lương thực và nhiều nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế tiếp tục ở mức cao, tạo áp lực lớn gia tăng lạm phát trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị như chiến sự Nga – Ukcraine, vùng nóng ở Trung Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Trong nước, những thành tựu đạt được trong năm 2022 rất toàn diện. Tuy nhiên, "thách thức vẫn lớn, trong đó, những yếu tố nội tại và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khả năng chống chịu của chúng ta chỉ có giới hạn", ông Tân nhấn mạnh và chỉ rõ: "Hiện có nhiều tổ chức quốc tế cho rằng khả năng ứng phó của Việt Nam trước những tác động toàn cầu còn chậm và chưa phù hợp".
Những khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội cũng như những dự toán ngân sách của năm 2023 và những năm tới đây.
PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH THU HƠN 1,6 TRIỆU TỶ ĐỒNG NĂM 2023
Trong nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội, Việt Nam đã đặt nhiều mục tiêu về nâng cao hiệu quả sử dụng và minh bạch ngân sách. Cuối tháng 10 vừa qua, báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do Chính phủ trình Quốc hội đã được Bộ Tài chính công khai; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP.
Cụ thể, dự toán thu nội địa là 334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, tăng khoảng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022.
Dự toán thu dầu thô 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn (mỗi tấn tương đương khoảng 7,5 thùng), giá dầu dự toán khoảng 70 USD/thùng.
Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 239 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Trong đó, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 425 nghìn tỷ đồng; dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng là 186 nghìn tỷ đồng.
Dự toán thu viện trợ: 5,5 nghìn tỷ đồng.
Với phương án nêu trên, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 tăng khoảng 209 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022 và tăng 6,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2022.
Trong nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Đồng thời, quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất để đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu.
Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...